Báo Đồng Nai điện tử
En

Nuôi gà công nghiệp - thách thức hay cơ hội?

07:06, 27/06/2022

Thời gian gần đây, giá thịt gà công nghiệp liên tục tăng cao và hiện gần chạm mốc 40 ngàn đồng/kg, mức giá cao nhất trong vòng vài ba năm trở lại đây. Giá tăng do cung thấp hơn cầu vì nguồn cung trong nước và nhập khẩu đều giảm. Dự báo, nhu cầu tiêu thụ với thịt gia cầm của thị trường thế giới và trong nước đều tăng cao trong thời gian tới.

Thời gian gần đây, giá thịt gà công nghiệp liên tục tăng cao và hiện gần chạm mốc 40 ngàn đồng/kg, mức giá cao nhất trong vòng vài ba năm trở lại đây. Giá tăng do cung thấp hơn cầu vì nguồn cung trong nước và nhập khẩu đều giảm. Dự báo, nhu cầu tiêu thụ với thịt gia cầm của thị trường thế giới và trong nước đều tăng cao trong thời gian tới.

Thu hoạch gà tại trang trại chăn nuôi gà công nghiệp tại H.Long Thành. Ảnh: B.Nguyên
Thu hoạch gà tại trang trại chăn nuôi gà công nghiệp tại H.Long Thành. Ảnh: B.Nguyên

Dù vậy, các chủ trại nuôi gà công nghiệp vẫn thận trọng đầu tư vì đối mặt nhiều rủi ro vì chi phí đầu vào tăng, nhất là giá thức ăn chăn nuôi tăng cao. Trong khi đó, việc đầu tư trại gà công nghiệp quy mô lớn, vào chuỗi liên kết đang là xu hướng được các chủ trang trại lựa chọn.

* Thị trường thiếu nguồn cung

Hiện giá gà công nghiệp bán tại trại đang dao động từ 36-38 ngàn đồng/kg, mức giá cao nhất trong vòng vài ba năm trở lại đây và cao hơn gấp nhiều lần so với thời điểm xảy ra dịch Covid-19, gà công nghiệp không tiêu thụ được, giá bán ra dưới 10 ngàn đồng/kg.

Gà công nghiệp sốt giá do nguồn cung thấp hơn cầu vì chăn nuôi trong nước và cả nguồn nhập khẩu đều giảm mạnh so với mọi năm. Theo Tổng cục Thống kê, tổng giá trị nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi trong 5 tháng đầu năm 2022 đạt 1,3 tỷ USD, giảm 13,7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, giá trị nhập khẩu của thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật đạt hơn 518 triệu USD, giảm hơn 14%.

Nhập khẩu sản phẩm từ thịt giảm sút có nguyên nhân nguồn cung không còn dồi dào như trước. Cụ thể, Malaysia cấm xuất khẩu thịt gà từ cuối tháng 5-2022 để bảo đảm tiêu dùng nội địa khiến một số nước thiếu hụt thịt gà.

Giá thịt gà công nghiệp nhập khẩu hiện tăng khá cao, không còn lợi thế cạnh tranh với gà trong nước bằng giá rẻ như thời gian trước. Đây là cơ hội tốt về thị trường tiêu thụ mặt hàng thịt gà trong thời gian tới.

Tuy nhiên, doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực chăn nuôi gà công nghiệp cũng chỉ ra những thách thức lớn với nhà đầu tư trong thời gian tới. Ông Nguyễn Thanh Phi Long, đại diện Công ty TNHH chăn nuôi Long Bình, đơn vị của Đồng Nai được chứng nhận chuỗi thực phẩm an toàn tại thị trường TP.HCM cho biết, suốt 3 năm qua, các trại nuôi gà công nghiệp phải “gồng mình” gánh lỗ do giá gà thường ổn định với mức giá thấp, nhất là giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, giá gà giảm sâu chưa từng có. Nhiều trang trại đã phải “treo chuồng”, ngừng chăn nuôi. Đến nay, giá gà thịt tăng cao nhưng khôi phục lại đàn nuôi không dễ vì chi phí đầu vào hiện tăng quá cao, từ giá con giống đến mọi chi phí khác, đặc biệt là giá thức ăn chăn nuôi đều tăng quá cao.

