Báo Đồng Nai điện tử
En

Khổ vì mất việc!

10:01, 19/01/2015

Sau ngày mất việc, tổ ấm của anh Đinh Kim Chanh (quê tỉnh Đồng Tháp, tạm trú xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom) cũng lung lay theo. Rời phiên tòa xét xử ngày 16-1, lòng như bị xát muối, anh Chanh nói: "Tòa xử như vậy thiệt cho tui lắm. Công ty chấm dứt hợp đồng lao động với tui trái luật mà tòa lại cho là đúng luật".

Sau ngày mất việc, tổ ấm của anh Đinh Kim Chanh (quê tỉnh Đồng Tháp, tạm trú xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom) cũng lung lay theo. Rời phiên tòa xét xử ngày 16-1, lòng như bị xát muối, anh Chanh nói: “Tòa xử như vậy thiệt cho tui lắm. Công ty chấm dứt hợp đồng lao động với tui trái luật mà tòa lại cho là đúng luật”.

* Hậu quả mất việc

Công việc đang ổn định, ngày 12-4-2014, anh Chanh đột ngột nhận quyết định chấm dứt hợp đồng lao động từ Ban giám đốc Công ty S.B. Thương vợ, anh Chanh nén lòng đi tìm việc khác để chuẩn bị tốt cho tổ ấm tương lai.

Anh Đinh Kim Chanh (phải) tiếp tục nhờ luật sư Lê Tấn Tý theo đuổi vụ kiện.
Anh Đinh Kim Chanh (phải) tiếp tục nhờ luật sư Lê Tấn Tý theo đuổi vụ kiện.

Đang nhận công việc phụ hồ gần nhà thì ngày 14-4-2014, anh Chanh được Công ty S.B gửi thư mời đến thỏa thuận lại vấn đề hợp đồng lao động và xem xét hủy quyết định chấm dứt hợp đồng lao động ngày 1-4-2014, tái ký hợp đồng lao động từ ngày 1-4-2014 đến ngày 31-3-2015. Do công ty không bồi thường những khoản tổn thất đối với người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động trái luật, anh Chanh không quay lại làm việc, cũng như tái ký hợp đồng lao động. “Tui bị công ty chấm dứt hợp đồng lao động trái luật thì tui không thể quay lại làm việc, nhất là khi đó tôi đang có việc làm khác” - anh Chanh trình bày.

Rồi công việc phụ hồ bấp bênh bữa được bữa mất, vợ chồng anh Chanh liên tục lục đục. Chán nản, chị T. (vợ anh Chanh) bỏ nhà đi mấy tuần rồi trở về đòi “đường ai nấy đi”. Buồn vì vợ không thông cảm, ức vì bị công ty chấm dứt hợp đồng lao động trái luật mà không bồi thường, anh Chanh đến Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh nhờ hỗ trợ pháp lý và khởi kiện công ty để đòi quyền lợi chính đáng.

Ngày 16-1, Tòa án nhân dân huyện Trảng Bom đưa vụ việc ra xét xử và tuyên xử anh Chanh thua kiện. Anh Chanh ấm ức nói: “Tòa tuyên công ty chấm dứt hợp đồng lao động đối với tui là đúng luật. Tòa cho rằng, hợp đồng lao động mà công ty ký kết với tui đã hết hạn. Vì vậy, các yêu cầu khởi kiện của tui không có căn cứ xem xét. Tòa chỉ buộc công ty bồi thường cho tui 15 ngày lương vì có lỗi không báo cho tui biết trước 15 ngày trước khi hợp đồng lao động hết hạn” - anh Chanh bức xúc tỏ bày.

