Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhiều vụ vận chuyển hàng lậu qua đường sắt

11:06, 17/06/2016

Sự cố sập cầu Ghềnh khiến tuyến đường sắt Bắc - Nam bị gián đoạn, các chuyến tàu đến Ga Sài Gòn phải dừng lại Ga Biên Hòa (tàu khách) và Ga Hố Nai (tàu hàng).

Sự cố sập cầu Ghềnh khiến tuyến đường sắt Bắc - Nam bị gián đoạn, các chuyến tàu đến Ga Sài Gòn phải dừng lại Ga Biên Hòa (tàu khách) và Ga Hố Nai (tàu hàng). Từ đây, lực lượng chức năng của tỉnh đã phát hiện nhiều vụ vận chuyển hàng lậu qua đường sắt.

Đặc biệt, khoảng một tháng gần đây, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an tỉnh đã phát hiện 3 vụ vận chuyển hàng lậu tại các ga Biên Hòa và Hố Nai với trị giá hàng chục tỷ đồng.

* Hàng cấm trên tàu Bắc - Nam

PC46 đang tiến hành xác minh những người có liên quan đến hàng trăm kiện hàng chất trên 7 toa của tàu hàng số hiệu H7, chạy tuyến Ga Hà Nội vào Ga Hố Nai bị đơn vị phát hiện, tạm giữ vào sáng 9-6. Trong số này, ông L.V.T. (quê tỉnh Bạc Liêu) đã liên hệ với PC46 nhận là chủ của một số kiện hàng mà công an đang tạm giữ.

Hàng trăm kiện hàng lậu bị công an phát hiện, thu giữ tại Ga Hố Nai.
Hàng trăm kiện hàng lậu bị công an phát hiện, thu giữ tại Ga Hố Nai.

Làm việc với công an, ông T. cho biết ông đã được một chủ hàng tại Hà Nội gọi điện đến nhận lô hàng, gồm: nấm linh chi, sâm…, là nguyên liệu để làm thuốc bắc, sau đó giao lại cho chủ hàng tại TP.Hồ Chí Minh. Sau khi cho ông T. xác định 38 kiện hàng, PC46 đã tiến hành mở niêm phong để lập hồ sơ ban đầu. Qua kiểm tra, công an phát hiện trong số đó có 6 bao tải chứa 180 hộp pháo bông được ngụy trang rất kỹ.

Một cán bộ thuộc PC46 cho biết, đây là loại hàng cấm mua bán trên thị trường. Do đó, cơ quan công an đã lập biên bản tịch thu, đồng thời tiến hành điều tra nguồn gốc hàng hóa và chủ nhân số hàng để xử lý theo quy định của pháp luật. Số hàng hóa, gồm: sâm, nấm linh chi còn lại trong lô hàng cũng bị tạm giữ để điều tra vì thuộc một chủ hàng và không có hóa đơn, chứng từ liên quan.

Vị cán bộ PC46 cho biết, một số đối tượng đã lợi dụng việc vận chuyển các mặt hàng thông thường để cất giấu hàng cấm và che đậy rất tinh vi, nếu lực lượng công an không kiểm tra kỹ rất dễ bị sót lọt.

* Hàng chục tấn hàng lậu “vô chủ”?

Theo một lãnh đạo PC46, một tháng gần đây, đơn vị đã phát hiện 3 vụ vận chuyển hàng trăm kiện hàng qua đường sắt, gồm: nguyên liệu làm thuốc bắc (nấm linh chi, sâm); linh kiện xe máy, ô tô, máy may; vải; sữa tắm; thực phẩm chức năng… Tất cả số hàng này đều được ghi bằng tiếng nước ngoài (Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc…), nhưng không có hóa đơn, chứng từ thể hiện nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa.

Cụ thể, ngoài vụ bắt giữ hơn 600 kiện hàng lậu (khoảng 70 tấn, trị giá hàng chục tỷ đồng) chất trên 7 toa của tàu hàng H7 vừa dừng tại Ga Hố Nai vào ngày 9-6, vào ngày 16-6, khi bất ngờ kiểm tra tàu chở hàng TN1 từ Ga Hà Nội vào Ga Biên Hòa, lực lượng phối hợp giữa PC46, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm buôn lậu (C74, Bộ Công an) và Chi cục Quản lý thị trường tỉnh đã phát hiện 2 toa tàu chứa một khối lượng lớn hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ liên quan đến nguồn gốc xuất xứ được gói nhiều lớp trong các bao tải và thùng cạc tông, như: điện thoại di động, dây sạc pin điện thoại, quần, áo…

Sáng 17-6, lực lượng phối hợp giữa PC46, C74 và Chi cục Quản lý thị trường tỉnh tiếp tục phát hiện 2 toa tàu của tàu TN1 chạy từ Ga Hà Nội vào Ga Biên Hòa có chở hàng chục tấn hàng, gồm: phụ tùng xe máy, đồ điện tử... không có hóa đơn, chứng từ liên quan. Sau khi lập biên bản ghi nhận tại hiện trường, lực lượng chức năng đã tạm giữ toàn bộ lô hàng để tiếp tục điều tra làm rõ.

Trước đó, vào ngày 14-5, C74 đã phối hợp với PC46 và Chi Cục quản lý thị trường tỉnh tiến hành kiểm tra, phát hiện hơn 240 kiện hàng không rõ nguồn gốc tại Ga Biên Hòa. Số hàng gồm: quần áo, túi xách, linh kiện điện tử trị giá hàng tỷ đồng sau đó đã bị cơ quan chức năng lập biên bản thu giữ để phục vụ công tác điều tra.

Làm việc với công an, những người áp tải hàng không trình được bất kỳ hóa đơn, chứng từ nào liên quan đến số hàng, trong khi các mặt hàng: linh kiện xe máy, ô tô; thực phẩm chức năng; sữa tắm; sâm; nấm linh chi… được ghi bằng tiếng nước ngoài. Lực lượng công an đã lập biên bản tạm giữ số hàng để điều tra.

Theo điều tra, để đưa số hàng lậu đến tay chủ hàng tại miền Nam, chủ hàng ở các tỉnh phía Bắc đã đóng gói kỹ càng và thuê những toa tàu hàng vận chuyển. Khi hàng đến ga, các chủ hàng thuê tài xế xe tải quen biết, hoặc các tay chuyên “cò” hàng đến nhận. Các chủ hàng tuyệt đối không xuất đầu lộ diện khi chưa xác định được lô hàng của mình đã được chuyển đến địa điểm an toàn. “Nếu bị lực lượng chức năng kiểm tra và phát hiện, thường thì chủ hàng chấp nhận bỏ hàng để tránh bị xử lý” - một cán bộ công an cho biết.

Cơ quan công an cảnh báo người dân khi phát hiện các tổ chức, cá nhân kinh doanh hành lậu kịp thời trình báo cơ quan chức năng để xử lý.

Trần Danh

 

 

 

 

Tin xem nhiều