Thực tế, doanh nghiệp hiện chỉ nuôi đạt 50% tổng công suất chăn nuôi so với thời gian trước. Khi doanh nghiệp có kế hoạch nhập giống gà bố mẹ về để tăng quy mô đàn nuôi thì giá chi phí vận chuyển trước đây chỉ chiếm từ 10-20% so với giá gà bố mẹ thì nay đội lên bằng hoặc cao hơn giá tiền hàng hóa nhập khẩu, khiến doanh nghiệp e dè trong đầu tư.

* Phải phát triển theo hướng bền vững

Ông Lê Văn Quyết, Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát (H.Long Thành), thành viên trong chuỗi liên kết chăn nuôi gà xuất khẩu nhận xét, giá gà công nghiệp đang tăng ở mức cao do ở thị trường trong nước, nguồn cung gà, nhất là gà công nghiệp thấp hơn cầu. Mặt khác, xuất khẩu gà vào thị trường Nhật Bản nói riêng, các nước nói chung, đang trên đà hồi phục và tăng trưởng tốt. HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát đang triển khai dự án mở rộng thêm trang trại chăn nuôi quy mô lớn để tăng nguồn cung cho thị trường xuất khẩu.

Chỉ ra khó khăn của người chăn nuôi gia cầm nói chung và gà công nghiệp nói riêng, ông Quyết chia sẻ, nhiều trại đã “treo chuồng” vì thua lỗ do giá gà giảm sâu suốt thời gian xảy ra dịch Covid-19. Người nuôi chưa kịp vực dậy sau ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì rơi vào cảnh chi phí chăn nuôi tăng cao, nhất là thức ăn chăn nuôi tăng giá sốc. Những trại chăn nuôi nhỏ lẻ hoặc đầu tư theo hướng tự phát rất khó tồn tại trong tình hình hiện nay. Những khó khăn là sự sàng lọc để ngành chăn nuôi phát triển theo hướng chuyên nghiệp hơn vì chỉ những trang trại đầu tư bài bản, tham gia chuỗi liên kết phát triển bền vững mới có nền tảng phát triển sản xuất trong giai đoạn cả thị trường đầu vào và đầu ra liên tục biến động mạnh thời gian gần đây.

Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Bích, chủ trại nuôi gà công nghiệp ở xã Long Đức (H.Long Thành) cho hay, nhờ tham gia chuỗi liên kết nên thời điểm xảy ra dịch Covid-19, giá gà giảm sâu, doanh nghiệp trong chuỗi liên kết vẫn bao tiêu sản phẩm gà của trang trại với giá đã ký hợp đồng trước đó. Giai đoạn chi phí đầu vào tăng sốc từ nguồn con giống đến thức ăn chăn nuôi, trang trại trong chuỗi liên kết được cung cấp nguồn con giống, thức ăn chăn nuôi với giá tốt hơn ngoài thị trường, doanh nghiệp bao tiêu cũng điều chỉnh giá đầu ra cao hơn để đảm bảo lợi nhuận của chủ trại nuôi. Trong giai đoạn thị trường đầu vào, đầu ra biến động lớn như hiện nay, người chăn nuôi mới nhận ra sự đảm bảo của chuỗi giá trị nên càng an tâm gắn bó.

Theo nguồn tin từ Cục thống kê tỉnh, hiện tổng đàn đàn gia cầm trên địa bàn Đồng Nai đạt hơn 27 triệu con, tăng 2,4%. Trong đó, tổng đàn gà đạt 24,9 triệu con, tăng 2,65% so với cùng kỳ. Xuất khẩu thịt gà trên địa bàn tỉnh đang trên đà hồi phục. Tiêu biểu như chuỗi thịt gà chế biến xuất khẩu của Công ty TNHH Koyu & Unitek (TP.Biên Hòa) hiện bình quân mỗi tháng xuất khẩu khoảng 250 tấn thịt gà chế biến sang thị trường Nhật Bản.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều