Báo Đồng Nai điện tử
En

Những quyết sách để kiềm chế tai nạn giao thông

10:12, 05/12/2011

Tại hội nghị bàn giao dự án “ATGT cho cuộc sống tốt đẹp hơn” (do tổ chức HIVN tài trợ thực hiện ở Đồng Nai từ năm 2007-2011) được tổ chức mới đây tại Đồng Nai, đại diện Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia đã có đánh giá về tình hình tai nạn giao thông (TNGT) ở Việt Nam và nêu lên chiến lược đảm bảo trật tự ATGT đường bộ quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

Tại hội nghị bàn giao dự án “ATGT cho cuộc sống tốt đẹp hơn” (do tổ chức HIVN tài trợ thực hiện ở Đồng Nai từ năm 2007-2011) được tổ chức mới đây tại Đồng Nai, đại diện Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia đã có đánh giá về tình hình tai nạn giao thông (TNGT) ở Việt Nam và nêu lên chiến lược đảm bảo trật tự ATGT đường bộ quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

 * Năm 2011, hơn 11 ngàn người chết vì TNGT

Thống kê của Ủy ban ATGT quốc gia cho biết, trong 10 tháng của năm 2011, cả nước xảy ra trên 11.036 vụ TNGT, làm chết 9.265 người, bị thương 8.379 người. Trong đó, TNGT đường bộ làm chết 8.903 người, bị thương 8.055 người, giảm so với cùng kỳ năm 2010. Đáng lưu ý là TNGT đường sắt lại gia tăng với 455 vụ, làm chết 234 người, bị thương 307 người, tăng số vụ số người chết. Trong 10 tháng qua, có 31 địa phương giảm số người chết do TNGT (từ 16-38%, tùy địa phương), nhưng Đồng Nai không có trong danh sách này (năm 2010, TNGT ở Đồng Nai đứng thứ 5 cả nước với 335 người chết).

Quốc lộ 1A qua địa bàn tỉnh là tuyến xảy ra nhiều TNGT nhất ở Đồng Nai. Tuyến đường này có nhiều “điểm đen” và đoạn, tuyến mất ATGT cần sớm được đầu tư bảo đảm an toàn hơn.  Ảnh: T. Toàn
Quốc lộ 1A qua địa bàn tỉnh là tuyến xảy ra nhiều TNGT nhất ở Đồng Nai. Tuyến đường này có nhiều “điểm đen” và đoạn, tuyến mất ATGT cần sớm được đầu tư bảo đảm an toàn hơn. Ảnh: T. Toàn

 

Theo Ủy ban ATGT quốc gia, việc giảm TNGT ở Việt Nam chưa bền vững, còn xảy ra nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng ở cả đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa; thiệt hại do TNGT gây ra hết sức nặng nề cho gia đình và xã hội, với bình quân mỗi ngày cả nước có 30 người chết vì TNGT. Đáng sợ là số người chết ở độ tuổi thanh niên chiếm trên 40%, tai nạn do người đi xe máy gây ra chiếm trên 70%. Có hơn 80% số vụ TNGT xảy ra do người tham gia giao thông vi phạm trật tự ATGT. Qua đó cho thấy, ý thức tự giác chấp hành Luật Giao thông của một bộ phận người đi đường còn rất yếu kém, nhất là đối tượng thanh niên.

Ủy ban ATGT quốc gia cũng đánh giá, công tác quản lý nhà nước trong chỉ đạo, điều hành các giải pháp bảo đảm ATGT có nơi còn lơi lỏng, chưa thường xuyên, liên tục và mạnh mẽ. Công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT tuy có chuyển biến nhưng chưa đáp ứng yêu cầu, chưa đến được mọi người dân; hoạt động tuyên truyền, vận động của các tổ chức, đoàn thể về ATGT chưa thường xuyên, chủ yếu tập trung vào tháng ATGT, hiệu quả tuyên truyền còn hạn chế; công tác tuần tra kiểm soát, phối hợp liên ngành, quản lý vận tải đường bộ có nơi, có lúc còn chưa nghiêm, chưa kịp thời…, nhiều doanh nghiệp vận tải nhỏ của tư nhân chưa chú trọng đến chất lượng phương tiện; công tác giáo dục đạo đức nghề nghiệp, hướng dẫn lái xe an toàn còn thiếu; công tác quản lý nhà nước đối với các phương tiện thủy nội địa do nhiều ngành, nhiều cấp tham gia nên xảy ra phức tạp, sơ hở...; việc lập lại hành lang an toàn đường bộ, đường sắt theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ chưa được thực hiện tốt ở một số địa phương…

 * Những quyết sách kiềm chế TNGT

Để bảo đảm ATGT trong thời gian tới, ngoài các chính sách lớn của Đảng và Nhà nước (như: Chỉ thị 22 của Ban bí thư Trung ương Đảng; Nghị quyết 88 của Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm đảm bảo ATGT…), Ủy ban ATGT quốc gia cho biết, sẽ thực hiện quyết liệt, đồng bộ một số giải pháp cụ thể, trọng tâm nhằm ngăn chặn, khắc phục những vấn đề phức tạp, nguy cơ gia tăng TNGT. Đó là ngăn ngừa tình trạng lạm dụng rượu, bia đối với người điều khiển phương tiện giao thông bằng các biện pháp, như: tuyên truyền mạnh mẽ và thường xuyên quy định của pháp luật về nồng độ cồn đối với người lái ô tô, xe máy và hậu quả của TNGT do người lái xe uống rượu, bia; huy động lực lượng, tăng cường trang thiết bị và tổ chức chiến dịch cưỡng chế chuyên đề về vi phạm nồng độ cồn; quy định các cơ sở sản xuất rượu, bia phải đưa các khuyến cáo tác hại do lạm dụng rượu, bia gây ra trên bao bì sản phẩm, hạn chế quảng cáo rượu, bia trên phương tiện truyền thông. Đối với quy định đội mũ bảo hiểm (ĐMBH) của người đi xe máy, cần duy trì việc ĐMBH tới khu vực vùng sâu, xa; giáo dục ý thức ĐMBH cho trẻ em; tạo thói quen ĐMBH bảo đảm chất lượng, cài quai đúng cách; ngăn chặn việc sản xuất, lưu thông, buôn bán và sử dụng mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, phải thực hiện các biện pháp bảo đảm ATGT đường sắt, đường thủy, như: tăng cường thực hiện các biện pháp ngăn chặn, hạn chế tai nạn tại đường ngang đường sắt; quản lý chặt chẽ, kết hợp với kiểm tra giám sát để bảo đảm hoạt động chở khách du lịch và chở khách ngang sông an toàn.

Đại diện Ủy ban ATGT quốc gia còn trình bày “Chiến lược đảm bảo trật tự ATGT đường bộ quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn 2030”, trong đó có các mục tiêu giảm TNGT; tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông; tổ chức giao thông; phương tiện giao thông; cưỡng chế thi hành pháp luật giao thông; giáo dục tuyên truyền về ATGT; cứu hộ, cứu nạn và cấp cứu y tế TNGT đường bộ… Cụ thể, mục tiêu giảm số người chết vì TNGT đến năm 2020 từ 13 người/10.000 dân năm 2009 xuống còn 8 người/10.000 dân năm 2020, đến năm 2030 còn khoảng 4 người/10.000 dân; đảm bảo hành lang ATGT cho tất cả các trục quốc lộ; nâng cấp, cải tạo và tăng cường điều kiện an toàn của kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, phấn đấu 80% quốc lộ đạt tiêu chuẩn an toàn 2 sao theo tiêu chuẩn quốc tế IRAP…

Thanh Toàn

 

 

Tin xem nhiều