Báo Đồng Nai điện tử
En

Hàng nội trong siêu thị 'ngoại'

07:07, 13/07/2022

Hàng hóa, nông sản của Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng ngày càng mở rộng sự hiện diện trong các siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài.

Hàng hóa, nông sản của Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng ngày càng mở rộng sự hiện diện trong các siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài.

Người tiêu dùng chọn mua các loại sản phẩm gốm sứ Việt ở siêu thị đồ gia dụng Kohnan (một hệ thống cung ứng đồ gia dụng Nhật Bản) tại Vincom Biên Hòa. Ảnh: Lam Phương
Người tiêu dùng chọn mua các loại sản phẩm gốm sứ Việt ở siêu thị đồ gia dụng Kohnan (một hệ thống cung ứng đồ gia dụng Nhật Bản) tại Vincom Biên Hòa. Ảnh: Lam Phương

Mặc dù còn nhiều khó khăn trong việc đáp ứng những yêu cầu kỹ thuật khắt khe, nhưng nếu hàng Việt tìm được vị trí ổn định trong các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam - nơi các doanh nghiệp (DN), tập đoàn nước ngoài đặt hệ thống phân phối thì sẽ nâng cao hiệu quả trong bài toán phát triển thị trường và tiêu thụ sản phẩm.

* Nhóm hàng thực phẩm, thời trang chiếm ưu thế

Theo đại diện nhiều siêu thị, trung tâm thương mại có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh như: Big C, MM Mega Market, Lotte Mart…, thời gian qua, hàng hóa sản xuất trong nước nói chung và các sản phẩm thuần Việt do các DN của Việt Nam sản xuất ngày càng nâng cao tỷ lệ hàng hóa trên các kệ hàng. Trong đó, các mặt hàng thực phẩm, thời trang… là những mặt hàng mà các DN Việt chiếm nhiều ưu thế.

Là một chuỗi cung ứng có vốn đầu tư từ Thái Lan, những năm qua, hệ thống MM Mega Market ngày càng mở rộng các trung tâm bán sỉ và siêu thị trên cả nước, trong đó có Đồng Nai. Giám đốc MM Mega Market Biên Hòa Trần Đình Quyền chia sẻ, tỷ lệ hàng hóa sản xuất tại Việt Nam chiếm tỷ lệ cao khoảng 70-80% trong cơ cấu hàng hóa của siêu thị. Trong đó, có nhiều mặt hàng như: thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô… có nguồn cung ứng từ các DN trên địa bàn tỉnh. Trong đó, các loại nông sản như rau xanh, thịt heo… thì nguồn hàng ở địa phương được kết nối tiêu thụ ngày càng nhiều hơn.

Giám đốc Big C Đồng Nai Lê Văn Hồng cho hay, hiện nay hàng Việt ngày càng chiếm tỷ lệ cao trên các kệ hàng của siêu thị. Đơn cử, sản phẩm thời trang trên các kệ hàng của siêu thị hầu hết là hàng Việt. Các loại thực phẩm, nông sản Việt cũng chiếm được nhiều ưu thế. Ngoài ra, siêu thị còn có gian hàng dành riêng cho các sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) của Đồng Nai, các loại đặc sản vùng miền tại các địa phương trong nước…

Tương tự, đại diện Lotte Mart Đồng Nai chia sẻ, tỷ lệ hàng hóa sản xuất tại Việt Nam chiếm tỷ lệ khoảng 80% trên các kệ hàng của siêu thị. Thời gian qua, siêu thị đã triển khai nhiều hoạt động để kích cầu mua sắm, khuyến mãi đối các sản phẩm, hàng hóa Việt. Đặc biệt, siêu thị còn bố trí một gian hàng riêng dành cho các loại sản phẩm thế mạnh, đặc sản của các địa phương trên cả nước.

* Nắm bắt các lợi thế để mở rộng thị trường

Đưa sản phẩm hàng Việt trực tiếp vào kênh phân phối có vốn đầu tư nước ngoài mang lại cơ hội lớn cho DN, nhất là các DN địa phương mở rộng kênh tiêu thụ, giúp quảng bá hàng hóa bằng thương hiệu của chính DN, cũng như từng bước tạo tiền đề để mở rộng hướng xuất khẩu thông qua các đối tác nước ngoài.