* Niềm tin…

Theo hợp đồng lao động Công ty S.B đã ký kết với anh Chanh, thời hạn hợp đồng một năm được tính từ ngày 22-3-2013 đến ngày 1-4-2014 (đáng lẽ ngày 22-3-2014 là đúng một năm). Khi thời hạn hợp đồng kết thúc, anh Chanh vẫn đi làm bình thường, công ty vẫn giao việc. Trong khi đó, ngày 1-4-2014, công ty âm thầm ban hành quyết định, nghỉ việc nhưng không giao cho anh Chanh. Mãi đến ngày 12-4-2014, công ty mới giao quyết định  và cho anh Chanh nghỉ việc ngay sau khi nhận quyết định.

Ông Kiều Minh Sinh, Phó trưởng ban Chính sách pháp luật (Liên đoàn Lao động tỉnh), cho biết: “Hợp đồng của anh Chanh hết hạn nhưng anh vẫn làm việc và 12 ngày sau công ty cho anh nghỉ việc với lý do hết hạn hợp đồng lao động là không đúng với quy định tại Khoản 2, Điều 22, Bộ luật Lao động năm 2012. Chúng ta phải hiểu, 30 ngày ở đây là thời hạn để hai bên giao kết hợp đồng lao động, chứ không phải 30 ngày để các bên có thể đắn đo ký hay không ký hợp đồng lao động mới. Do đó, người sử dụng lao động không thể ra quyết định cho người lao động nghỉ việc khi hợp đồng đã quá hạn. Việc tòa sơ thẩm nhận định công ty ban hành quyết định cho anh Chanh nghỉ việc đúng pháp luật là chưa chính xác”.

Theo luật sư Lê Tấn Tý (Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh), việc công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với anh Chanh là trái luật, bởi: “Công ty cho anh Chanh nghỉ việc vào ngày 12-4-2014. Theo quy định của khoản 2, Điều 22, Bộ luật Lao động thì tại thời điểm này hợp đồng lao động xác định thời hạn giữa anh Chanh và công ty đã mặc nhiên chuyển sang loại hợp đồng lao động không xác định thời hạn và đang có hiệu lực pháp luật, vì anh Chanh đã tiếp tục làm việc quá thời hạn hợp đồng lao động 12 ngày. Pháp luật cho công ty 30 ngày để làm thủ tục ký kết hợp đồng lao động mới, chứ không phải 30 ngày ấy để công ty có thời gian làm thủ tục cho người lao động nghỉ việc. Như vậy, việc công ty cho anh Chanh nghỉ việc với lý do hợp đồng lao động hết hạn là không đúng với quy định của pháp luật. Ngoài ra, công ty không báo cho anh Chanh biết trước 45 ngày là vi phạm thủ tục báo trước. Trong công văn Công ty S.B gửi cho Tòa án nhân dân huyện Trảng Bom ngày 26-6-2014 cũng thừa nhận: “Tại thời điểm công ty cho anh Chanh nghỉ việc thì hợp đồng lao động của anh Chanh đã chuyển sang loại hợp đồng lao động không xác định thời hạn, công ty chấm dứt hợp đồng lao động đối với anh Chanh là sai luật...”. Không hiểu sao tòa lại không lưu ý đến tình tiết này. Do đó, việc anh Chanh yêu cầu công ty bồi thường khoản tiền lương trong những ngày không được làm việc, bồi thường thêm 2 tháng lương, trả lương trong những ngày không được báo trước 45 ngày là có cơ sở” - luật sư Tý cho biết.

Tiu nghỉu rời phiên tòa, anh Chanh bảo mất việc làm, anh cũng mất luôn vợ. Vì vậy, anh quay lại Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh nhờ hướng dẫn làm thủ tục kháng cáo bản án sơ thẩm với hy vọng cấp phúc thẩm sẽ bảo vệ quyền lợi cho anh.

Sau khi được Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh hướng dẫn làm đơn kháng cáo lên phúc thẩm, anh Chanh cho biết sẽ quyết tâm theo đuổi vụ kiện đòi quyền lợi khi công ty chấm dứt hợp đồng lao động trái luật đối với anh.

Thành Nhân

 

 

 

Tin xem nhiều