Báo Đồng Nai điện tử
En

Tiềm năng du lịch ở Đắc Lắc

10:04, 25/04/2005

Nhiều khách du lịch đã từng tới Đắc Lắc - một tỉnh nằm ở vị trí trung tâm vùng tây nguyên –nói với chúng tôi rằng: “Nếu đã đặt chân đến Buôn Ma Thuột mà chưa một lần tìm tới với buôn Đôn, Hồ Lăk…những địa danh và những khu du lịch nổi tiếng trong vùng , thì kể như chưa bao giờ đến…Đắc Lắc!”. Trong hơn một tuần lể đến với Buôn Ma Thuột,câu nói ẩn chứa nhiều điều hấp dẫn nói trên đã thôi thúc chúng tôi lên đường tìm tới những vùng đất ấy…

Voi diễu hành trên đường phố Buôn Ma Thuột

      Nhiều khách du lịch đã từng tới Đắc Lắc - một tỉnh nằm ở vị trí trung tâm  vùng tây nguyên –nói với chúng tôi rằng:  “Nếu đã đặt chân đến Buôn Ma  Thuột mà chưa một lần tìm tới với buôn Đôn, Hồ Lăk-những địa danh và những khu du lịch nổi tiếng trong vùng , thì kể như chưa bao giờ đến…Đắc Lắc!”. Trong hơn một tuần lể đến với Buôn Ma Thuột,câu nói ẩn chứa nhiều điều hấp dẫn nói trên đã thôi thúc chúng tôi lên đường tìm tới những vùng đất ấy…

* Những địa chỉ du lịch đầy ấn tượng và hấp dẫn 

          Từ TP Buôn Ma Thuột, thủ phủ của tỉnh Đắc Lắc, theo Quốc lộ 27 chạy xuôi về phía Nam của tỉnh khoảng chừng 55 km, chúng tôi đã đặt chân đến Khu du lịch hồ Lăk (Thị trấn Liên Sơn, huyện Lăk), một vùng đất đầy huyền thoại, nên thơ và hùng vĩ. Tại đây, ngoài việc xem giải đua thuyền độc mộc chào mừng Festival Tây nguyên 2005 do Sở Thương mại và Du lịch Đắc Lắc phối hợp với UBND huyện Lăk tổ chức, du khách còn có thể cưỡi voi dạo quanh buôn làng, thăm đồi Bảo Đại, ăn cơm lam, uống rượu cần, dự văn nghệ cồng chiêng và nghe chuyện cổ. Đặc biệt, khi đến thăm Biệt điện Bảo Đại, nằm trên một ngọn đồi cao chót vót, phóng tầm mắt ra xa, chúng tôi mới cảm nhận hết được sự hùng vĩ của núi non trùng điệp bao quanh một hồ nước rộng mêng mông, cùng với những hòn cù lao chìm, nổi.

          Từ hồ Lăk, ngược ra Quốc lộ 27 về TP Buôn Ma Thuột thẳng lên mạn Tây Bắc của tỉnh, chúng tôi tìm về Buôn Đôn, nằm ở xã Krông Na (huyện Buôn Đôn), giáp biên giới với Campuchia và Lào. Đây là một khu vực rộng lớn, vươn dài theo dòng sông Sêrêpôk hiền hoà, nơi con trai, con gái, người già và trẻ nhỏ luôn say sưa với những vũ điệu dân gian trong các lễ hội, cùng nghề truyền thống săn bắt và thuần dưỡng voi nổi tiếng gắn với huyền thoại về người anh hùng săn voi, lập làng Khunjunop tài giỏi. Buôn Đôn trở thành địạ danh có tên trên bản đồ hành chính kể từ khi người Pháp đặt chân lên vùng này vào năm 1890 và ngày nay đã trở thành nơi chung sống của nhiều dân tộc anh em, trong đó có dân tộc Lào, Khơme, Êđê, MNông, Gia Rai, Kinh và cả một số dân tộc ít người từ các tỉnh phía Bắc mới đến lập nghiệp. Ngoài việc đến với Buôn Đôn tìm hiểu, nghiên cứu văn hoá dân tộc, thăm  ngôi nhà cổ hơn 100 năm tuổi, thăm kiến trúc mộ Khunjunop, vườn Quốc gia Yok Đôn và du lịch dã ngoại bằng voi, du khách cũng có thể dùng thuyền độc mộc xuôi theo dòng sông Sêrêpôk hiền hoà đến thăm và du ngoạn Thác 7 Nhánh…

          Chúng tôi không có đủ thời gian để đi tham quan hết các thắng cảnh đẹp, các di tích, kiến trúc cổ nổi tiếng ở Đắc Lắc như: thác DraySap, Thác Gia Long, Trinh Nữ, Thác Krông Kmar, thác Thuỷ Tiên, Ba tầng, hồ Ea Kao, hồ Ea Đờn, hồ Dak Min và các khu rừng nguyên sinh ở Vườn Quốc gia Yok Đôn…Nhưng, rõ ràng với sự hội tụ đầy đủ các yếu tố tự nhiên (có núi, có rừng, có sông, hồ, thác nước hùng vĩ, đẹp đẽ, hữu tình) và cũng rất giàu bản sắc văn hoá dân tộc, với những lễ hội, phong tục tập quán riêng, có thể khẳng định nơi đây là một vùng có tiềm năng rất lớn về du lịch.

