Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyển hóa thành công nhiều địa bàn phức tạp

10:04, 21/04/2019

Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã có 9/17 xã, phường là địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự an toàn xã hội (TTATXH) được chuyển hóa thành công. Qua đó góp phần kéo giảm và kiềm chế đáng kể các vụ phạm pháp hình sự tại các địa bàn được lựa chọn chuyển hóa.

Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã có 9/17 xã, phường là địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự an toàn xã hội (TTATXH) được chuyển hóa thành công. Qua đó góp phần kéo giảm và kiềm chế đáng kể các vụ phạm pháp hình sự tại các địa bàn được lựa chọn chuyển hóa.

Các đội nghiệp vụ Công an huyện Xuân Lộc phối hợp cùng công an địa phương vận động chức sắc tôn giáo xã Xuân Hưng tham gia vào công tác chuyển hóa địa bàn
Các đội nghiệp vụ Công an huyện Xuân Lộc phối hợp cùng công an địa phương vận động chức sắc tôn giáo xã Xuân Hưng tham gia vào công tác chuyển hóa địa bàn

9 xã trọng điểm phức tạp về TTATXH được chuyển hóa thành công trong năm 2018  là: Suối Tre, Xuân Tân (TX.Long Khánh); Xuân Hưng (huyện Xuân Lộc); Suối Nho, Phú Túc (huyện Định Quán); Xuân Quế (huyện Cẩm Mỹ); Trà Cổ, Phú Lâm (huyện Tân Phú).

* Tăng cường lực lượng về cơ sở

Đại tá Nguyễn Văn Kim, Phó giám đốc Công an tỉnh, Phó trưởng ban Chỉ đạo thực hiện đề án Chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về TTATXH của tỉnh cho biết, việc xác định địa bàn trọng điểm, phức tạp về TTATXH dựa trên một số tiêu chí sau: số lượng vụ phạm pháp hình sự, ma túy, kinh tế, môi trường; đang có tranh chấp, khiếu kiện phức tạp; tập trung nhiều cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự; có chợ, bến tàu, bến xe, bến cảng, khu công nghiệp...

Đại tá Nguyễn Văn Kim, Phó giám đốc Công an tỉnh nhấn mạnh, công an các huyện phải bố trí công an chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã; phải lựa chọn những người có phẩm chất đạo đức, năng lực, làm tốt công tác nghiệp vụ để đảm nhiệm các chức danh công an xã; đồng thời các địa phương phải chủ động xây dựng kế hoạch đấu tranh, triệt xóa các băng nhóm tội phạm, tệ nạn xã hội trên các địa bàn phức tạp, góp phần kéo giảm tội phạm, lập lại an ninh trật tự trên địa bàn.

“Cán bộ, chiến sĩ được tăng cường cho các địa bàn trọng điểm có nhiệm vụ cùng ăn, cùng ở, cùng làm với địa phương, trực tiếp giúp địa bàn cơ sở rà soát, tham mưu giải quyết khó khăn, vướng mắc và cùng tham gia công tác phòng, chống tội phạm tại địa phương” - Đại tá Nguyễn Văn Kim nói.

Trong số các địa phương làm tốt công tác chuyển hóa các xã trọng điểm, phức tạp về TTATXH phải kể đến huyện Xuân Lộc. Cụ thể, tại xã miền núi Xuân Hưng (huyện Xuân Lộc) có gần 30 ngàn nhân khẩu. Toàn xã có trên 30 cơ sở kinh doanh gạch và trang trại chăn nuôi đã thu hút hơn 2 ngàn lao động ngoại tỉnh đến sinh sống. Ngoài ra còn hơn 300 đối tượng chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương chưa được xóa án tích. Trên địa bàn xảy ra nhiều vụ phạm pháp hình sự: trộm cắp, cướp tài sản, mua bán trái phép chất ma túy, đánh bạc...

 Trước tình hình đó, Thượng tá Cao Xuân Hoa, Phó trưởng Công an huyện cho biết, huyện đã cử lực lượng xuống xã Xuân Hưng trực tiếp tham gia công tác phòng chống tội phạm tại địa phương như: tích cực tuần tra, kiểm soát cả ngày lẫn đêm trên địa bàn xã, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật; làm tốt công tác cảm hóa giáo dục, gọi hỏi răn đe các đối tượng cộm cán. Đặc biệt, lực lượng công an đã huy động được cả hệ thống chính trị ở cơ sở, chức sắc trong tôn giáo của địa phương cùng tuyên truyền vận động người dân tham gia phòng chống tội phạm nên chỉ sau một thời gian ra quân, tình hình an ninh trật tự ở xã Xuân Hưng đã ổn định, các vụ phạm pháp hình sự kéo giảm đáng kể.

* Giao trách nhiệm cho các địa phương

Hiện nay, toàn tỉnh còn có 8/17 địa bàn trọng điểm về TTATXH chưa được chuyển hóa thành công, trong đó có 6 phường, xã được xác định là địa bàn trọng điểm, phức tạp nhất như: phường Long Bình, Trảng Dài (TP.Biên Hòa), xã An Phước (huyện Long Thành), xã Hiệp Phước (huyện Nhơn Trạch), xã Bắc Sơn (huyện Trảng Bom) và xã Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu). Theo Công an tỉnh đánh giá, nguyên nhân là do cấp ủy, chính quyền một số địa phương lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tội phạm chưa quyết liệt. Công tác phối kết hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể với lực lượng công an trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm chưa chặt chẽ và thường xuyên.

Theo đại diện một số địa phương nói trên, do địa bàn có dân nhập cư, tạm trú rất đông như phường Long Bình, Trảng Dài (có hơn 50% dân số là tạm trú), tiếp giáp với các khu công nghiệp tập trung, các ngành nghề kinh doanh dịch vụ phát triển mạnh. Tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh, công tác quản lý nhà nước về TTATXH có lúc chưa theo kịp. Do vậy, công tác nắm tình hình, giải quyết ở cơ sở chưa tốt, chưa đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ đảm bảo tình hình an ninh trật tự ở địa bàn cơ sở.

Đại tá Nguyễn Văn Kim cho biết, năm 2019 Công an tỉnh giao nhiệm vụ chuyển hóa địa bàn trọng điểm phức tạp về TTATXH về cho địa phương tự sắp xếp, bố trí nhân lực thực hiện. Trưởng công an cấp huyện chịu trách nhiệm trước Ban giám đốc Công an tỉnh nếu địa bàn không được chuyển hóa. Công an tỉnh sẽ kiểm tra, giám sát công tác chuyển hóa địa bàn tại các địa phương.

Hoàng Bách

Tin xem nhiều