Ông Nguyễn Thanh Hải, quản lý siêu thị đồ gia dụng Kohnan ở Trung tâm Thương mại Vincom Biên Hòa chia sẻ siêu thị nằm trong hệ thống cung ứng các sản phẩm hàng tiêu dùng Nhật nên các sản phẩm nội địa từ Nhật và sản phẩm mang thương hiệu Nhật chiếm khoảng 30-40% các gian hàng tại siêu thị. Phần còn lại là các sản phẩm có xuất xứ từ Việt Nam, các dòng sản phẩm nhập khẩu, gia công từ các quốc gia khác do các DN Nhật phân phối…

Trong đó, các sản phẩm hàng hóa do các DN trong nước sản xuất ngày càng chiếm tỷ lệ cao, nhất là các mặt hàng về hóa mỹ phẩm, thực phẩm, các mặt hàng gốm sứ… Với lợi thế về chi phí sản xuất thấp hơn, nhiều mặt hàng sản xuất tại Việt Nam ngày càng chiếm ưu thế với các sản phẩm ngoại nhập cùng loại có chất lượng tương đương.

Nhiều ý kiến của người tiêu dùng mong muốn ngày càng có nhiều mặt hàng Việt “vượt ải” tiêu chuẩn của các siêu thị, trong đó các siêu thị, hệ thống bán lẻ từ nước ngoài để khẳng định được uy tín không chỉ trong kinh doanh mà còn là lời cam kết chất lượng sản phẩm với người tiêu dùng nội địa.

Chị Thu Thủy (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) cho biết, hiện nay khi đến các siêu thị như MM Mega Market Biên Hòa, Big C, Lotte Mart Đồng Nai để mua các sản phẩm thiết yếu như: thực phẩm, hóa mỹ phẩm, đồ gia dụng..., người tiêu dùng như chị có rất nhiều sự lựa chọn, đáp ứng được cái “gu” và khả năng tài chính của mỗi người. Ngoài ra, mua sắm tại siêu thị hàng giảm giá nhiều, mua món này còn được tặng kèm món kia, rồi giảm giá nên kích cầu sự mua sắm của người tiêu dùng.

“Trước khi xảy ra dịch Covid-19, tôi thường chọn mua các loại thực phẩm, đồ dùng nhập khẩu từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia... về sử dụng. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 đã khiến tôi có thời gian suy nghĩ nhiều hơn sau những đợt nguồn hàng ngoại nhập khan hiếm, tăng giá bất ổn, trong khi nguồn hàng Việt tại chỗ luôn dồi dào, ổn định. Do vậy, tôi đã dần lựa chọn mua hàng Việt vì chất lượng sản phẩm Việt tại các siêu thị đã thông qua kiểm định về chất lượng, dinh dưỡng mà giá thành lại hợp lý” - chị Thu Thủy chia sẻ.

Cần phương án kết nối, quảng bá “dài hơi”

Theo nhiều siêu thị, trung tâm thương mại có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh, để hàng hóa địa phương, nhất là các loại nông sản thế mạnh, vào được các chuỗi siêu thị cần có sự tìm hiểu, kết nối giữa đơn vị sản xuất với các hệ thống quản lý, tiêu thụ sản phẩm của chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi… Trong đó, các DN, HTX cần chú trọng đảm bảo chất lượng, truy xuất nguồn gốc, số lượng nguồn hàng…, cũng như xây dựng kế hoạch cung ứng “dài hơi” để có thể ký kết hợp đồng ổn định với hệ thống quản lý cấp cao của chuỗi siêu thị.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc kết nối đưa hàng hóa địa phương vào các kênh bán lẻ hiện đại muốn đạt được hiệu quả thì rất cần sự đồng bộ từ cả phía DN sản xuất, cung ứng hàng hóa và các đơn vị bán lẻ dưới sự hỗ trợ, kết nối từ phía các sở, ngành liên quan. Việc này cần tính đến các kế hoạch dài hơi, đổi mới các hình thức kết nối cung - cầu để nâng tầm từ giới thiệu, quảng bá sản phẩm lên thành kênh tiêu thụ sản phẩm bền vững, đạt doanh thu cao cho các sản phẩm địa phương, cũng như hướng tới tiếp cận các thị trường xuất khẩu tiềm năng thông qua các nhà cung ứng nước ngoài…

Lam Phương

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích