Báo Đồng Nai điện tử
En

Gỡ nút thắt pháp lý cho người dân tộc thiểu số

06:08, 16/08/2016

Những văn bản luật, pháp lý dày cộm, khô khan đã được các luật gia, luật sư thuộc Hội Luật gia tỉnh chuyển hóa thành những câu chuyện, vấn đề gần gũi, hấp dẫn để tạo hứng thú cho đồng bào dân tộc thiểu số...

Những văn bản luật, pháp lý dày cộm, khô khan đã được các luật gia, luật sư thuộc Hội Luật gia tỉnh chuyển hóa thành những câu chuyện, vấn đề gần gũi, hấp dẫn để tạo hứng thú cho đồng bào dân tộc thiểu số đến dự các buổi tuyên truyền, trợ giúp pháp lý miễn phí nắm bắt.

Hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại hội trường kết hợp với tư vấn, hỗ trợ pháp lý tại các bàn đặt bên ngoài thật sự hấp dẫn, thu hút đồng bào các dân tộc thiểu số.
Hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại hội trường kết hợp với tư vấn, hỗ trợ pháp lý tại các bàn đặt bên ngoài thật sự hấp dẫn, thu hút đồng bào các dân tộc thiểu số.

Trưởng ban Dân tộc tỉnh Điểu Bảo bày tỏ đồng bào dân tộc thiểu số chỉ ưng cái bụng khi được luật gia, luật sư gỡ rối những vướng mắc trong lòng, chứ không thích bỏ buổi rẫy để ra văn phòng ấp, hội trường xã ngồi nghe cán bộ đọc luật, văn bản này nọ.

“Giải oan” nỗi lòng

Hay tin đoàn công tác của Hội Luật gia tỉnh về tư vấn, hỗ trợ pháp lý miễn phí cho người dân huyện Định Quán, chị Lý Thị Phượng (dân tộc Hoa, ngụ xã Phú Lợi) lén chồng đến gặp các luật gia, luật sư hỏi điều chị thắc mắc nhưng không dám hỏi chồng: “Chồng mình có ra Phòng Đăng ký đất đai huyện nộp 72 triệu đồng để chuyển đổi mục đích sử dụng đất khi làm sổ đỏ nhưng không thấy đem biên lai về. Một tháng sau, vợ chồng mình cũng được huyện cấp sổ đỏ. Liệu chồng mình có giấu vợ lấy số tiền này tiêu xài khi được huyện miễn nộp tiền chuyển đổi mục đích sử dụng đất?”.

Vấn đề của chị Phượng được luật sư Lưu Hồng Khanh tư vấn: “Trường hợp của vợ chồng chị không được Nhà nước miễn thu phí khi chuyển mục đích sử dụng đất. Chồng chị thật sự nộp đủ 72 triệu đồng nên mới được huyện cấp sổ đỏ. Lý do anh ấy không đem phiếu nộp tiền về cho chị xem là do sơ suất của anh, hoặc do cán bộ thu tiền quên đưa biên lai, chứ anh ấy không lén chị tiêu hết số tiền này”.

Nghe xong, chị Phượng mắc cỡ, chào luật sư Khanh ra về. Luôn tiện, chị ghé chợ mua cho chồng ít mồi ngon về nhắm rượu để chuộc lỗi vì bấy lâu nay nghĩ oan cho chồng.

Còn bà Sơn Thị Dung (dân tộc Kh’mer, ngụ thị trấn Định Quán) thì thút thít với luật sư Cao Sơn Hà rằng vào năm 2000, con gái bà lấy chồng; cả hai có đến UBND thị trấn Định Quán đăng ký kết hôn nhưng không tổ chức đám cưới. Lấy lý do con rể bà không có tiền làm đám cưới, con gái bà bỏ chồng đi nơi khác làm ăn và lấy chồng mới. Sau đó, con gái bà bỏ người chồng thứ 2. Nay con rể đầu của bà muốn ly hôn với con gái bà để cưới vợ khác thì có bị con gái bà về “quậy” không, bởi bà rất quý người con rể này.

Luật sư Cao Sơn Hà tư vấn, theo Luật Hôn nhân và gia đình, con rể bà Dung được quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn với con gái bà. Vì hôn nhân của 2 người là hợp pháp, được pháp luật công nhận dù 2 người không tổ chức đám cưới. Khi tòa án giải quyết ly hôn xong, con rể bà có quyền lấy vợ khác. Nếu con gái bà về “quậy” sẽ bị xử lý theo pháp luật và bà có quyền quý, xem người con rể, vợ của anh này như con cái trong nhà.

Tuyên truyền kết hợp với tư vấn

Hình thức tuyên truyền, triển khai các văn bản pháp luật tại hội trường kết hợp với tư vấn, giải đáp thắc mắc trực tiếp về pháp lý tại các bàn tư vấn cho đồng bào dân tộc thiểu số hiện được Hội Luật gia tỉnh chú trọng.

Ông Điểu Bảo bày tỏ, hình thức này thật sự gần gũi, hấp dẫn, tạo hứng thú cho đồng bào các dân tộc thiểu số đến tham dự các buổi tuyên truyền, tư vấn hỗ trợ pháp lý. Bởi, những vấn đề pháp lý vướng mắc trong lòng của họ kịp thời được các luật gia, luật sư, báo cáo viên pháp luật… tháo gỡ ngay lập tức.

Còn luật gia Nguyễn Đức, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh, thì cho rằng đồng bào dân tộc thiểu số không cần và không thể biết  hết các quy tắc xử sự trong các bộ luật dày cộm, hoặc hàng vạn văn bản pháp luật mới, cũ. Điều họ cần là những tình huống xử sự pháp luật đúng đắn liên quan trực tiếp đến cuộc sống, sinh hoạt, quan hệ gia đình, cộng đồng của họ. Cho nên, việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số cần phải lựa chọn trong bao la vấn đề, tình huống pháp lý có liên quan đến đời sống, dân sinh của họ để nói, gỡ rối. Cách diễn đạt vấn đề đến người nghe cũng cần phải ngắn gọn, cô đọng, nhiều hình ảnh minh họa, không cần viện dẫn điều luật này, văn bản nọ.

Đồng bào dân tộc Hoa, Chơro, Chăm, Kh’mer... bỏ một buổi rẫy, buổi chợ, nội trợ…  để đến với các buổi tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ pháp lý miễn phí do chính quyền, các tổ chức, đoàn thể, đơn vị tổ chức, không phải chỉ là số tiền thù lao vài chục ngàn đồng, hoặc không có thù lao mà là vấn đề gút mắc của bản thân, người thân được các luật gia, luật sư, báo cáo viên pháp luật giải đáp, hướng dẫn cặn kẽ, chân thành. “Cái mình nhận được từ các buổi tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ pháp lý là giải tỏa thắc mắc của bản thân, xử sự đúng pháp luật khi xảy ra mâu thuẫn với hàng xóm, họ hàng để gia đình hòa thuận, cộng đồng đoàn kết” - ông Điểu Ka (ngụ ấp 4, xã Tà Lài, huyện Tân Phú) bày tỏ.

Đoàn Phú

 

 

 

Luật gia Vòng Khiềng, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Hội Luật gia tỉnh, người gắn bó xuyên suốt với các dự án, chương trình tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ pháp lý miễn phí cho đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, như: Định Quán, Tân Phú, Xuân Lộc... khẳng định, đồng bào dân tộc thiểu số chỉ muốn và thích nghe, hỏi điều họ cần, liên quan trực tiếp đến bản thân để xử sự đúng pháp luật, chứ không quan tâm những vấn đề hàn lâm, xung đột pháp lý trong các bộ luật, văn bản pháp luật.

 

Tin xem nhiều