Báo Đồng Nai điện tử
En

Nửa cuối năm, xuất khẩu lo "giảm tốc"

07:08, 01/08/2022

Hơn nửa đầu năm 2022, xuất nhập khẩu của Việt Nam tiếp tục có sự hồi phục, tăng trưởng sau những khó khăn của dịch bệnh Covid-19. Cán cân xuất nhập khẩu vẫn giữ được vị thế xuất siêu, trong đó giá trị xuất khẩu tăng trưởng cao so với cùng kỳ, tuy nhiên nhiều khó khăn, tác động do tình hình giá cả và diễn biến của thế giới đang khiến cho các doanh nghiệp (DN) làm hàng xuất khẩu lo lắng.

Hơn nửa đầu năm 2022, xuất nhập khẩu của Việt Nam tiếp tục có sự hồi phục, tăng trưởng sau những khó khăn của dịch bệnh Covid-19. Cán cân xuất nhập khẩu vẫn giữ được vị thế xuất siêu, trong đó giá trị xuất khẩu tăng trưởng cao so với cùng kỳ, tuy nhiên nhiều khó khăn, tác động do tình hình giá cả và diễn biến của thế giới đang khiến cho các doanh nghiệp (DN) làm hàng xuất khẩu lo lắng.

Sản xuất tại một nhà máy làm hàng xuất khẩu ở Biên Hòa. Ảnh: Văn Gia
Sản xuất tại một nhà máy làm hàng xuất khẩu ở Biên Hòa. Ảnh: Văn Gia

Một thực tế đang diễn ra là tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đang dần chậm lại so với đầu năm, một số ngành, DN tỏ ra không mấy lạc quan.

* Vẫn tăng trưởng, nhưng tốc độ giảm lại

Nửa đầu năm 2022, doanh số xuất khẩu của Việt Nam nói chung cũng như Đồng Nai đạt được kết quả tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, so với những tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng 2 tháng gần đây đã chậm lại.

Cụ thể, đối với cả nước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 7-2022 đạt 30,3 tỷ USD, giảm 7,7% so với tháng 6-2022 và tăng 8,9% so với tháng 7 của năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 216,35 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước. Sở dĩ tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước là do năm ngoái xuất khẩu bị hạn chế vì dịch bệnh.

Tại Đồng Nai, xu hướng tháng 6 và tháng 7 kim ngạch xuất khẩu tăng chậm lại do đơn hàng giảm, một số mặt hàng xuất khẩu khối lượng giảm. Kim ngạch xuất khẩu tháng 7-2022 trên địa bàn đạt hơn 2,24 tỷ USD, chỉ tăng 2,5% so với tháng 6 và lũy kế 7 tháng, kim ngạch xuất khẩu là hơn 15,1 tỷ USD tăng 11,1% so với cùng kỳ (mức tăng này thấp hơn so với số liệu cả nước).

Nửa đầu năm 2022, tăng trưởng xuất khẩu tốt là do Việt Nam đã tận dụng được lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do. Theo các DN, kết thúc năm 2021, DN nhận được nhiều đơn đặt hàng cho quý I, quý II-2022, do vậy nửa đầu năm là thời gian mà hàng xuất khẩu vẫn tiếp tục tăng dù vẫn gặp nhiều bất lợi.

Tuy nhiên, những tháng gần đây, ảnh hưởng của việc xung đột Nga - Ukraine, Trung Quốc thắt chặt kiểm soát dịch bệnh... đã gây rất nhiều khó khăn hơn cho sự ổn định của cả nền kinh tế thế giới, kéo theo đó là nhu cầu tiêu thụ sụt giảm. Hầu hết các tổ chức nghiên cứu kinh tế thế giới đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng cũng khiến cho một số tập đoàn lớn tại Việt Nam bị ảnh hưởng, từ đó, ảnh hưởng chung đến giá trị xuất khẩu chung.

“Hầu hết các đơn hàng đã được ký kết từ năm ngoái và đầu năm nay, hiện nay chúng tôi cũng như một số DN khác đang phải “ăn đong” đơn hàng xuất khẩu. Đơn hàng không được dồi dào như trước, thậm chí có DN đối tác của chúng tôi đã bị hủy đơn hàng vì nhu cầu tiêu thụ sụt giảm” - đại diện một DN làm hàng xuất khẩu tại Khu công nghiệp Hố Nai (H.Trảng Bom) chia sẻ.

* Một số ngành ảnh hưởng nặng

Trong bức tranh xuất khẩu chung, một số ngành bị tác động hơn cả. Trước hết phải nói tới xuất khẩu gỗ. Trong tháng 7, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản cả nước đạt 1,41 tỷ USD, giảm 5,5% so với tháng 6-2022 và giảm 1,6 % so với cùng kỳ năm 2021. Đối với Đồng Nai, con số tương ứng là hơn 1,214 tỷ USD xuất khẩu trong 7 tháng, bằng 93,6% so với cùng kỳ.

Xuất khẩu gỗ và lâm sản 7 tháng của năm 2022 đạt thấp so với cùng kỳ năm 2021 và những năm trước đó chủ yếu do giá nguyên liệu sản xuất và sản phẩm tăng cao (chi phí vật tư sản xuất, vận chuyển tăng mạnh); các quốc gia thắt chặt chính sách tín dụng do lạm phát có xu hướng tăng dẫn đến nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh.

Với những khó khăn trước mắt của ngành, ông Võ Quang Hà, Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai kiến nghị các ngân hàng có chính sách ưu đãi cho các DN như: đề nghị giãn nợ, giảm lãi suất; gia hạn các khoản vay đến hạn; cho vay tồn kho, tín chấp; tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi. Cần thiết phải thiết kế gói riêng để hỗ trợ và… “cứu” DN.

Tương tự, xuất khẩu hạt điều cũng suy giảm. Đồng Nai chỉ xuất khẩu được gần 154 triệu USD hạt điều nhân ra thị trường thế giới trong 7 tháng, đạt 78,8% so với cùng thời gian của năm 2021.

Đầu ra gặp khó, các DN sản xuất, kinh doanh hạt điều còn đối mặt khi chi phí đầu vào tăng quá cao, nhất là chi phí vận chuyển cả đường bộ và đường biển đều tăng lên nhiều so với trước...

Đây cũng là câu chuyện đối với ngành dệt may, dù vẫn có tăng trưởng song đối với nhiều DN, doanh thu xuất khẩu lớn không đồng nghĩa với lợi nhuận bởi chi phí quá cao ăn mòn.

Theo nhận định chung của các DN làm hàng xuất khẩu, dù khó khăn, họ vẫn nỗ lực, thậm chí tính đến phương án hòa hoặc lỗ vốn nhưng vẫn phải giữ ổn định thị trường, người lao động, khách hàng. Để hạn chế phần nào khó khăn, DN thắt chặt hầu bao, kiểm soát mọi chi phí để giảm tối đa chi phí tác động lên giá thành.

Văn Gia

Tin xem nhiều