Báo Đồng Nai điện tử
En

Kỳ 3: Chủ đất bắt tay với giang hồ để chiếm đất?

09:10, 12/10/2018

Có nhiều trường hợp, việc tranh chấp đất chỉ là việc giữa những người dân mua đi bán lại với nhau. Thế nhưng một số người dân mượn tay giang hồ để tranh chấp lại với người khác để chiếm đất theo "luật rừng". Trong số đó có những người là chủ đất cũ vì muốn lấy đất nên bắt tay với các đối tượng giang hồ để chiếm đất của những người mua sau.

[links()]Có nhiều trường hợp, việc tranh chấp đất chỉ là việc giữa những người dân mua đi bán lại với nhau. Thế nhưng một số người dân mượn tay giang hồ để tranh chấp lại với người khác để chiếm đất theo “luật rừng”. Trong số đó có những người là chủ đất cũ vì muốn lấy đất nên bắt tay với các đối tượng giang hồ để chiếm đất của những người mua sau.

Công an có mặt để giải quyết các vụ tranh chấp đất giữa người dân và các băng nhóm. (ảnh gia đình bà Đ. cung cấp)
Công an có mặt để giải quyết các vụ tranh chấp đất giữa người dân và các băng nhóm. (ảnh gia đình bà Đ. cung cấp)

Lợi dụng việc mua bán chỉ được thực hiện bằng giấy tờ viết tay nên các chủ đất đều có thể viết giấy mua bán cho những người khác (trong đó có các đối tượng giang hồ) để tạo cớ lấy đất. Tình trạng này đã đẩy nhiều người vào cảnh khốn cùng vì bỏ tiền mua đất nhưng lại bị tranh chấp.

* Mất đất sau 10 năm canh tác

Đó là trường hợp khá của bà Trịnh Thị H. (ngụ tổ 41, KP.11, phường Tân Phong). Theo bà H. đến nay bà không phải là người trực tiếp tranh chấp mà chỉ là người liên quan vì bà đã bán đất cho người khác. Tuy nhiên, với trách nhiệm của người bán đất, bà H. chấp nhận đứng ra để giải quyết với những người đến tranh đất.

Theo đó, vào năm 2006, bà H. có mua 1.400m2 đất của tại tổ 39B, KP.11A, phường Tân Phong của bà T. T.V. Sau khi mua đất bà H. đầu tư trồng tràm, điều và dầu. Đến năm 2016, do sức khỏe yếu không canh tác được nên bà H. bán vườn cây cho người khác để tiếp tục canh tác. Hai năm sau đó (đến năm 2018) những người này vẫn canh tác và tiếp tục thu hoạch cây cối trên lô đất này.

Đến tháng 5-2018, con gái bà V. là V.T.N. bất ngờ dẫn theo khoảng 40 thanh niên đến chỉ và bán lô đất trên cho họ. Quá bất ngờ trước việc làm này nên các chủ đất phản ứng. Lúc này V.T.N. trưng ra tờ giấy mua bán đất giữa bà V. với một người tên B.V.T. (thường gọi là T. “mũ cối” ngụ phường Long Bình, TP.Biên Hòa) Theo tìm hiểu T. là đối tượng giang hồ cộm cán ở khu vực này. Lúc này mọi người mới tá hỏa, tại sao đất họ đã mua canh tác hơn chục năm lại bị bà V. bán cho đối tượng gianh hồ vào năm 2016? Không dừng lại ở việc mua bán thông thường, T. còn kéo theo hàng chục đối tượng giang hồ vào chiếm giữ đất, không cho những người dân lâu nay canh tác tiếp cận mảnh đất của mình.

* Đừng đề người dân đối đầu với “giang hồ”

Trước hành động này, những người bị chiếm đất đã làm đơn gửi đến cầu cứu các cơ quan chức năng. Theo bà Trịnh Thị H., bà V. trước đây có rất nhiều đất ở khu vực này và đã bán cho rất nhiều người từ nhiều năm trước. Tuy nhiên thời gian gần đây khi thấy đất “sốt” lên, con gái bà V. là V.T.N. đã tìm lại những thửa đất mà mẹ mình từng đứng chủ sau đó viết giấy bán cho các đối tượng giang hồ. Chỉ bằng những tờ giấy viết tay là các đối tượng này sẵn sàng kéo theo người vào chiếm đất và bất chấp phản ứng của người dân.

Cây cối tại khu đất của mình bị các đối tượng lạ chặt phá. (ảnh gia đình bà Đ. cung cấp)
Cây cối tại khu đất của mình bị các đối tượng lạ chặt phá. (ảnh gia đình bà Đ. cung cấp)

Bà H. cho biết, mặc dù đã bán đất cho người khác canh tác nhưng khi thấy các đối tượng trắng trợn chiếm đất của người dân nên bà phải có trách nhiệm đứng ra làm sáng tỏ sự việc.

Theo bà H. trong sự việc này nếu có chuyện mua bán giữa bà V. cho những đối tượng khác ngay trên lô đất mà bà canh tác hơn chục năm nay thì không thể chấp nhận được. Nếu có chuyện đó thì đây là hành vi lừa đảo nhằm chiếm đoạt đất của mẹ con bà V.. Trước những hành vi này, bà H. đã làm đơn gửi cơ quan công an vào cuộc điều tra nhằm làm rõ trắng đen sự việc.

Trong đơn gửi cơ quan công an, bà Trịnh Thị H. cho biết, thời gian gần đây, tình trạng các băng nhóm xuất hiện ở khu vực này tìm cớ chiếm đất của người dân diễn ra nhiều. Đối với mẹ con bà V., hàng ngày V.T.N. thường đi dạo quanh khu vực này tìm tung tích chủ đất. Thấy người nào yếu thế thì N. tìm cách móc nối với các đối tượng xấu, tạo giấy tờ mua bán giả, nhân chứng giả, rồi kéo băng nhóm đến lấy đất của dân. Thực trạng này đã khiến cho rất nhiều người dân địa phương rất bức xúc.

Theo bà H., để giải quyết triệt để tình trạng này các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc quyết liệt. Phải làm rõ trắng đen qua những tờ giấy mua bán mà các đối tượng dễ dàng tạo ra để tìm cớ tranh chấp với dân.

Là người chứng kiến và đứng ra làm chứng cho nhiều vụ tranh chấp kiểu này bà N. T. Đ. (cán bộ chi hội phụ nữ KP.11A, phường Tân Phong) cho biết, ở khu vực này người dân rất hoang mang trước tình trạng giang hồ tạo cớ để tranh chấp đất với người dân địa phương. Thời gian qua, bà đã nhiều lần ra làm chứng cho người dân trong các vụ tranh chấp.

Theo bà Đ., các đối tượng lạ mặt thường trưng ra một tờ giấy mua bán rồi đến tranh chấp đất với người dân địa phương. Khi được chính quyền mời lên giài quyết, các đối tượng này thường tìm cách né tránh, hoặc cho người làm chứng nhưng không có cơ sở. Trong khi đó, các đối tượng thường dùng chiêu kéo giang hồ đến uy hiếp, đe dọa với mục đích chiếm được đất. Những người dân yếu thế, các đối tượng tìm mọi cách chiếm bằng được đất. Đối với những người dân cương quyết giữ đất, chúng cho người hỏi mua lại với giá rẻ mạt.

Trao đổi về tình trạng các băng nhóm giang hồ xuất hiện trong các vụ tranh chấp đất với người dân, Trung tá Lê Hoàng Anh, Trưởng Công an phường Tân Phong cho biết, sau khi tiếp nhận các vụ việc phản ảnh từ người dân công an địa phương đều vào lập biên bản ghi nhận.

Ông Đào Đức Nam, Phó chủ tịch UBND phường Tân Phong (TP.Biên Hòa) cho biết, khu vực xảy ra các vụ tranh chấp nói trên nằm trong khu đất 74 hécta có nguồn gốc đất quốc phòng. Tuy nhiên, do công tác quản lý lỏng lẻo nên nhiều năm qua người dân vào lấn chiếm, canh tác sau đó mua đi bán lại nhiều lần. Hiện tại khu đất này chưa bàn giao cho địa phương nên trên bản đồ chưa xác định số tờ, số thửa.

Ông Nam cũng thừa nhận, thời gian vừa qua có xuất hiện các băng nhóm giang hồ vào tranh chấp với người dân. Tuy nhiên việc xuất hiện của những băng nhóm này cũng xuất phát từ việc người dân kêu gọi vào để giải quyết tranh chấp và ăn chia với nhau.

Đối với các vụ tranh chấp, khi nắm được thông tin chính quyền đều cử các lực lượng: công an, trật tự vào kiểm tra, xử lý, lập biên bản sự việc. Tuy nhiên, theo ông Nam chính quyền địa phương chỉ có chức năng hòa giải. Nếu hòa giải không thành thì mới đề nghị người dân gửi đơn đến tòa án để giải quyết.

Thời gian qua, UBND phường Tân Phong đã lập biên bản xử lý hàng chục vụ việc. Đối với những vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự như: chặt cây, phá hoại bờ rào…chính quyền địa phương hướng dẫn người dân trình báo cơ quan công an vào cuộc xử lý theo hướng hủy hoại tài sản. Ngoài ra, những vụ việc có tính chất băng nhóm, hoạt động theo kiểu xã hội đen thì phường báo cáo UBND TP.Biên Hòa để chỉ đạo Công an TP.Biên Hòa sớm điều tra làm rõ.

Nhóm PV

Kỳ 4: Cơ quan chức năng đã vào cuộc

Tin xem nhiều