Báo Đồng Nai điện tử
En

Luật Tố tụng hành chính năm 2015: Cụ thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong án hành chính

06:06, 14/06/2016

Một trong những điểm đáng chú ý trong Luật Tố tụng hành chính năm 2015 (có hiệu lực thi hành vào ngày 1-7) là quy định trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức khi bị khởi kiện ra tòa (án hành chính).

Một trong những điểm đáng chú ý trong Luật Tố tụng hành chính năm 2015 (có hiệu lực thi hành vào ngày 1-7) là quy định trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức khi bị khởi kiện ra tòa (án hành chính). Theo đó, người đứng đầu cơ quan, tổ chức hoặc cấp phó khi được ủy quyền phải hầu tòa để giải quyết vụ việc khi cơ quan đó là bị đơn trong các vụ án hành chính.

Quy định mới của Luật Tố tụng hành chính cụ thể hóa quy định về người đại diện, nhưng cũng đề cao vai trò của người đứng đầu.

* Cụ thể hóa người đại diện tại tòa

Luật Tố tụng hành chính năm 2010 quy định về người đại diện đã xác định có 2 trường hợp người đại diện, gồm: người đại diện theo quy định pháp luật và người đại diện theo ủy quyền. Khoản 5, Điều 54 Luật Tố tụng hành chính năm 2010 quy định: “Người đại diện theo pháp luật trong tố tụng hành chính thực hiện các quyền, nghĩa vụ tố tụng hành chính của đương sự mà mình là đại diện. Người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng hành chính thực hiện toàn bộ các quyền, nghĩa vụ tố tụng hành chính của người ủy quyền. Người được ủy quyền không được ủy quyền lại cho người thứ ba”. Quy định này có đề cập đến người được ủy quyền trong tố tụng hành chính, nhưng chưa xác định cụ thể trường hợp bị đơn là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì ai được ủy quyền đứng ra giải quyết vụ việc với phía nguyên đơn tại tòa.

“Quy định mới sẽ không tạo áp lực cho cán bộ trong các cơ quan hành chính, bởi tất cả các vụ việc đều được giải quyết dựa trên các quy định của pháp luật. Nếu phải đối đáp trước tòa thì người đứng đầu hoặc người được ủy quyền là cấp phó của các cơ quan, tổ chức cũng phải dựa trên nguyên tắc này để thực hiện” - bà Vũ Thị Sáng, Phó chủ tịch UBND phường Tam Hiệp, cho biết.

Để xác định rõ vấn đề này, Luật Tố tụng hành chính năm 2015 đã quy định rõ hơn người ủy quyền. Cụ thể, Khoản 3, Điều 60 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 quy định: “Người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng hành chính phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, được đương sự hoặc người đại diện theo pháp luật của đương sự ủy quyền bằng văn bản. Trường hợp hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân tham gia tố tụng hành chính thì các thành viên có thể ủy quyền cho một thành viên hoặc người khác làm đại diện tham gia tố tụng hành chính. Trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện. Người được ủy quyền phải tham gia quá trình giải quyết toàn bộ vụ án, thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người bị kiện theo quy định của luật này”.

Theo quy định mới, trường hợp cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức là bị đơn trong các vụ án hành chính thì chỉ có người đứng đầu hoặc người được ủy quyền là cấp phó được ra tòa giải quyết vụ việc. Với quy định này, luật mới đã cụ thể hóa người đại diện theo ủy quyền trong trường hợp người dân kiện cơ quan, tổ chức.

* Nêu cao vai trò của người đứng đầu

Luật sư Ngô Văn Định, Đoàn Luật sư Đồng Nai, cho biết theo quy định của Luật Tố tụng hành chính năm 2015, trường hợp người đứng đầu cơ quan, tổ chức hoặc cơ quan, tổ chức là bị đơn trong các vụ án hành chính thì người đứng đầu (hoặc ủy quyền cho cấp phó) ra tòa để giải quyết vụ việc là một thay đổi nhằm đề cao vai trò của người đứng đầu.

Theo luật sư Định, trường hợp người đứng đầu hoặc người được ủy quyền là cấp phó ra tòa giải quyết các vụ việc sẽ tạo thuận lợi cho phía nguyên đơn. Người đứng đầu cơ quan tổ chức khi ký và ban hành một văn bản, nhưng chính văn bản đó bị kiện thì khi ra tòa, nếu người ký văn bản trực tiếp đứng ra giải quyết, chắc chắn vụ việc sẽ được giải quyết một cách thấu đáo và nhanh hơn. Bởi, người đứng đầu cơ quan, tổ chức sẽ có toàn quyền để quyết định các nội dung trong văn bản mà chính họ là người đặt bút ký.

Nhìn nhận về quy định mới của Luật Tố tụng hành chính 2015, luật sư Định cho rằng, quy định này sẽ đảm bảo được quyền lợi của các bên liên quan trong các vụ tranh chấp về thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, các vụ án hành chính chắc chắn sẽ được giải quyết nhanh hơn so với trước đây. “Luật Tố tụng hành chính hiện hành không quy định rõ người đại diện trong trường hợp cơ quan, tổ chức là bị đơn trong các vụ án hành chính. Một khi bị kiện, cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu có thể ủy quyền cho bất kỳ ai (kể cả luật sư) ra tòa giải quyết. Như vậy, quyền và lợi ích của phía nguyên đơn chắc chắn sẽ không được giải quyết thấu đáo tại các phiên tòa hành chính” - luật sư Định phân tích.

Bà Vũ Thị Sáng, Phó chủ tịch UBND phường Tam Hiệp (TP.Biên Hòa), cho biết quy định mới yêu cầu người đứng đầu (hoặc chỉ ủy quyền cho cấp phó) giải quyết vụ án hành chính tại tòa là một bước tiến trong cải cách thủ tục hành chính. Theo bà Sáng, quy định này đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức. Khi xảy ra tranh chấp về thủ tục hành chính, người đứng đầu hoặc cấp phó trực tiếp giải quyết, vừa nắm rõ vụ việc vừa thể hiện được trách nhiệm của người đứng đầu.

Trần Danh

 

 

 

Tin xem nhiều