Báo Đồng Nai điện tử
En

Đứa con ngỗ ngược…

11:12, 02/12/2016

Phiên tòa diễn ra trong cảnh trớ trêu, khi 2 mẹ con, người đứng trước vành móng ngựa chịu tội, người còn lại là bị hại tố cáo hành vi của con mình.

Phiên tòa diễn ra trong cảnh trớ trêu, khi 2 mẹ con, người đứng trước vành móng ngựa chịu tội, người còn lại là bị hại tố cáo hành vi của con mình. Nỗi đau của một người mẹ và sự ngỗ ngược của đứa con khiến nhiều người tham dự phiên tòa phải ứa nước mắt.

Từ trái qua, các bị cáo: Thiện, Tâm và Hiếu.
Từ trái qua, các bị cáo: Thiện, Tâm và Hiếu.

Hai dòng nước mắt chảy dài trên đôi gò má ửng hồng của cô gái còn son trẻ, bị cáo Phạm Nguyễn Hữu Tâm (24 tuổi, ngụ phường Tân Phong, TP.Biên Hòa) không ngừng bào chữa cho việc làm sai trái của mình. Bị cáo Tâm kể rằng, dù 2 mẹ con sống cùng nhà nhưng họ không hiểu nhau. Cho rằng mẹ không thương yêu mình nên bị cáo mới có hành động “cõng rắn cắn gà nhà”.

Về nhà trộm kết sắt

Ngày 22-11, Tòa án nhân dân TP.Biên Hòa đã tuyên phạt bị cáo Hoàng Bảo Hiếu 42 tháng tù giam, Phạm Nguyễn Hữu Tâm và Lê Minh Thiện cùng 30 tháng tù giam, cùng về tội trộm cắp tài sản. Tòa còn tuyên buộc 3 bị cáo phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường gần 140 triệu đồng cho bị hại.

Là cô sinh viên đại học nhưng vì mải lo ăn chơi nên Tâm không thể tốt nghiệp ra trường. Nghỉ học, Tâm bắt đầu quen với Hoàng Bảo Hiếu (25 tuổi, ngụ phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa), cả hai thuê phòng trọ tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sống chung như vợ chồng. Được một thời gian, cả hai đưa nhau về nhà xin mẹ của Tâm (bà N.T.X.K.) cho tiền làm đám cưới và trả nợ, nhưng bà K. không đồng ý.

Nợ nần nhiều, bị chủ nợ đòi nên Tâm bàn với Hiếu về nhà trộm tài sản của mẹ. Ngày 22-2, Tâm và Hiếu bắt taxi về nhà mở két sắt lấy tiền, nhưng không có chìa khóa nên cả hai quyết định khiêng két sắt đến nơi vắng người để phá két lấy tiền. Một mình không thể khiêng được chiếc két sắt, Hiếu đã gọi điện nhờ Lê Minh Thiện (28 tuổi, ngụ phường Trung Dũng) hỗ trợ. Cả hai đã mang két sắt đến một bãi đất trống ở phường Trảng Dài (TP.Biên Hòa) để phá khóa, lấy được một số tiền, vàng trị giá gần 140 triệu đồng.

Với số tiền kiếm được, Tâm và Hiếu cho Thiện 10 triệu đồng, rồi cả hai quay về “tổ ấm” của họ tại Bà Rịa - Vũng Tàu trả nợ và ăn chơi, tiêu xài. Số tiền bà K. phải đổ mồ hôi sôi nước mắt mới kiếm được, bị cáo Tâm chỉ tiêu xài trong vài tuần là hết sạch. Điều ngạc nhiên hơn là tại phiên tòa, bị cáo Tâm còn đòi định giá lại những món trang sức bằng vàng, vì theo Tâm: “Bị cáo không bán được nhiều tiền như cơ quan điều tra thẩm định giá”.

Nỗi đau của người mẹ

Đấm vào ngực để thấy bản thân còn tỉnh táo, bà K. nghẹn ngào nói: “Càng kể tội con, tim tôi càng như bị đâm thấu và rỉ máu. Tôi là người đau đớn nhất khi phải đưa con mình ra trước pháp luật. Con tôi là đầu trộm đuôi cướp, chỉ cần mẹ sơ hở là nó tìm cách ôm tiền đem đi cho người tình”.

Nói đoạn, bà K. kể về những ngày nuôi con khôn lớn, cho con ăn học thành người. Khi Tâm vừa tốt nghiệp THPT, bà lo cho con thi đại học và Tâm đã đậu vào một trường đại học có tiếng ở TP.Hồ Chí Minh. Nhưng khi bạn bè đã ra trường hết, Tâm vẫn chưa thể trả nợ xong các môn học. Thương con, bà K. nhiều lần khuyên nhủ, thậm chí đe dọa nhưng Tâm chứng nào tật nấy, theo đám bạn hư hỏng ăn chơi mà bỏ bê học hành. Sợ con hư, bà cố gắng xin cho con vào học một trường khác tại Đồng Nai để sau này Tâm có tấm bằng đại học. Vậy mà Tâm lại bỏ học, rồi theo Hiếu sống như vợ chồng.

Theo bà K. trình bày, khi nghe Tâm nói quen với Hiếu, bà đi tìm hiểu thì biết Hiếu đã có tiền án nên bà không chấp nhận mối quan hệ này. “Tôi nói với con, dù có lấy người bần cùng, gia cảnh nghèo khó cũng được, miễn người đó có đạo đức, không vướng vào vòng lao lý. Do Tâm không nghe nên tôi không chấp nhận Hiếu và không cho chúng làm đám cưới. Tiền thì tôi không tiếc, chỉ tiếc mình mất đi đứa con” - bà K. nghẹn ngào nói.

Quen nhau được 7 tháng thì Tâm mang thai, rồi cùng Hiếu đi đăng ký kết hôn.

“Bị cáo đã làm mẹ, sao lại không hiểu nỗi lòng của người mẹ. Xét trong gia đình, bị cáo là đứa con ngỗ ngược. Xét ngoài xã hội, bị cáo là kẻ bất lương. Bị cáo không chỉ nợ cha mẹ thân thể mình đang có, mà còn nợ cả về vật chất và nợ tình yêu, nợ danh dự… Bị cáo chưa cần nghĩ cho xã hội, cho người khác, mà tôi chỉ mong bị cáo nghĩ cho người đã sinh ra mình, người đang ngồi khóc vì bị cáo đó…” - vị hội thẩm nhân dân ngồi ghế Hội đồng xét xử khuyên răn bị cáo Tâm.

Nghe đến đây, bị cáo Tâm cúi mặt xuống, thể hiện sự xấu hổ.

Vì quá đau lòng trước hành động của con và thấy bị cáo Tâm không thể hiện một chút ăn năn, bà K. đã kể thêm tội con gái rằng Tâm đã nhiều lần trộm tiền, vàng của bà, thậm chí lấy cả tiền mà đứa em tật nguyền của Tâm được Nhà nước hỗ trợ hàng tháng. Càng kể tội con bao nhiêu, nước mắt của bà K. càng chảy dài bấy nhiêu…

Phiên tòa kết thúc, người mẹ ấy chỉ lẳng lặng nhìn con một lúc rồi khuất dần trong đám đông đến dự phiên tòa. Bà chỉ ước, sẽ có ngày bà nhận được lời xin lỗi thật lòng và sự ăn năn quay về của đứa con gái

Tố Tâm

Tin xem nhiều