Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp trở lại sản xuất sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán

08:01, 31/01/2023

Năm nay, tình hình kinh tế dự báo có nhiều khó khăn, cùng với đó là ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán trùng vào dịp cuối tuần nên ngoài các doanh nghiệp (DN) khai trương sớm cũng có những DN cho nhân viên nghỉ thêm vài ngày.

Năm nay, tình hình kinh tế dự báo có nhiều khó khăn, cùng với đó là ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán trùng vào dịp cuối tuần nên ngoài các doanh nghiệp (DN) khai trương sớm cũng có những DN cho nhân viên nghỉ thêm vài ngày.

Lì xì, động viên công nhân viên ngày đầu sản xuất sau Tết tại Công ty CP Thực phẩm Cô Cô Việt Nam (H.Trảng Bom). Ảnh: V.Gia
Lì xì, động viên công nhân viên ngày đầu sản xuất sau Tết tại Công ty CP Thực phẩm Cô Cô Việt Nam (H.Trảng Bom). Ảnh: V.Gia

Dù đi vào sản xuất sớm hay muộn, các DN đều mang một tâm thế chấp nhận những thách thức, tiếp tục nỗ lực vượt qua để phục hồi và phát triển.

* Quay lại sản xuất với tâm thế hướng về phía trước

Từ ngày mùng 6 Tết (27-1), Công ty TNHH Nam Long (ở H.Long Thành, chuyên sản xuất găng tay cao su tiêu dùng nội địa và xuất khẩu) đã hoạt động trở lại. Găng tay Nam Long hiện đã trở thành đơn vị cung ứng tin cậy cho các ngành sản xuất thủy, hải sản, tiêu thụ tại các chợ và xuất khẩu đi một số thị trường. Sản phẩm của công ty cũng nhiều năm liền đạt danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao.

Ông Lê Bạch Long, Giám đốc công ty chia sẻ: “Những kết quả phấn đấu nói trên sẽ là điều kiện để Nam Long tái đầu tư cho sản xuất, mở rộng thị trường”.

Tương tự, từ ngày mùng 6 Tết, cán bộ, công nhân viên Công ty CP Thực phẩm Cô Cô Việt Nam (Vina co co, Khu công nghiệp Hố Nai, H.Trảng Bom) đã quay trở lại sản xuất. Mục tiêu trong những năm tới của DN này là mở rộng quy mô sản xuất, hợp tác với các đơn vị để có thể tạo thêm nhiều mẫu mã sản phẩm đưa ra thị trường. Bên cạnh đó, khi đã đủ nguồn lực DN cũng sẽ tính toán tham gia và niêm yết cổ phiếu lên thị trường chứng khoán để nâng cao tính minh bạch trong sản xuất.

Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất dịch vụ thương mại Kim Tuấn Thịnh (TP.Biên Hòa) Trần Minh Tuấn cho hay, tiềm năng của các sản phẩm lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh và lân cận rất lớn. Điều mong muốn của ông là chính quyền tiếp tục tạo điều kiện để các DN nhỏ và vừa lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ có thể tiếp xúc, gặp gỡ với khối DN có vốn đầu tư nước ngoài, từ đó gia tăng sự hợp tác giữa đôi bên.

* Nỗ lực duy trì việc làm cho người lao động trước khó khăn

Tổng giám đốc Công ty CP Bao bì công nghiệp Toàn Cầu (TP.Biên Hòa) Phạm Văn Chính cho hay, năm vừa qua tình hình kinh doanh của các DN nói chung và Toàn Cầu nói riêng bị ảnh hưởng. May mắn là mảng bao bì dành cho lương thực, thực phẩm của công ty vẫn giữ được một mức độ tương đối nên việc làm của người lao động cũng cố gắng đảm bảo.

Dịp Tết năm nay, công ty cho người lao động quay trở lại sản xuất vào mùng 9 Tết (ngày 30-1) nhằm giúp nhân viên có thêm được một số ngày nghỉ cùng với gia đình. Thời gian tới, khi nhà máy mới của DN được đưa vào sử dụng sẽ tạo thêm nhiều việc làm hơn cho người lao động, đồng thời giúp công ty có được lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Là DN có vốn đầu tư từ Nhật Bản, hoạt động trong lĩnh vực văn phòng phẩm, thiết bị giáo dục, Công ty TNHH Công nghiệp Plus Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 2, TP.Biên Hòa) tổ chức cho người lao động trở lại sản xuất từ ngày mùng 9 Tết.

Ông Trần Bình Trọng, phụ trách khối nhân sự, tổng vụ của DN chia sẻ, tình hình kinh doanh thời gian tới dự báo sẽ có nhiều biến động và kinh tế thế giới chưa thoát khỏi suy thoái. Các sản phẩm của DN chủ yếu được xuất khẩu đi Nhật Bản và các nước châu Âu chịu tác động tiêu cực. Đơn hàng sụt giảm mạnh so với những năm trước đã gây khó khăn cho hoạt động của DN.

Tuy khó khăn nhưng các chế độ cho nhân viên của công ty vẫn được giữ ổn định. DN sẽ tiếp tục nỗ lực để tìm các kênh tiêu thụ mới, ký thêm các đơn hàng nhằm duy trì việc làm thường xuyên cho người lao động.

Tương tự, với ngành gỗ thì trước mắt chưa có nhiều dấu hiệu cải thiện từ thị trường xuất khẩu. Lãnh đạo một DN chế biến gỗ xuất khẩu tại Khu công nghiệp Giang Điền (H.Trảng Bom) nói, tới rằm tháng Giêng DN mới tái khởi động dây chuyền sản xuất. Công ty có khoảng 2 ngàn lao động, đơn hàng xuất khẩu sụt giảm thì vấn đề có đủ việc làm cho người lao động rất khó khăn. DN đang phải cầm cự để chờ thị trường hồi phục.

Văn Gia

Tin xem nhiều