Báo Đồng Nai điện tử
En

Mở rộng đầu tư để nắm bắt lợi thế từ các FTA

03:05, 25/05/2021

Hơn 1 năm qua, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, số đông doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, có những công ty vẫn tìm được cơ hội mở rộng sản xuất, tăng vốn lên gấp 2-3 lần.

Hơn 1 năm qua, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, số đông doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, có những công ty vẫn tìm được cơ hội mở rộng sản xuất, tăng vốn lên gấp 2-3 lần. Để rõ hơn về việc này, Báo Đồng Nai có cuộc trao đổi với ông Lee Sam, Giám đốc Công ty TNHH Men-Chuen Việt Nam (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 6, H.Nhơn Trạch), một trong những DN có tên tuổi trong lĩnh vực sản xuất vải.

Ông Lee Sam
Ông Lee Sam

Công ty TNHH Men-Chuen Việt Nam có 100% vốn đầu tư từ Đài Loan, chuyên sản xuất các loại vải cung ứng cho ngành dệt may, giày dép. Sau hơn 6 năm hoạt động hiệu quả ở Đồng Nai, công ty đã tăng vốn đầu tư lên gấp 3 lần.

Chọn Đồng Nai vì vị trí trung tâm

* Được biết, đây là lần đầu tiên DN của ông mở rộng đầu tư ra nước ngoài. Điều gì đã khiến ông lựa chọn Đồng Nai làm nơi đặt nhà máy sản xuất?

- Tại Đài Loan, tôi có một số nhà máy sản xuất các loại sợi, vải để cung ứng cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Khách hàng của tôi ở Việt Nam khá nhiều nên năm 2013 tôi quyết định đầu tư vào Việt Nam để tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tác của công ty.

Qua tìm hiểu môi trường đầu tư tại nhiều nơi, tôi đã chọn Đồng Nai vì đây là trung tâm phát triển công nghiệp của Việt Nam. Trên địa bàn tỉnh có nhiều nhà đầu tư nước ngoài hoạt động trên lĩnh vực dệt may, xơ sợi dệt, giày dép nên rất thuận lợi cho công ty trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Đồng thời, Đồng Nai là đầu mối giao thông kết nối với nhiều tỉnh, thành phía Nam, rất thuận lợi để vận chuyển hàng hóa đi các địa phương khác.

Năm 2014, công ty hoàn thành và đưa vào hoạt động nhà máy đầu tiên tại Khu công nghiệp Giang Điền (H.Trảng Bom) với tổng vốn đầu tư 10 triệu USD. Đến năm 2020, Công ty TNHH Men-Chuen Việt Nam quyết định đầu tư thêm 30 triệu USD làm nhà máy sản xuất tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 6.

* Quá trình đầu tư vào tỉnh, đâu là thách thức lớn nhất đối với công ty của ông?

- Lĩnh vực tôi đầu tư là công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may, giày dép nên được chính quyền tỉnh rất ủng hộ. Do đó, mọi thủ tục về đầu tư của công ty được tỉnh, Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, công ty hạ tầng khu công nghiệp hỗ trợ khá thuận lợi. Các vướng mắc liên quan đến thủ tục đầu tư, thuế, xuất nhập khẩu hàng hóa được tháo gỡ kịp thời.

Vì thế năm 2020, tôi quyết định tăng vốn đầu tư để làm thêm nhà máy sản xuất tại H.Nhơn Trạch. Nhà máy này dự kiến sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động từ tháng 8-2021 với công suất khoảng 300 tấn sản phẩm vải dệt/tháng, giải quyết việc làm cho khoảng 300 lao động tại địa phương và các tỉnh, thành khác.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của công ty là tìm nguồn lao động có tay nghề cao. Hầu hết lao động sau khi tuyển dụng, công ty phải mất thêm một thời gian đào tạo mới làm chủ được công nghệ để làm việc.

Sẽ hướng vào thị trường nội địa

* Những khu vực nào là nơi cung ứng sản phẩm của công ty?

