Báo Đồng Nai điện tử
En

Nỗ lực bảo vệ nguồn nước sông

11:12, 07/12/2020

Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai (giai đoạn 2008-2020) cho thấy, chất lượng môi trường nước sông đã có những cải thiện nhất định.

Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai (giai đoạn 2008-2020), báo cáo của Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai cho thấy chất lượng môi trường nước sông đã có những cải thiện nhất định. Hiện 2 sông Đồng Nai, Thị Vải có chỉ số chất lượng nước tốt nhất trong lưu vực.

Cán bộ môi trường lấy mẫu nước tại sông Đồng Nai để thực hiện quan trắc. Ảnh: Ban Mai
Cán bộ môi trường lấy mẫu nước tại sông Đồng Nai để thực hiện quan trắc. Ảnh: Ban Mai

 * Nhiều giải pháp bảo vệ

Ông Đặng Minh Đức, Giám đốc Sở TN-MT cho rằng, để giảm ô nhiễm nguồn nước sông, Đồng Nai đã quy hoạch và lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường nước; đầu tư mới và nâng cấp hệ thống thoát nước và xử lý nước thải đô thị; xây dựng trạm xử lý khu công nghiệp và kiểm soát nguồn nước thải từ hoạt động sản xuất công nghiệp. Ngoài ra, tỉnh phối hợp với các địa phương trong khu vực và Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai thực hiện các giải pháp mang tính đột phá để bảo vệ nguồn nước mặt.   

Về mạng lưới quan trắc, theo Quyết định số 2676 của UBND tỉnh phê duyệt mạng lưới quan trắc môi trường trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030, trong 5 năm tới, Đồng Nai có hơn 340 công trình, trạm, vị trí quan trắc môi trường nước (mặt, ngầm) trên các sông, hồ, suối, rạch. Trong đó có 169 vị trí quan trắc chất lượng nước mặt gián đoạn và định kỳ; 16 trạm quan trắc nước mặt tự động; 29 vị trí quan trắc chất lượng dòng chảy và 127 công trình quan trắc nước dưới đất tại 9 huyện và 2 thành phố. Đây là hệ thống giúp ngành chức năng kiểm soát các thông số liên quan đến chất lượng nước nguồn, lưu lượng dòng chảy; theo dõi sự thay đổi các thông số; dự báo nguy cơ và kịp thời có giải pháp xử lý khu vực có nguồn nước bị ô nhiễm.

Bên cạnh đó, tỉnh đầu tư nhiều công trình, dự án xử lý nước thải sinh hoạt, hệ thống thoát nước tại các huyện, thành phố. Hiện 2 thành phố là Biên Hòa và Long Khánh đã có dự án xử lý nước thải sinh hoạt đô thị, trong đó TP.Biên Hòa đã đưa vào khai thác tiểu dự án Trạm xử lý nước thải số 1 giai đoạn 1; TP.Long Khánh đang triển khai. Ngoài ra, các huyện, thành phố đều đã và đang triển khai các dự án thoát nước và chống ngập.

Liên quan đến nguồn nước thải công nghiệp, để tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, theo dõi tình hình xử lý nước thải, từ năm 2013, tỉnh đã phê duyệt đề án đầu tư lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động và camera giám sát. Đến nay, 25/31 khu công nghiệp đã hoàn thành lắp đặt và đưa vào vận hành hệ thống quan trắc tự động và truyền tải dữ liệu trực tiếp về Sở TN-MT để theo dõi, giám sát. Dự kiến, cuối năm 2020, đầu năm 2021 sẽ có thêm 3 khu được lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động. Ngoài ra, tỉnh yêu cầu cơ sở sản xuất ngoài khu, cụm công nghiệp có lưu lượng nước thải phát sinh lớn phải lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động và truyền dữ liệu về Sở TN-MT giám sát, tránh xả nước thải hoặc để xảy ra sự cố liên quan đến nước thải.

* Nguy cơ ô nhiễm còn hiện hữu

Báo cáo kết quả quan trắc chất lượng nước lưu vực hệ thống sông Đồng Nai giai đoạn 2008-2020 của Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai cho thấy, các thông số ô nhiễm, bụi lơ lửng ở tầng đáy có cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường nước tại khu vực nội thành, nội thị vẫn diễn biến phức tạp, ô nhiễm hữu cơ và hàm lượng sắt hòa tan có khả năng gia tăng.

Theo bà Đặng Thị Thùy Dương, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, kết quả quan trắc chất lượng nước mặt sông Đồng Nai những năm gần đây cho thấy, nhìn chung, chất lượng nước mặt tại hầu hết các khu vực quan trắc đều đạt tiêu chuẩn quy định. Tuy nhiên, một số thời điểm, một số khu vực có phát hiện ô nhiễm cục bộ đối với các thông số như: chất rắn lơ lửng, chất hữu cơ. Các vụ việc xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường gây tác động lớn đến môi trường thủy sinh và chất lượng nguồn nước giảm đáng kể.

Lãnh đạo Sở TN-MT cũng cho rằng, sự phát triển vượt bậc về kinh tế, đặc biệt là công nghiệp, bên cạnh những giá trị mang lại cũng tạo ra sức ép lớn đến môi trường. Những nỗ lực của tỉnh thời gian qua đã cơ bản kiểm soát được các nguồn chất thải phát sinh, hoạt động thu gom và xử lý, tuy nhiên nguy cơ phát sinh ô nhiễm môi trường nói chung và ô nhiễm nguồn nước vẫn tiềm ẩn từ sản xuất công nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn và hoạt động khai thác khoáng sản còn tác động ít nhiều đến chất lượng nguồn nước.

Để nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên nước, trong thời gian tới, Sở TN-MT tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước và bảo vệ nguồn nước; triển khai các biện pháp, công cụ kinh tế để từng bước ngăn chặn, tiến tới hạn chế dần tình trạng sử dụng nước lãng phí, kém hiệu quả, nhất là thực hiện việc thu thuế và thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, Sở tiếp tục rà soát, đánh giá tình hình cung cấp và sử dụng nước, tình hình khai thác nước dưới đất của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp; đề xuất giải pháp ngưng khai thác nước dưới đất đối với khu vực đã có hệ thống cấp nước tập trung; tổ chức thực hiện dự án lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước theo đề cương đã phê duyệt; tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo quản lý vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, tỉnh hợp tác với các tỉnh và Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai triển khai các giải pháp để bảo vệ nguồn nước mặt giai đoạn 2021-2025 đó là: bảo vệ nguồn nước gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ hệ sinh thái thủy sinh, khai thác và sử dụng hợp lý nguồn nước; tăng cường áp dụng khoa học - công nghệ xử lý nước thải; kiểm soát chặt tại nguồn nước thải. 

Lưu vực hệ thống sông Đồng Nai là một trong những lưu vực lớn nhất lớn của cả nước, chảy qua 11 tỉnh, thành phố phía Nam, trong đó có Đồng Nai. Lưu vực hệ thống sông Đồng Nai gồm có 4 sông chính gồm: Đồng Nai, Sài Gòn, Thị Vải và Vàm Cỏ. Nguồn nước hệ thống sông này cung cấp cho khoảng 17 triệu dân sử dụng sinh hoạt và sản xuất.

Báo cáo của Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai cho thấy, chất lượng môi trường nước sông đã có những cải thiện nhất định trong giai đoạn 2008-2020, tuy nhiên ô nhiễm vẫn còn.

Ban Mai

 

Tin xem nhiều