Báo Đồng Nai điện tử
En

Không tiếp nhận dự án mới khi cụm công nghiệp chưa đảm bảo môi trường

07:04, 21/04/2022

Đồng Nai có 27 cụm công nghiệp (CCN) đã được xây dựng và quy hoạch với diện tích 1.496ha. Đa số các CCN được quy hoạch vẫn đang trong thời gian tìm kiếm nhà đầu tư hoặc giải phóng mặt bằng, mức độ triển khai hạ tầng CCN còn chậm.

Đồng Nai có 27 cụm công nghiệp (CCN) đã được xây dựng và quy hoạch với diện tích 1.496ha. Đa số các CCN được quy hoạch vẫn đang trong thời gian tìm kiếm nhà đầu tư hoặc giải phóng mặt bằng, mức độ triển khai hạ tầng CCN còn chậm.

Cụm công nghiệp Thạnh Phú - Thiện Tân vẫn chưa hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Ảnh: V.Gia
Cụm công nghiệp Thạnh Phú - Thiện Tân vẫn chưa hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Ảnh: V.Gia

Bên cạnh đó, một số cụm dù chưa hoàn thành nhưng đã có nhiều doanh nghiệp (DN) thứ cấp đầu tư nhà xưởng sản xuất, điều này cũng dẫn đến nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cho khu vực xung quanh nơi sản xuất.

* Đa số cụm công nghiệp vẫn chậm triển khai

Trên địa bàn tỉnh có 27 CCN được quy hoạch từ trước, hiện mới có 4 CCN hoàn thành hạ tầng kỹ thuật là: CCN gốm sứ Tân Hạnh (TP.Biên Hòa), CCN Phú Cường (H.Định Quán), CCN Hố Nai 3 (H.Trảng Bom), CCN Phú Thạnh - Vĩnh Thanh (H.Nhơn Trạch). Còn lại, các CCN đang trong quá trình hoàn tất hồ sơ, thủ tục đầu tư, bồi thường giải phóng mặt bằng.

Theo Trưởng phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công thương) Nguyễn Thị Hoàng Quyên, thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên tiến độ triển khai các thủ tục pháp lý thu hút đầu tư, cũng như xây dựng hạ tầng các CCN còn chậm. Một số CCN đang trong quá trình gia hạn tiến độ, giải phóng mặt bằng nên chưa hoàn thiện hạ tầng để đi vào hoạt động. Bên cạnh đó, việc đầu tư cũng gặp các khó khăn khác như: giải phóng mặt bằng, chi phí đầu tư cao, các thủ tục về đất đai đối với một số KCN còn những vướng mắc nhất định.

Đơn cử, CCN Tân An (H.Vĩnh Cửu) có diện tích hơn 48,8ha, hiện mới có khoảng 15ha có DN xây dựng nhà máy và đi vào sản xuất, còn lại đang trong quá trình giải phóng mặt bằng. Sở Công thương đề nghị H.Vĩnh Cửu chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp chủ đầu tư tích cực đẩy nhanh tiến độ dự án theo kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Ở các địa phương khác, tình hình cũng tương tự. Tại CCN Phước Bình (H.Long Thành) có diện tích 75ha, trong đó đã phê duyệt phương án bồi thường cho 27 trường hợp/28ha và 30 trường hợp đã và đang kiểm kê, kiểm đếm diện tích hơn 28,3ha (chưa phê duyệt phương án bồi thường). Đối với cụm này, UBND huyện đã có văn bản yêu cầu chủ đầu tư là Công ty TNHH Park Việt Nam khẩn trương chuyển tiền chi trả bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân đã phê duyệt.

* Tạm ngưng thu hút khi chưa có hệ thống bảo vệ môi trường

Ngoài việc chậm triển khai xây dựng hạ tầng CCN, một vấn đề nữa đang tồn tại là công tác bảo vệ môi trường CCN trên địa bàn tỉnh vẫn còn hạn chế là do việc thiếu quy hoạch hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường.

Nguyên nhân là một số CCN được hình thành trên cơ sở khoanh vùng các khu vực đã tồn tại nhiều cơ sở hoạt động hiện hữu. Sau khi các cụm này được thành lập thì vấn đề quy hoạch đầu tư hạ tầng thu gom, xử lý nước thải và thoát nước mưa rất khó khăn. Đầu tư hệ thống xử lý và hệ thống thu gom của cả CCN cũng rất hạn chế, bên cạnh nguy cơ ô nhiễm về nước thải còn có ô nhiễm chất thải rắn và khí thải công nghiệp.

CCN Thạnh Phú tại xã Thiện Tân (H.Vĩnh Cửu) có diện tích hơn 96,6ha. Cụm này hiện có 42 DN hoạt động, lấp đầy diện tích 73,3ha/76,9ha đất công nghiệp cho thuê, đạt tỷ lệ lấp đầy 95,3%. Vấn đề là cụm này dù đã có nhiều DN đi vào hoạt động nhưng vẫn chưa được đầu tư hệ thống bảo vệ môi trường. Nguyên nhân là do có kinh phí đầu tư lên tới 180 tỷ đồng, ngân sách huyện không thể cân đối được trong khi diện tích đất cho thuê gần như được lấp đầy.

Tương tự, CCN Hố Nai 3 có diện tích gần 54ha, do UBND H.Trảng Bom làm chủ đầu tư. Định hướng của CCN này là thu hút các ngành nghề vật liệu xây dựng (gạch ngói, bê tông tươi, cấu kiện bê tông đúc sẵn…); chế biến gỗ, sản xuất sản phẩm từ plastic (không tái chế). Ngoài ra, còn thu hút các ngành nghề sản xuất, đóng gói phân bón (phân đơn, có công đoạn sản xuất đơn giản: xay, trộn, đóng gói hỗn hợp đất, than bùn, xơ dừa, phân đơn, nguyên liệu vận chuyển từ nơi khác đến)…

CCN Hố Nai 3 đã cơ bản đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng, đưa vào sử dụng cuối năm 2006 với tổng kinh phí đầu tư khoảng 18,28 tỷ đồng. Hiện có 24 dự án đang hoạt động trong cụm nhưng tại đây vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Đối với CCN Dốc 47 (TP.Biên Hòa) diện tích 88ha hiện đã có 27 DN hoạt động nhưng vẫn chưa được xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN và phê duyệt quyết định thành lập theo quy định.

Trước thực tế trên, sau cuộc họp ngày 10-3 về tiến độ triển khai CCN thì ngày 31-3, Đồng Nai đã có văn bản thông báo kết luận của Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng về một số nội dung. Trong đó, đối với các CCN chưa hoàn thành việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường như: Hố Nai 3, Dốc 47, Thạnh Phú - Thiện Tân… thì không được tiếp nhận dự án đầu tư mới hoặc mở rộng sản xuất đối với dự án hoạt động hiện hữu. Các địa phương cùng chủ đầu tư một số CCN liên quan còn có DN nợ tiền đầu tư hạ tầng thì khẩn trương đôn đốc các DN tại đây thực hiện nghĩa vụ. Nguồn kinh phí thu được sẽ tiếp tục tái đầu tư vào hệ thống kỹ thuật cho các CCN.

Văn Gia

Tin xem nhiều