Báo Đồng Nai điện tử
En

Những hộ không chấp hành sẽ không được hỗ trợ khi xảy ra cá chết

04:04, 16/04/2021

Thực hiện đề án Quản lý, sắp xếp, ổn định vùng nuôi cá bè trên hồ Trị An (gọi tắt là đề án 401) đã được UBND tỉnh phê duyệt, thời gian qua, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai đã phối hợp với Chi cục Thủy sản Đồng Nai (Sở NN-PTNT), UBND H.Định Quán và H.Vĩnh Cửu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các hộ nuôi cá bè trên hồ Trị An di dời vào vùng quy hoạch.

Thực hiện đề án Quản lý, sắp xếp, ổn định vùng nuôi cá bè trên hồ Trị An (gọi tắt là đề án 401) đã được UBND tỉnh phê duyệt, thời gian qua, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai đã phối hợp với Chi cục Thủy sản Đồng Nai (Sở NN-PTNT), UBND H.Định Quán và H.Vĩnh Cửu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các hộ nuôi cá bè trên hồ Trị An di dời vào vùng quy hoạch.

Một hộ nuôi cá bè trong Vùng nuôi 6 (thuộc vùng quy hoạch) trúng mùa thu hoạch. Ảnh: B.Nguyên
Một hộ nuôi cá bè trong Vùng nuôi 6 (thuộc vùng quy hoạch) trúng mùa thu hoạch. Ảnh: B.Nguyên

Nhằm phòng tránh những rủi ro về môi trường là nguyên nhân gây cá chết hàng loạt vào những năm gần đây trong giai đoạn chuyển từ mùa khô sang mùa mưa, các cơ quan chức năng đang tăng cường công tác vận động, tuyên truyền các hộ nuôi cá bè tại khu vực cầu La Ngà (H.Định Quán) di dời khỏi khu vực này vào các vùng quy hoạch. Những hộ nuôi không thực hiện di dời sẽ không được hỗ trợ theo quy định nếu xảy ra tình trạng cá chết trong giai đoạn chuyển mùa như những năm trước.

* Những hộ sớm di dời đã ổn định cuộc sống

Vài năm nay, nguồn nước sông ở khu vực cầu La Ngà ngày càng ô nhiễm, mật độ bè nuôi dày nên thường xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt vào giai đoạn chuyển mùa từ mùa khô sang mùa mưa. Theo đó, nhiều hộ nuôi cá bè ở khu vực này, nhất là từ khi có đề án 401, đã chủ động di dời bè nuôi vào các vùng đã được quy hoạch.

Ông Nguyễn Trung Hậu, nông dân nuôi cá bè tại sông La Ngà (H.Định Quán) cho biết, gần 8 năm nay, gia đình ông tự di dời bè từ khu vực nuôi ở cầu La Ngà vào sâu hơn vài cây số. Nơi ông di dời hiện thuộc Vùng nuôi 6 (đoạn sông Đồng Nai từ thác Thanh Sơn đến ngã ba sông La Ngà giáp sông Đồng Nai) là vùng quy hoạch nuôi cá bè theo đề án 401 của tỉnh nên ông càng yên tâm sản xuất. Theo ông Hậu, nguyên nhân ông chủ động di dời bè nuôi sớm hơn rất nhiều so với quy hoạch của tỉnh vì ông chuyên nuôi các loại cá chép, cá diêu hồng, cá lăng… - những giống cá khá nhạy cảm với môi trường nước. Vài năm gần đây, nguồn nước sông ở khu vực cầu La Ngà ngày càng ô nhiễm, mật độ bè nuôi dày, rủi ro cá chết hàng loạt vào giai đoạn giao mùa rất cao. Dời bè vào sâu hơn so với vùng nuôi cũ, vợ chồng ông Hậu phải gửi con ở nhà người thân ngoài khu dân cư để tiện việc đi học, cuối tuần mới đón con về. “Sinh hoạt ngày thường cũng khó khăn hơn nhưng khi quen và ổn định cuộc sống ở nơi mới thì vẫn sắp xếp được. Quan trọng nhất với người nuôi cá bè như tôi là tìm được vùng nước tốt cho con cá sinh trưởng và phát triển, ít dịch bệnh và rủi ro cá chết để ổn định cuộc sống” - ông Hậu nói.

Cùng quan điểm, ông Lê Văn Minh, hộ nuôi cá bè thuộc Vùng nuôi 6 trong đề án 401 chia sẻ, ông đang xuất bán lứa cá diêu hồng nuôi ở vùng nước mới. Nhờ môi trường nước tốt hơn nên năng suất vụ thu hoạch này của ông cao hơn, cá tăng trưởng tốt, ít dịch bệnh hơn. Ông Minh cũng là hộ chủ động di dời bè cá vào vùng quy hoạch do con cá diêu hồng khá nhạy cảm với môi trường. Theo ông Minh: “Dời bè cá vào khu vực cách xa  khu dân cư hơn thì có khó khăn trong việc sinh hoạt, đi chợ, con cái đi học phải gửi lại ở ngoài khu dân cư. Nhưng về chỗ mới, ít bè, nguồn nước tốt hơn nên cá sinh trưởng tốt, ít rủi ro cá chết nên tôi ổn định ở vùng nuôi mới”.

* Vận động hộ nuôi vào vùng quy hoạch

Hiện khu vực cầu La Ngà vẫn tập trung nhiều hộ nuôi cá bè. Tuy nhiên, nhiều hộ đã có kế hoạch di dời trước mùa mưa nhằm phòng tránh những rủi ro về môi trường là nguyên nhân gây cá chết hàng loạt vào giai đoạn chuyển mùa.

Ông Nguyễn Văn Nhất, hộ nuôi cá bè trên sông La Ngà cho hay: “Gần 1 tháng nữa là tôi sẽ thu hoạch 3 dèo cá hồng. Sau khi thu hoạch bớt, nước sông cũng cạn hơn, tôi sẽ di dời bè nuôi vào vùng quy hoạch. Nhà nước không yêu cầu tôi cũng di dời trước khi mưa đầu mùa xuất hiện để tránh rủi ro cá chết”. Tuy nhiên, ông Nhất vẫn còn nhiều băn khoăn, e ngại vì vào vùng nuôi mới không biết con cá có ổn định, phát triển. Ông cũng lo vì 1 bè cá trị giá rất lớn, việc di dời gặp nhiều rủi ro, chỉ cần trong quá trình di dời xảy ra rách dèo, sập dèo nuôi là thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

Chỉ ra nguyên nhân người nuôi cần sớm di dời vào vùng quy hoạch trước giai đoạn chuyển mùa, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Đồng Nai Châu Thanh An nhấn mạnh, vài ba năm gần đây, khu vực nuôi từ suối Tam Bung đến ngã 3 hợp lưu giữa sông Đồng Nai và sông La Ngà thường xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt gây thiệt hại lớn cho người nuôi cá bè. Chính vì vậy, trước giai đoạn chuyển mùa, người nuôi cá bè nên thực hiện việc di dời bè nuôi khỏi khu vực này vào các vùng được phép nuôi theo quy hoạch của tỉnh để bảo vệ tài sản của gia đình mình.

Theo ông Phan Trung Liệt, Phó ban thường trực Ban Chỉ đạo 401, số liệu khảo sát mới nhất, hiện tổng số hộ nuôi cá bè trên hồ Trị An là 549 hộ. Ban Chỉ đạo 401 đang tập trung vào công tác tuyên truyền, vận động người nuôi cá bè di dời vào vùng quy hoạch với nhiều hình thức qua loa phát thanh, phát tờ rơi, dán thông báo và làm việc trực tiếp với các hộ nuôi. Nhiều hộ nuôi các loại cá nhạy cảm với môi trường như: cá chép, cá diêu hồng, cá lăng… đã di dời đến các vùng quy hoạch. Tuy nhiên, nhiều hộ nuôi chưa di dời. Theo ông Liệt: “Việc vận động này là quá trình mưa dầm thấm đất, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giải thích cho các hộ nuôi hiểu. Tuy nhiên, trường hợp các hộ nuôi không di dời theo đề án thì mọi thiệt hại cá chết do môi trường như đã xảy ra thì người nuôi phải tự chịu trách nhiệm. Mặt khác, chúng tôi cũng tập trung tuyên truyền, khuyến cáo người nuôi không phát sinh thêm lồng, bè mới”.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều