Báo Đồng Nai điện tử
En

Quản lý các kênh bán hàng trực tuyến thời Covid-19

08:06, 15/06/2021

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp, các kênh bán hàng trực tuyến ngày càng được nhiều người lựa chọn. Điều này góp phần giúp cho người tiêu dùng có thêm những lựa chọn mua sắm.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp, các kênh bán hàng trực tuyến ngày càng được nhiều người lựa chọn. Điều này góp phần giúp cho người tiêu dùng có thêm những lựa chọn mua sắm. Tuy nhiên, các kênh này cũng làm gia tăng nguy cơ về hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, nhất là ở những kênh bán hàng không chính thống, livestream (phát trực tiếp) thông qua mạng xã hội...

Các bạn trẻ chọn mua hàng hóa trên các kênh thương mại điện tử. Ảnh: Lam Phương
Các bạn trẻ chọn mua hàng hóa trên các kênh thương mại điện tử. Ảnh: Lam Phương

* Mua hàng livestream: Chốt đơn lẹ, rủi ro cao

Hiện nay, việc mua hàng thông qua các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử ngày càng trở nên phổ biến và tiện lợi cho người tiêu dùng, trong đó có cả hình thức bán hàng thông qua livestream. Do hạn chế tối đa các chi phí vận hành, nhân sự nên hàng hóa trên các kênh livestream thường có nhiều ưu đãi như: giá rẻ, miễn phí vận chuyển, thanh toán sau khi nhận hàng...

Theo một số chủ shop bán hàng online, thông thường một buổi livestream có thể thu hút từ hàng trăm đến hàng ngàn lượt xem và mua sắm ở nhiều ngành hàng như: mỹ phẩm, quần áo, phụ kiện... Để tăng lượng tương tác, kích cầu mua sắm trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, nhiều shop bán hàng online thường tổ chức các đợt “săn sale” trực tuyến đòi hỏi người mua phải “chốt đơn lẹ”, chia sẻ link livestream lên trang cá nhân, hội, nhóm... nếu muốn mua được hàng giá rẻ.

Bên cạnh những tiềm năng và tiện lợi, việc mua hàng qua kênh livestream vẫn tồn tại khá nhiều bất cập. Chị Hồng Nhung (ngụ P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) cho hay, vào những lúc rảnh rỗi chị thường xem livestream của một số cửa hàng bán quần áo, hàng tiêu dùng trên Facebook. “Việc mua hàng online hiện nay vô cùng dễ dàng và tiện lợi nhưng cũng ẩn chứa nhiều rủi ro khi mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Trong đó, rủi ro lớn nhất mà người tiêu dùng dễ gặp phải là để lại thông tin cá nhân, số điện thoại khi tương tác, bình luận trong buổi livestream. Lúc đó, mỗi cửa hàng đều có hệ thống phần mềm quét, lưu giữ thông tin mã số định danh người dùng, trong khi bản thân mình không biết thông tin ấy có bị lộ hay phát tán ở nơi nào khác hay không...” - chị Hồng Nhung chia sẻ.

Cuối tháng 5 vừa qua, Cục Quản lý thị trường Đồng Nai đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính hơn 51,2 triệu đồng đối với cửa hàng Quỳnh Quỳnh (địa chỉ ở xã Long Đức, H.Long Thành) do bà T.T.Q.A. làm người đại diện với ngành nghề kinh doanh là mua bán quần áo may sẵn, mỹ phẩm. Cửa hàng này đã có hành vi vi phạm hành chính là buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Chanel, Gucci đang được bảo hộ độc quyền tại Việt Nam trên môi trường internet (bán hàng thông qua mạng xã hội Facebook).

Theo Cục Quản lý thị trường Đồng Nai, thông qua mạng xã hội Facebook, chủ kinh doanh đăng bán 1.118 chai dầu thơm là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Chanel, Gucci với giá trị hàng hóa vi phạm là 29,5 triệu đồng. Cửa hàng này còn kinh doanh 10,3 ngàn sản phẩm mỹ phẩm các loại là hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam với giá trị hàng hóa vi phạm là 60,5 triệu đồng.

* Thành lập tổ công tác về quản lý thương mại điện tử

Ông Phạm Gia Hải, Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Đồng Nai khuyến cáo, xu hướng mua sắm online đang ngày càng phổ biến, nhất là sau những tác động của dịch Covid-19. Bên cạnh các tiện ích khi mua sắm trực tuyến, người tiêu dùng có thể gặp phải rủi ro về hàng giả, hàng kém chất lượng vì không dễ để quản lý thị trường này. Do đó, người tiêu dùng nên chọn các đơn vị, sàn thương mại điện tử có uy tín, đại lý cung cấp chính hãng để đảm bảo các quyền lợi về chính sách hậu mãi, bảo hành sản phẩm.

Ông Võ Văn Tỉnh, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Đồng Nai cho biết, đầu tháng 6-2021, Cục đã thành lập Tổ công tác thương mại điện tử. Theo đó, tổ này sẽ có nhiệm vụ tham mưu công tác quản lý thị trường trong thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh gồm: nắm bắt tình hình mua bán trên môi trường internet, mạng xã hội Facebook, Zalo, các trang thương mại điện tử...

Đây là đầu mối phối hợp giữa các đội quản lý thị trường trên địa bàn tỉnh với các sở, ngành, cơ quan liên quan trong việc thu thập, tiếp nhận, xác minh các thông tin, vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường thương mại điện tử. Đội trưởng/quyền đội trưởng của các đội quản lý thị trường ở các địa phương sẽ tham gia tổ này. “Tổ này sẽ tăng cường giám sát, rà soát, phát hiện những thông tin, dấu hiệu vi phạm trong kinh doanh trên môi trường trực tuyến ở các địa bàn trong tỉnh rồi chuyển những thông tin này đến đội quản lý thị trường phụ trách địa bàn để đội này có hướng kiểm tra, xử lý phù hợp. Trong bối cảnh dịch Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp, thị trường mua sắm online đang ngày càng sôi động như hiện nay, tổ này và các đội quản lý thị trường ở các địa phương trong tỉnh sẽ tăng cường giám sát, quản lý hoạt động kinh doanh trực tuyến” - ông Tỉnh chia sẻ thêm.

Lam Phương

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích