Báo Đồng Nai điện tử
En

Việc tổ chức cho phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng còn gặp khó khăn

05:01, 18/01/2013

(ĐN)- Ngày 17-1, đoàn khảo sát của Ủy ban Tư pháp Quốc hội do ông Nguyễn Công Hồng, Phó chủ nhiệm ủy ban làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với VKS tỉnh về công tác kiểm sát thi hành án phạt tù đối với phạm nhân là người chưa thành niên và thi hành biện pháp tư pháp, biện pháp xử lý hành chính (đưa vào trường giáo dưỡng) trên địa bàn.

(ĐN)- Ngày 17-1, đoàn khảo sát của Ủy ban Tư pháp Quốc hội do ông Nguyễn Công Hồng, Phó chủ nhiệm ủy ban làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Viện kiểm sát (VKS) tỉnh về công tác kiểm sát thi hành án phạt tù đối với phạm nhân là người chưa thành niên và thi hành biện pháp tư pháp, biện pháp xử lý hành chính (đưa vào trường giáo dưỡng) trên địa bàn.

Theo báo cáo, từ năm 2009 đến nay, VKS tỉnh đã tiếp nhận gần 10 ngàn hồ sơ giảm án, trong đó có 160 phạm nhân là người chưa thành niên với các tội danh cố ý gây thương tích, ma túy và giết người. Riêng công tác giam giữ phạm nhân chưa thành niên được bố trí riêng biệt và tổ chức dạy văn hóa, học nghề. Bên cạnh đó, nhiều chính sách nhằm giảm án cho các phạm nhân sau khi tuyên án cũng được các trại giam quan tâm. Báo cáo cũng cho thấy, công tác quản lý giam giữ còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là cơ sở vật chất còn thiếu thốn, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Việc tổ chức cho phạm nhân là người chưa thành niên tái hòa nhập cộng đồng cũng gặp không ít khó khăn như: tình trạng không có người thân, chính quyền cơ sở và các tổ chức đoàn thể chưa có sự phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an.

Phát biểu tại buổi làm việc, đại diện đoàn giám sát đã ghi nhận kết quả của ngành kiểm sát trong công tác kiểm sát giam giữ. Song đại diện đoàn cũng lưu ý ngành kiểm sát cần tăng cường công tác kiểm sát án treo trong thời gian tới.

Trước đó, sáng cùng ngày, đoàn cũng đã có buổi làm việc tại Trường giáo dưỡng số 4 (đóng tại xã An Phước, huyện Long Thành). Tại đây, lãnh đạo nhà trường cũng cho biết, hiện trường đang quản lý khoảng 800 học sinh, độ tuổi phần lần từ 14 đến 16, đa phần là trình độ thấp. Học sinh sau khi tiếp nhận, nhà trường sẽ tổ chức dạy văn hóa từ lớp 1 đến lớp 9 và tổ chức hướng nghiệp học nghề cho các em để khi ra trường, các em có điều kiện tái hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát, đa số học sinh ra trường không làm đúng với nghề đã được học, đặc biệt tỷ lệ tái phạm còn chiếm trên 45%, trong đó 27% bị xử lý hình sự.

Trần Danh

 

Tin xem nhiều