Báo Đồng Nai điện tử
En

Chế tài để hoạt động du lịch chuyên nghiệp hơn

11:12, 22/12/2020

Đối với các doanh nghiệp (DN) kinh doanh dịch vụ lữ hành, "giấy phép con" là tấm vé thông hành quan trọng, xác nhận DN đó hoạt động hợp pháp theo quy định.

Đối với các doanh nghiệp (DN) kinh doanh dịch vụ lữ hành, “giấy phép con” là tấm vé thông hành quan trọng, xác nhận DN đó hoạt động hợp pháp theo quy định.

Khách du lịch Đồng Nai tham quan Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát tại tỉnh Tây Ninh
Khách du lịch Đồng Nai tham quan Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát tại tỉnh Tây Ninh

Ngoài tạo sự uy tín trong kinh doanh, “giấy phép con” còn là “sợi dây” ràng buộc, đòi hỏi các DN phải thực hiện nghiêm cam kết hợp đồng, bởi để được cấp phép giấy này, các DN phải ký gửi một khoản tiền quỹ (ký quỹ) tại ngân hàng. Đối với khách du lịch, khi chọn những DN này để mua sản phẩm du lịch, thì sẽ nhận được sự bảo hộ về mặt pháp lý khi phát sinh các vấn đề tranh chấp trong quá trình tham gia tour.

* Tăng trách nhiệm trong kinh doanh du lịch

Trong quy định hoạt động du lịch đối với các DN lữ hành, giấy phép con là một chứng nhận cho DN có đủ điều kiện khai thác các tour trong và ngoài nước. Tùy theo mục đích DN đó muốn khai thác thị trường trong hay ngoài nước thì sẽ phải ký gửi số tiền tương xứng vào ngân hàng (gọi là ký quỹ). Đối với DN đăng ký khai thác dịch vụ lữ hành nội địa, số tiền ký quỹ là 100 triệu đồng. DN đăng ký khai thác dịch vụ lữ hành quốc tế sẽ ký quỹ 500 triệu đồng, trường hợp DN đăng ký khai thác cả hai loại hình trên thì chỉ đóng một mức cao nhất là 500 triệu đồng.

Là DN đã hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa gần 20 năm nay, ông Thân Trọng Thiện, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Bầu Trời Việt (TP.Biên Hòa) cho biết, từ năm 2018 trở lại đây, khi Luật Du lịch năm 2017 có hiệu lực thì quy định này được triển khai, bản thân DN của ông đã thực hiện ký quỹ để được cấp phép khai thác dịch vụ lữ hành nội địa. Theo ông Thiện, việc ký quỹ sẽ giúp các DN hoạt động có trách nhiệm hơn để tránh phát sinh những mâu thuẫn, tranh chấp. Với số tiền ký quỹ này, người được bảo đảm quyền lợi nhất là khách hàng, vì nếu DN không giải quyết thỏa đáng những cam kết như hợp đồng, cơ quan chức năng sẽ dùng số tiền ký quỹ để giải quyết bồi thường cho khách hàng nếu cần.

Tuy nhiên, một số DN dịch vụ lữ hành cho biết, thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các DN mong muốn được nhận lại số tiền ký quỹ để giải quyết khó khăn trước mắt do hoạt động du lịch bị "tê liệt", nhưng do các thủ tục khá mất thời gian nên nhiều DN đã bỏ dở, không tiếp cận để nhận lại số tiền ký quỹ. Một DN khai thác dịch vụ lữ hành trên địa bàn tỉnh cho rằng, các cơ quan chức năng nên có những chính sách giải quyết nhanh gọn hơn cho DN giống như lúc DN đăng ký ký quỹ để tạo điều kiện cho các DN trong bối cảnh dịch bệnh còn nguy cơ bùng phát.

* Tạo môi trường kinh doanh du lịch chuyên nghiệp

Theo nhận định của một số DN du lịch, việc ký quỹ góp phần tạo ra môi trường du lịch có sự chuyên nghiệp hơn. Tuy nhiên, để tạo sự công bằng trong môi trường kinh doanh, cơ quan chức năng cần siết chặt hơn nữa đối với những DN né tránh ký quỹ, không có giấy phép con khi hoạt động. Thực tế thời gian qua tại một số tỉnh, thành khác, đã có những trường hợp DN tổ chức đưa khách đi tham quan và khi xảy ra tai nạn mới phát hiện DN chưa được cấp phép đủ điều kiện kinh doanh.

Trao đổi về vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Hậu, Phó trưởng phòng Quản lý VH-TTDL (Sở VH-TTDL) cho biết, từ năm 2018, khi Luật Du lịch có hiệu lực, Sở VHTT-DL đã có thông báo đến các DN lữ hành trên địa bàn tỉnh yêu cầu thực hiện đăng ký kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa tại Sở VH-TTDL hoặc đăng ký kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế tại Tổng cục Du lịch Việt Nam theo quy định. Đến nay, toàn tỉnh có 16 DN đã đăng ký kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa và 5 DN đăng ký kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế. Để được cấp phép kinh doanh các loại hình dịch vụ lữ hành, DN phải thực hiện ký quỹ tại ngân hàng. Số tiền này để giải quyết quyền lợi cho khách khi gặp rủi ro trong quá trình thực hiện chương trình du lịch.

Tuy nhiên những năm gần đây, số lượng DN lữ hành phát triển khá nhanh nên vẫn còn DN chưa thực hiện thủ tục cấp phép theo quy định. Thời gian tới, Sở VH-TTDL sẽ tăng cường công tác thanh tra về vấn đề này, đồng thời công bố các DN lữ hành đã được cấp phép theo quy định để khách hàng biết và lựa chọn nhằm đảm bảo quyền lợi của mình cũng như quyền lợi của DN.

Đồng Nai hiện có trên 30 DN hoạt động trên lĩnh vực du lịch. Trong đó, có 21 DN đã ký quỹ và được cấp giấy phép con đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành trong và ngoài nước. Thị trường khách du lịch ở Đồng Nai cũng được các DN đánh giá khá dồi dào, nhất là các đối tượng khách công nhân và học sinh. Do đó, việc DN ký quỹ hoạt động du lịch hợp pháp là một trong những chế tài hỗ trợ cơ quan quản lý bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho khách hàng.

Thủy Mộc

Tin xem nhiều