- Công ty TNHH Men-Chuen Việt Nam sản xuất vải và 65% cung cấp cho các DN ở thị trường nội địa, 35% xuất khẩu vào các nước trong khối ASEAN như: Thái Lan, Indonesia, Philippines, Campuchia.

Như tôi đã nói ở trên, mục đích chính khi đầu tư vào Việt Nam là để tạo điều kiện thuận lợi cho cả công ty lẫn khách hàng ở Việt Nam. Vì Việt Nam ký rất nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), hàng hóa xuất khẩu muốn được hưởng ưu đãi về thuế buộc phải đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ nội địa hóa của sản phẩm.

Tôi đầu tư vào Đồng Nai với kỳ vọng sẽ đem lại thuận lợi cho cả hai phía, công ty mình và đối tác đang mua hàng. Công ty của tôi giảm được công vận chuyển, rút ngắn thời gian giao hàng, các khách hàng thì được nguồn cung cấp nguyên liệu tại Việt Nam đảm bảo tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm và chủ động được sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh với hàng hóa cùng loại khi xuất khẩu vào các nước Việt Nam đã ký kết FTA. Bên cạnh đó, sản phẩm của công ty xuất khẩu cũng được hưởng các lợi thế từ các FTA.

* Là người có nhiều năm kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh lĩnh vực xơ sợi dệt, ông có thể cho biết trong đại dịch Covid-19, các DN trên lĩnh vực này phải đối mặt với những khó khăn lớn nhất nào?

- Ngành xơ sợi dệt cũng như các ngành sản xuất khác đều gặp khó khăn lớn trong đại dịch Covid-19 vì thị trường bị thu hẹp, hàng hóa vận chuyển khó khăn. Tại nhiều nước, dịch bệnh chưa được khống chế nên các nhà máy tạm dừng hoạt động hoặc giảm công suất. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến việc xuất khẩu hàng hóa của nhiều công ty do thiếu đơn hàng.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, ngành sản xuất sợi, vải chịu tác động từ dịch bệnh Covid-19 ít hơn các nước khác và nhanh phục hồi hơn. Lý do là Việt Nam thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh tốt nên các DN giảm được thiệt hại. Các khách hàng nước ngoài cũng yên tâm chuyển đơn hàng về Việt Nam nhiều hơn.

* Ông có những bí quyết gì để đưa công ty vượt qua khó khăn trong đại dịch Covid-19 và tiếp tục mở rộng sản xuất?

- Đại dịch Covid-19 khiến Công ty TNHH Men-Chuen Việt Nam bị ảnh hưởng nặng trong 3 tháng giữa năm 2020, sau đó hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty đã phục hồi. Trước đây, các công ty sản xuất may mặc, giày dép tại Việt Nam phải nhập khẩu vải khá nhiều từ thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan. Khi xảy ra dịch bệnh Covid-19, nhiều nhà máy dừng hoạt động hoặc giảm công suất đã ảnh hưởng đến nguồn cung nguyên liệu, các công ty phải tìm nguyên liệu trong nước và các nước khác để bù lại. Tôi đã nắm lấy cơ hội này, nghiên cứu thị trường, nhanh chóng đưa ra những sản phẩm chất lượng mà các DN đang cần với giá cạnh tranh nên dễ dàng tìm được khách hàng mới.

Theo đó, đơn đặt hàng đến với công ty tương đối dồi dào, tôi quyết định mở rộng sản xuất để đáp ứng nhu cầu của các khách hàng trong nước. Đồng thời, từ cuối năm 2020, sản xuất công nghiệp các nước bắt đầu phục hồi, nhu cầu nhập mặt hàng vải từ Việt Nam khá lớn và đây cũng là cơ hội cho công ty của tôi lẫn các DN trên cùng lĩnh vực khôi phục và mở rộng sản xuất, xuất khẩu.

* Xin cảm ơn ông!

Hương Giang (thực hiện)

Tin xem nhiều