Báo Đồng Nai điện tử
En

Tái khởi động phân loại chất thải rắn tại nguồn

04:10, 07/10/2020

(ĐN) - Dự án phân loại chất thải rắn tại nguồn với mục tiêu tận dụng nguồn tài nguyên tái chế, hạn chế chôn lấp rác thải và tiết kiệm chi phí xử lý được tỉnh thí điểm lần đầu tiên vào năm 2008. Sau 2 lần triển khai nhân rộng vào các năm 2016 và 2018

Dự án phân loại chất thải rắn tại nguồn với mục tiêu tận dụng nguồn tài nguyên tái chế, hạn chế chôn lấp rác thải và tiết kiệm chi phí xử lý được tỉnh thí điểm lần đầu tiên vào năm 2008. Sau 2 lần triển khai nhân rộng vào các năm 2016 và 2018, chương trình tạo được sự chuyển biến nhất định. Nhưng về khách quan, chương trình chưa mang lại kết quả như mong muốn.

Phân loại chất thải nhựa tái chế tại TP.Long Khánh
Phân loại chất thải nhựa tái chế tại TP.Long Khánh. Ảnh:B. Mai

Mới đây, Tỉnh ủy có Chỉ thị số 54 và UBND tỉnh có Kế hoạch 5973 về tiếp tục thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn trên quy mô toàn tỉnh, các cơ quan, đơn vị, trường học. Mục tiêu đến năm 2025, tất cả các đô thị đều thực hiện có hiệu quả phân loại chất thải rắn tại nguồn.

* Còn nhiều vướng mắc

Theo Sở TN-MT, sau hơn 10 năm triển khai, đến nay 11/11 đơn vị cấp huyện đã thực hiện phân loại rác tại nguồn tại 67 xã, phường; 106 trường từ mầm non đến THPT và 3 chợ. Có 61,6 ngàn hộ dân đăng ký thực hiện, trong đó có gần 28,6 ngàn hộ dân phân loại đúng theo hướng dẫn. Trung bình mỗi ngày có khoảng 304/1.833 tấn chất thải rắn được phân loại đúng, bằng 16,5% tổng chất thải phát sinh. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vướng mắc trong triển khai thực hiện.

Việc tái khởi động chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn cho thấy sự cần thiết và quyết tâm giữ môi trường xanh, sạch, đẹp của tỉnh. Theo thống kê, mỗi ngày Đồng Nai phát sinh hơn 1,8 ngàn tấn rác thải rắn sinh hoạt. Trong đó, hơn 1,5 ngàn tấn được đưa về các khu xử lý tập trung, tỷ lệ chôn lấp 29%, còn lại xử lý làm phân bón và đốt không phát điện. Theo tính toán, nếu phân loại rác tại nguồn thành công, sẽ có 80-90% khối lượng chất thải được tái sử dụng hiệu quả, giảm đáng kể chi phí xử lý, diện tích chôn lấp và có nguồn thu từ rác tái chế.

Ông Huỳnh Tấn Lộc, Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa cho rằng, thành phố là địa phương triển khai thí điểm đầu tiên ở tỉnh, đến nay có hơn 70% phường, xã thực hiện phân loại nhưng kết quả chưa cao. Nguyên nhân theo ông Lộc là lúc thí điểm, thành phố trang bị thùng đựng rác, túi ny-lông cho các hộ gia đình, sau này nhân rộng, chương trình cấp phát thiết bị không còn, nhiều hộ gia đình không phân loại nữa. Bên cạnh đó, khâu thu gom, vận chuyển cũng chưa đảm bảo.

Theo ông Lộc, xử lý rác thải là một trong những vấn đề cấp bách của thành phố hiện nay. Trung bình mỗi ngày, thành phố phát sinh khoảng 730 tấn rác thải, khoảng 36% rác thải chôn lấp. Giải pháp tới đây của TP.Biên Hòa là đẩy mạnh truyền thông ở trường học, đường phố; huy động Đoàn Thanh niên, Hội LHPN, Mặt trận tuyên truyền trong các tổ chức đoàn hội nhằm thay đổi nhận thức của người dân. “Chúng tôi chỉ đạo Phòng Quản lý đô thị yêu cầu các công trình xây dựng phải ký hợp đồng xử lý chất thải xây dựng mới cấp phép. Đây là cách để hạn chế tình trạng đổ trộm chất thải rắn ra môi trường, nâng tỷ lệ thu gom rác” - ông Lộc cho hay.

Ông Nguyễn Quang Phương, Phó chủ tịch UBND H.Vĩnh Cửu cho rằng, địa phương đang loay hoay với bài toán xe vận chuyển rác. Theo ông Phương, với mức giá 22,5 ngàn đồng/hộ dân/tháng thì không thể yêu cầu HTX phải có 2 xe, đi thu gom rác 2 lần. Còn nếu tăng phí thu gom rác cao hơn, nhiều hộ gia đình không đăng ký thì tỷ lệ thu gom rác không đạt và tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm do đốt, chôn rác tại nhà.

Còn tại H.Xuân Lộc, công tác tuyên truyền và thực hiện khá tốt nhưng hạ tầng sau thu gom không đáp ứng. Ông Nguyễn Văn Linh, Phó chủ tịch UBND huyện cho biết, hầu hết các xã nông thôn mới nâng cao, trường học đều thực hiện phân loại khá tốt. Huyện hỗ trợ thùng rác, túi ny-lông. Tuy nhiên, Khu xử lý rác Xuân Tâm trên địa bàn huyện chưa đủ năng lực tiếp nhận, xử lý rác sau phân loại. 100% rác tiếp nhận, bao gồm cả rác đã phân loại đưa về đây đều đem chôn lấp, việc phân loại trở nên lãng phí.

* Đưa phân loại rác vào chương trình hành động

Phân loại rác tại nguồn là chủ trương đúng đắn vì tiết kiệm được diện tích chôn lấp, chi phí xử lý; giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, phân loại chất thải còn giúp tận dụng được các nguyên liệu có thể tái chế như: rác hữu cơ, giấy, nhựa, kim loại. Vì lẽ đó, hơn 10 năm qua, Đồng Nai kiên trì thực hiện, dù biết rất khó.

Bãi chôn lấp chất thải sinh hoạt tại Khu xử lý chất thải Vĩnh Tân (H.Vĩnh Cửu)
Bãi chôn lấp chất thải sinh hoạt tại Khu xử lý chất thải Vĩnh Tân (H.Vĩnh Cửu). Ảnh:B. Mai

Tại buổi làm việc mới đây với ngành TN-MT, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho rằng, phân loại chất thải rắn tại nguồn là chỉ thị của Tỉnh ủy, là kế hoạch của UBND tỉnh nhằm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Do đó, các địa phương phải xây dựng kế hoạch và đưa vào chương trình hoạt động hằng năm, nhiệm kỳ. Đối với hoạt động thu gom và vận chuyển, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng yêu cầu các địa phương phải đưa xe chuyên dụng hoặc phân chia ngày vào điều kiện đấu thầu thu gom rác. Đối với các đơn vị trúng thầu xử lý, các địa phương phải giám sát thường xuyên việc xử lý rác sau phân loại. Một số khu xử lý rác chưa đủ năng lực tiếp nhận, chưa đủ điều kiện vận hành hệ thống xử lý chất thải theo cam kết, Sở TN-MT và UBND các huyện, thành phố quan tâm tháo gỡ.

Ông Đặng Minh Đức, Giám đốc Sở TN-MT cho rằng, triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn trên phạm vi toàn tỉnh là một trong 2 nhiệm vụ trọng tâm của ngành Môi trường từ nay đến cuối năm. Sở TN-MT đã làm việc với các địa phương cấp huyện, Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh và thống nhất, các địa phương được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao phải đảm bảo chỉ tiêu 50% rác thải được phân loại tại nguồn.       

Ban Mai

Tin xem nhiều