Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhiều tiêu chí nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu cần gỡ khó

07:10, 26/10/2022

Đồng Nai đặt ra mục tiêu cao trong xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu trong năm 2022. Nhiều địa phương đã nỗ lực đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Đồng Nai đặt ra mục tiêu cao trong xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu trong năm 2022. Nhiều địa phương đã nỗ lực đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Tuyến đường kiểu mẫu sáng - xanh - sạch - đẹp tại xã vùng sâu Phú Hòa, H.Định Quán. Ảnh: B.Nguyên
Tuyến đường kiểu mẫu sáng - xanh - sạch - đẹp tại xã vùng sâu Phú Hòa, H.Định Quán. Ảnh: B.Nguyên

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn một số tiêu chí NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu chưa sát với thực tế của các địa phương, nhất là các xã thuần nông, cần được gỡ khó.

* Một số tiêu chí khó thực hiện

Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025 được Thủ tướng Chính phủ ban hành vào tháng 3-2022 đặt ra mục tiêu cao hơn hẳn giai đoạn trước đó. Khi bắt tay vào thực hiện, các địa phương trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn trong triển khai một số tiêu chí.

Cụ thể, ngoài các tiêu chí về đầu tư cơ sở hạ tầng cho đường giao thông, trường học… phải đạt mức cao, còn có các tiêu chí rất khó hoàn thành như: tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ hệ thống cấp nước tập trung phải đạt ít nhất 65% trên tổng số hộ dân vào năm 2025; tỷ lệ mai táng, sử dụng hình thức hỏa táng phải đạt ít nhất 10%...

Trong xây dựng NTM kiểu mẫu, nhiều địa phương, nhất là các xã có tốc độ đô thị hóa nhanh, thu hút đông lao động ngoại tỉnh về các khu công nghiệp, gặp nhiều khó khăn, nhất là trong thực hiện tiêu chí về môi trường. Trong đó có nguyên nhân đường giao thông không đủ quỹ đất trồng cây xanh và làm hệ thống thoát nước, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung còn thấp; khó thực hiện tiêu chí phân loại rác tại nguồn…

Theo Phó giám đốc Sở NN-PTNT Lê Văn Gọi, đến nay toàn tỉnh duy trì tỷ lệ số dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%; tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch theo quy chuẩn của Bộ Y tế tại các địa phương đạt và vượt kế hoạch đề ra. Trong đó, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch từ hệ thống nước tập trung trên địa bàn tỉnh đạt hơn 28%.

Tuy nhiên, Bộ tiêu chí NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025 yêu cầu đến năm 2025, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ hệ thống cấp nước tập trung phải đạt từ 65% trở lên. Mục tiêu trên không dễ thực hiện vì cần nguồn vốn đầu tư lớn, đặc biệt là trong việc vận động nguồn xã hội hóa do người dân khu vực nông thôn sống không tập trung, chi phí đầu tư lớn, hiệu quả đầu tư chưa cao nên đa số các nhà đầu tư e ngại tham gia.

Theo UBND H.Long Thành, hiện một số địa phương có tốc độ đô thị hóa cao đang gặp một số vướng mắc, khó khăn trong thực hiện các tiêu chí như: hạ tầng giao thông nông thôn, dân số, thu nhập bình quân đầu người… Cụ thể, một số xã đô thị hóa nhanh vướng về tiêu chí trường học đạt chuẩn quốc gia do kế hoạch đầu tư không theo kịp tốc độ dân số tăng nhanh. Về tiêu chí đường giao thông nông thôn gặp khó trong thực hiện tiêu chí sáng - xanh - sạch - đẹp, đặc biệt là tiêu chí cây xanh, mảng xanh rất khó, vì không còn quỹ đất.

* Nỗ lực vượt khó

Tuy nhiều tiêu chí NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trong giai đoạn mới có một số chỉ tiêu, tiêu chí đòi hỏi sự phấn đấu rất cao nhưng từ tỉnh đến các địa phương đều chủ động triển khai để hoàn thành mục tiêu đặt ra.

Để giải bài toán khó về nước sạch nông thôn, tỉnh đã triển khai đề án Nước sạch nông thôn giai đoạn 2021-2025 với nhiều giải pháp như: đầu tư thêm các công trình cấp nước sạch nông thôn, nâng cấp các công trình hiện hữu, hỗ trợ lắp đặt thiết bị lọc nước hộ gia đình và kêu gọi doanh nghiệp kinh doanh nước sạch đấu nối, mở rộng phạm vi cấp nước từ hệ thống cấp nước sạch đô thị về vùng nông thôn… Trong đó, giải pháp đấu nối đưa hệ thống cấp nước sạch đô thị về nông thôn được xem là hiệu quả vì giảm áp lực đầu tư các công trình nhỏ lẻ, giảm chi phí quản lý và vận hành, đồng thời giảm khai thác nước ngầm.

Trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, các địa phương đều tập trung phát triển sản xuất, nhất là tập trung xây dựng các mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ, mô hình nông nghiệp công nghệ cao; xây dựng và phát triển thương hiệu, giải quyết đầu ra cho nông sản...

Trưởng phòng NN-PTNT H.Xuân Lộc Lê Thị Hiệp cho biết, khó khăn trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu của địa phương có nguyên nhân Bộ tiêu chí NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu có những yêu cầu khá cao so với thực trạng chung của các địa phương. Ngoài ra, Bộ tiêu chí huyện NTM kiểu mẫu đang thực hiện thí điểm, một số chỉ tiêu, tiêu chí chỉ đưa ra để đánh giá tính phù hợp nên rất khó áp dụng; đồng thời, do thực hiện thí điểm nên không có hướng dẫn thực hiện, dẫn đến quá trình thực hiện tại các xã còn lúng túng.

 Tuy nhiên, H.Xuân Lộc luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất trong nhận thức và trong hành động của hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở; thể hiện vai trò, trách nhiệm cao của toàn Đảng bộ, chính quyền và các đoàn thể, đặc biệt là vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trong đó, địa phương chú trọng huy động mạnh mẽ mọi nguồn lực xã hội, nội lực tại chỗ, phát huy sức dân để chăm lo cuộc sống của người dân, khắc phục tâm lý trông chờ, ỷ lại vào ngân sách nhà nước.

Theo bà Hiệp: “Địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi nhằm thu hút, khuyến khích doanh nghiệp, nông dân mạnh dạn đầu tư vào sản xuất với nhiều mô hình hay, hiệu quả để không ngừng nâng cao đời sống của người dân. Từ đó, người dân cũng có nguồn lực để đóng góp xây dựng NTM kiểu mẫu”.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều