Báo Đồng Nai điện tử
En

Chế biến nông sản: Khó vụ sản xuất cuối năm

11:12, 21/12/2020

Thời điểm này hằng năm, các doanh nghiệp, cơ sở chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh đã tất bật vào cao điểm sản xuất phục vụ cho thị trường Tết Nguyên đán. Nhưng năm nay, nhiều cơ sở vẫn sản xuất như ngày thường, thậm chí chỉ sản xuất cầm chừng vì thị trường gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Thời điểm này hằng năm, các doanh nghiệp, cơ sở chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh đã tất bật vào cao điểm sản xuất phục vụ cho thị trường Tết Nguyên đán. Nhưng năm nay, nhiều cơ sở vẫn sản xuất như ngày thường, thậm chí chỉ sản xuất cầm chừng vì thị trường gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Chế biến trái, nông sản sấy tại Công ty TNHH Thương mại sản xuất mít sấy Hưng Phát (xã Bình Lộc, TP.Long Khánh). Ảnh: Bình Nguyên
Chế biến trái, nông sản sấy tại Công ty TNHH Thương mại sản xuất mít sấy Hưng Phát (xã Bình Lộc, TP.Long Khánh). Ảnh: Bình Nguyên

Theo dự đoán của nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, vụ Tết năm nay, cả thị trường tiêu thụ nội địa và xuất khẩu vẫn khó khởi sắc như mọi năm vì tình hình dịch bệnh và khó khăn chung về kinh tế.

* Một năm nhiều thách thức

Từ đầu năm đến nay, dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất, tiêu thụ của các doanh nghiệp, cơ sở chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh. Nhiều doanh nghiệp đang đối mặt với rất nhiều khó khăn để tiếp tục duy trì sản xuất vì nhiều tháng dài đã gồng mình gánh lỗ.

Bà Trần Thị Hoa, chủ Cơ sở chế biến rau củ quả Cường Hoa (xã Quang Trung, H.Thống Nhất) lo lắng, nhiều tháng nay, cơ sở rất khó khăn vì cả thị trường nội địa và xuất khẩu các dòng hàng nông sản chế biến đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Khó khăn này chưa có điểm dừng vì tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. “Ngay cả vụ sản xuất Tết là mùa thị trường tiêu thụ lớn nhất trong năm, cơ sở vẫn sản xuất cầm chừng vì lo thị trường sẽ khó hơn mọi năm. Thời điểm này tuy đã vào cao điểm sản xuất vụ Tết nhưng hầu như không có khách đặt hàng trước như mọi năm nên cơ sở không tính đến chuyện đẩy mạnh sản xuất” - bà Hoa nói.

Ông Đào Cao Thức, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thực phẩm Ánh Nhi (xã Sông Trầu, H.Trảng Bom) cho biết, để cung cấp cho thị trường cuối năm, doanh nghiệp vẫn tập trung đẩy mạnh các sản phẩm chế biến từ nấm ăn, nấm dược liệu và rau củ quả. Nhờ ký được hợp đồng cung cấp hàng vào các hệ thống siêu thị nên doanh nghiệp không quá khó khăn về đầu ra. Tuy nhiên, sản lượng sản phẩm cung cấp của doanh nghiệp ra thị trường cũng giảm khoảng 30% so với mọi năm vì dịch Covid-19 ảnh hưởng mạnh đến sức mua chung. “Tình hình khó khăn chung nên vụ sản xuất cho thị trường cuối năm, doanh nghiệp có tăng sản lượng nhưng không bằng mọi năm. Giá cả các mặt hàng cũng được giữ ổn định phục vụ khách hàng” - ông Thức nói.

Ngay cả những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ cũng bị ảnh hưởng không nhỏ vì sức tiêu thụ trên thị trường giảm mạnh. Bà Trương Thị Bảy, chủ cơ sở chế biến chuối sấy, chuối chiên ở khu vực núi Chứa Chan (H.Xuân Lộc) cho biết, cả năm nay, làng nghề chuyên sản xuất các loại đặc sản từ chuối với nhiều sản phẩm như: chuối sấy, chuối chiên, chuối hồng, chuối hột... ở vùng núi Chứa Chan này không bằng mọi năm. Có tháng cao điểm xảy ra dịch bệnh, nhiều cơ sở phải tạm ngưng sản xuất vì ít khách mua. Theo đó, vụ Tết năm nay, làng nghề vào mùa chế biến trễ hơn, sản xuất cũng kém sôi động hơn mọi năm.

* Nỗ lực giữ thị trường

Trước khó khăn kéo dài, nhiều doanh nghiệp trong ngành Chế biến nông sản mong được tiếp sức bằng những chính sách hỗ trợ thiết thực từ Nhà nước như: được ngân hàng khoanh nợ, giãn nợ; tiếp cận được nguồn tín dụng lãi suất thấp, thời hạn vay kéo dài; có thêm nhiều chương trình xúc tiến thương mại để doanh nghiệp có cơ hội mở rộng kênh bán hàng ở cả thị trường nội địa cũng như kênh xuất khẩu... Các doanh nghiệp trong ngành chế biến cũng nỗ lực vượt khó cạnh tranh nhau bằng việc đa dạng sản phẩm, giữ giá ổn định, đảm bảo chất lượng để giữ khách hàng.

Ông Nguyễn Thế Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại sản xuất mít sấy Hưng Phát (xã Bình Lộc, TP.Long Khánh) chia sẻ, trước khó khăn về thị trường, doanh nghiệp không ngừng nâng cao chất lượng nông sản chế biến, nghiên cứu tạo ra nhiều dòng đặc sản mới để tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Lợi thế của doanh nghiệp là đặt nhà máy chế biến ở ngay vùng nguyên liệu vừa giúp tiết kiệm chi phí đầu vào, trái cây sau thu hoạch, sơ chế được đưa vào bảo quản, chế biến ngay để đảm bảo chất dinh dưỡng và độ tươi ngon.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Hoàng, Tổ trưởng Tổ hợp tác Khô cá kìm sông nước Phú Cường (xã Phú Cường, H.Định Quán) cho hay, nghề làm khô cá kìm, khô cá lóc... là nghề truyền thống của địa phương; đặc biệt khô cá kìm là đặc sản độc đáo của hồ Trị An vì độ thơm ngon và có nguồn cung đều đặn quanh năm. Năm nay, đặc sản khô cá kìm được địa phương chọn làm sản phẩm OCOP nên các hộ chế biến đã vào tổ hợp tác, xây dựng chuỗi liên kết tạo ra sản lượng lớn với chất lượng đồng đều, đăng ký nhãn để thị trường nhận diện được thương hiệu riêng của loại đặc sản địa phương này.

Bình Nguyên

 

Tin xem nhiều