*Tiếp tục mời gọi đầu tư…

          Ông Nguyễn Huy, Trưởng Phòng du lịch (Sở Thương Mại-Du lịch Đắc Lắc) cho biết, trong mấy năm gần đây, nhờ sự quan tâm đầu tư của Tổng cục Du lịch và của tỉnh, nhất là đối với các công trình cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch, mạng lưới giao thông, liên lạc, xây dựng phát triển các Nhà hàng, khách sạn và tăng cường quảng bá, khảo sát, xây dựng các tour du lịch mới, ngành du lịch Đắc Lắc cũng đã có những bước phát triển nhất định. Đặc biệt, nếu năm 1994, Đắc Lắc là một tỉnh có xuất phát điểm về du lịch còn rất thấp (lúc đó chỉ có 1 đơn vị kinh doanh du lịch lữ hành, 07 khách sạn), thì đến nay toàn tỉnh đã phát triển lên 7 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành (1 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế, 6 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa) và 32 khách sạn với hơn 753 phòng, 1.504 giường (trong đó có 16 khách sạn được xếp hạn từ 1 đến 3 sao) và hàng chục Nhà hàng lớn nhỏ khác…Riêng năm 2004, tổng doanh thu toàn ngành du lịch tỉnh đạt hơn 70,6 tỷ đồng, tăng hơn 17% so với năm 2003, trong đó có hơn 165.600 lượt khách đến tham quan, du lịch, tăng hơn 25% so với năm trước.

          Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Giám đốc Sở Thương mại và Du lịch (TM-DL), thì mặc dù ngành du lịch Đắc Lắc đến nay đã hình thành 2 loại hình chính là du lịch sinh thái và du lịch văn hoá nhưng nhìn chung các sản phẩm du lịch chưa đa dạng, chưa độc đáo và thiếu những sản phẩm mang tính đặc thù, riêng biệt tại các khu, điểm để thu hút khách tham quan, du lịch. Việc đầu tư vào các khu, tuyến du lịch trong thời gian qua tuy có nhưng chưa nhiều và phần lớn còn dựa vào khai thác tự nhiên là chính nên diện mạo, chất lượng sản phẩm du lịch nhiều nơi vẫn thiếu tính hấp dẫn, các dịch vụ phụ trợ ít…Đó là chưa kể trước đây, do tình trạng phá rừng làm nương rẫy, khai thác gỗ củi diễn ra tràn lan, khiến nhiều khu du lịch trở nên cằn khô, không giữ được nét hoang sơ, hấp dẫn ban đầu đối với khách du lịch.

          Với vị trí nằm ở vùng trung tâm Tây nguyên, tiếp giáp nhiều trung tâm kinh tế lớn ở khu vực các tỉnh phía Nam, có hàng loạt các tuyến đường giao thông quan trọng đã, đang và sẽ  được xây dựng như: đường Hồ Chí Minh, đường xuyên Á, Đắc Lắc sắp tới chắc chắn sẽ là một địa phương có đầy đủ các điều kiện lý tưởng để thu hút khách du lịch từ các nước (theo các tuyến đường bộ nói trên) vào Tây nguyên và ngược lại. Ông Nguyễn Tuấn Hà, phó Giám đốc Sở TM-DL cho biết, để đáp ứng nhu cầu này, tỉnh Đắc Lắc cũng đã có quy hoạch du lịch đến năm 2010. Theo đó, toàn tỉnh khi ấy sẽ phát triển lên đến 50 khách sạn, với 1.500 phòng, có khả năng đón cùng lúc lên tới 2.500-3.000 lượt khách. UBND tỉnh Đắc Lắc ngay từ đầu năm 2005 cũng đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích và ưu đãi khá hấp dẫn để đẩy mạnh thu hút đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh vào lĩnh vực dịch vụ nói chung và ngành du lịch nói riêng. Trên thực tế đến nay, toàn tỉnh đã có 3 dự án du lịch lớn đã  được giao cho các nhà đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng (giao thông, điện, cấp thoát nước, liên lạc), làng văn hoá dân tộc; trồng rừng, tôn tạo cảnh quan cây xanh và xây dựng các công trình vui chơi, giải trí khác…Bao gồm: Khu du lịch văn hoá-sinh thái Buôn Đôn (huyện Buôn Đôn) có quy mô lên đến 1.597 hécta được giao cho Công ty Cao su Đắc Lắc với tổng vốn đầu tư lên đến 51 tỷ đồng; Khu du lịch hồ Lăk (huyện Lăk) có quy mô 47 hécta được giao cho Công ty cổ phần du lịch Đắc Lắc, với tổng vốn đầu tư 50 tỷ đồng và Khu du lịch tác Krông Kmar (huyện Krông Bông) có quy mô 10 hécta được giao cho Lâm trường Krông Bông, với tổng vốn đầu tư 12 tỷ đồng. Hiện nay còn một số dự án du lịch đang được tỉnh tiếp tục kêu gọi đầu tư như: Khu du lịch Ea Kao (TP Buôn Ma Thuột) có quy mô 120 hécta (chưa kể mặt hồ) có tổng vốn đầu tư lên đến 120 tỷ đồng; Khu thể thao vui chơi, giải trí Công viên nước Đắc Lắc rộng 3 hécta với tổng vốn đầu tư 12 tỷ đồng…Ngoài ra, tỉnh Đắc Lắc cũng đã quy hoạch thêm 11 điểm du lịch chuyên đề để tiếp tục xem xét đầu tư về hạ tầng và hỗ trợ vốn ưu đãi đến năm 2010…

 Hoàn Vũ

Tin xem nhiều