Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhiều nhóm hàng phục hồi nhanh sau đại dịch

07:06, 16/06/2022

Trong đại dịch Covid-19, Đồng Nai là một trong 4 tỉnh, thành trên cả nước chịu tác động nặng nề nhất, sản xuất công nghiệp bị đình trệ. Từ tháng 10-2021, doanh nghiệp (DN) mới bắt đầu phục hồi sản xuất. Tuy DN phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng nhiều nhóm hàng vẫn hồi phục, tăng trưởng cao.

Trong đại dịch Covid-19, Đồng Nai là một trong 4 tỉnh, thành trên cả nước chịu tác động nặng nề nhất, sản xuất công nghiệp bị đình trệ. Từ tháng 10-2021, doanh nghiệp (DN) mới bắt đầu phục hồi sản xuất. Tuy DN phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng nhiều nhóm hàng vẫn hồi phục, tăng trưởng cao.

 Công ty TNHH Việt Nam Nok ở Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa) đang tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất linh kiện máy móc để xuất khẩu
Công ty TNHH Việt Nam Nok ở Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa) đang tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất linh kiện máy móc để xuất khẩu. Ảnh: H.Giang

* 6 nhóm hàng bứt phá

Đồng Nai đang sản xuất và xuất khẩu hơn 50 nhóm hàng chính và từ đầu năm đến nay đều giữ được mức tăng trưởng cao hơn so với năm 2021. Trong đó, có 6 mặt hàng phục hồi sản xuất nhanh là: giày dép, dệt may, máy móc thiết bị và dụng cụ phụ tùng, sản phẩm từ sắt thép, chất dẻo, xơ sợi dệt. Vì thế, kim ngạch xuất khẩu của những mặt hàng trên cũng đạt mức tăng trưởng khá, góp phần ổn định sản xuất công nghiệp, việc làm cho nhiều lao động trong và ngoài tỉnh.

Trưởng phòng Quản lý thương mại Sở Công thương Lục Văn Thủy cho biết: “Trong gần 6 tháng đầu năm 2022, sản xuất công nghiệp của tỉnh gặp không ít khó khăn do giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, chi phí vận chuyển tăng cao nhưng các DN vẫn nỗ lực phục hồi sản xuất, xuất khẩu. Vì thế, chỉ số sản xuất công nghiệp, tiêu thụ hàng hóa nội địa và xuất khẩu đạt mức tăng trưởng cao, góp phần phát triển ổn định kinh tế của tỉnh và khu vực”.

Theo Sở Công thương, dự kiến chỉ số sản xuất công nghiệp của Đồng Nai trong 6 tháng đầu năm 2022 tăng trên 7% so với cùng kỳ năm trước. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn giữ vai trò quan trọng trong toàn ngành và duy trì mức tăng trưởng ổn định, cao hơn bình quân chung.

Ước tính, giá trị sản xuất của 6 nhóm hàng trên sẽ đạt gần 8 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu hơn 6,6 tỷ USD và tiêu thụ trong nước gần 1,4 tỷ USD. Đồng thời, các DN cũng đóng góp cho ngân sách nhà nước gần 1 tỷ USD thông qua thuế DN, xuất nhập khẩu, tiêu thụ hàng hóa trong nước.

Giám đốc sản xuất Công ty TNHH Bình Tiên - Biên Hòa ở Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa) Nguyễn Thị Thu chia sẻ: “Công ty vẫn đang trên đà phục hồi sản xuất khá tốt, thị trường tiêu thụ hàng hóa trong nước, xuất khẩu đều được mở rộng. Từ đầu năm đến nay, công ty liên tục tuyển thêm lao động để nâng công suất, đáp ứng các đơn hàng của đối tác tại Việt Nam và nước ngoài”.

Hiện nay, các DN không lo thiếu đơn hàng cho sản xuất, nhưng lại lo lắng giá nguyên liệu đầu vào, chi phí vận chuyển tiếp tục gia tăng do ảnh hưởng giá xăng dầu liên tục leo thang.

* Kỳ vọng tiếp tục khởi sắc

Trong thời gian tới, hoạt động sản xuất công nghiệp và xuất khẩu của tỉnh được kỳ vọng sẽ tiếp tục khởi sắc nhờ vào sự phục hồi của nền kinh tế thế giới và việc triển khai các hiệp định thương mại của Việt Nam được thực thi một cách đầy đủ cùng với những cam kết về tạo thuận lợi giảm thiểu các rào cản. Làn sóng chuyển dịch đầu tư để tái cơ cấu chuỗi cung ứng của các tập đoàn nước ngoài với quy mô sản xuất lớn và mạng lưới khách hàng rộng khắp sẽ là động lực mới cho hoạt động xuất, nhập khẩu. Gói phục hồi kinh tế với các chính sách hỗ trợ bao gồm cả thuế, phí sẽ giúp cộng đồng DN nhanh chóng phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ông Wu Ming Ying, Hội trưởng Hiệp hội Thương mại Đài Loan tại Đồng Nai, Tổng giám đốc Công ty Hữu hạn công nghiệp Boss ở Khu công nghiệp Sông Mây (H.Trảng Bom) đánh giá: “Đại dịch Covid-19 được khống chế, các nước đang trên đà phục hồi phát triển sản xuất, kinh doanh nên nhu cầu nhập khẩu hàng hóa phục vụ cho sản xuất, tiêu dùng tiếp tục gia tăng. Đây sẽ là cơ hội cho DN tại Đồng Nai cũng như các tỉnh, thành khác ký kết thêm đơn hàng để mở rộng sản xuất, xuất khẩu”.

Công ty TNHH Việt Nam Nok ở Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa) đang tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất linh kiện máy móc để xuất khẩu
Công ty TNHH Việt Nam Nok ở Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa) đang tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất linh kiện máy móc để xuất khẩu

Về phía UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, tỉnh rất chú trọng đến cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng, chính quyền tỉnh Đồng Nai luôn đồng hành cùng DN, tạo mọi điều kiện thuận lợi để dự án đầu tư đạt hiệu quả cao nhất. Tỉnh cũng cam kết sẽ giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, giữ môi trường sản xuất, kinh doanh ổn định nhất để DN phục hồi và mở rộng hoạt động. Các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết và có hiệu lực tạo thuận lợi cho DN trong mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng sức cạnh tranh vì nhiều dòng thuế đã và đang giảm dần về 0%.

Bên cạnh những thuận lợi, dự kiến trong 2 quý cuối năm 2022, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu tiếp tục chịu ảnh hưởng từ chiến sự ở Ukraine khiến giá nhiều loại nguyên liệu trên thế giới tăng, tạo áp lực rất lớn đến chi phí sản xuất của các DN. Đặc biệt, giá xăng, dầu tăng cao sẽ tác động làm tăng giá thành sản phẩm hàng hóa, dịch vụ gây áp lực lên hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc tiếp tục theo đuổi chiến lược “zero Covid” kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt sẽ dẫn đến chuỗi cung ứng hàng hóa bị gián đoạn, ảnh hưởng đến nguồn cung nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp. Do đó, DN phải linh động tìm nguồn nguyên liệu trong nước, các nước khác để thay thế.

Hương Giang

Tin xem nhiều