Báo Đồng Nai điện tử
En

Nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm sát điều tra

10:08, 19/08/2019

Từ đầu năm 2019 đến nay, hoạt động kiểm sát điều tra các vụ án hình sự của Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) hai cấp ở Đồng Nai đã góp phần quan trọng vào việc giữ gìn an ninh trật tự, đảm bảo việc thực thi pháp luật theo đúng quy định.

Từ đầu năm 2019 đến nay, hoạt động kiểm sát điều tra các vụ án hình sự của Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) hai cấp ở Đồng Nai đã góp phần quan trọng vào việc giữ gìn an ninh trật tự, đảm bảo việc thực thi pháp luật theo đúng quy định.

Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh (bìa phải) giám sát thực nghiệm điều tra một vụ án hình sự tại huyện Thống Nhất. Ảnh: T.Tâm
Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh (bìa phải) giám sát thực nghiệm điều tra một vụ án hình sự tại huyện Thống Nhất. Ảnh: T.Tâm

Hằng năm đã có hàng ngàn vụ án hình sự được VKSND các cấp thực hiện việc kiểm sát, điều tra để đảm bảo hoạt động điều tra theo đúng quy định, tránh bỏ lọt tội phạm và không làm oan người vô tội.

* Đảm bảo hoạt động điều tra đúng pháp luật

Ông Phan Văn Hậu, Chánh Văn phòng VKSND tỉnh cho biết, hoạt động kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố các vụ án hình sự được ngành kiểm sát đặc biệt quan tâm. Qua hoạt động kiểm sát này, VKSND các cấp đã ban hành rất nhiều yêu cầu, kiến nghị đến cơ quan điều tra đề nghị giải quyết vụ việc theo đúng quy định của pháp luật.

Thực hiện vai trò, chức năng của mình, từ đầu năm 2019 đến nay, VKSND hai cấp cũng đã ban hành hơn 1,3 ngàn yêu cầu điều tra (tăng 206 yêu cầu so với cùng kỳ năm 2018). Qua đó cho thấy vai trò của ngành kiểm sát trong hoạt động điều tra các vụ án nói chung và điều tra án hình sự nói riêng là rất lớn.

Theo báo cáo của VKSND tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2019, VKSND hai cấp huyện và tỉnh đã kiểm sát điều tra giải quyết hơn 1,1 ngàn vụ án với 1,5 ngàn bị can (tăng 224 vụ, 107 bị can so với cùng kỳ năm 2018).

Vào cuối tháng 8-2018, trong quá trình kiểm sát điều tra vụ cướp tài sản (thuốc lá) xảy ra tại địa bàn huyện Trảng Bom, VKSND tỉnh đã yêu cầu Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh làm rõ số lượng thuốc lá mà kẻ chủ mưu trong vụ án (Chu Vũ Hải Đăng, ngụ TP.Biên Hòa) cùng đồng bọn đã cướp được có giá trị là bao nhiêu. Bên cạnh đó, VKSND tỉnh cũng yêu cầu cơ quan điều tra tiến hành hỏi cung bị can nhằm làm rõ ý thức chiếm đoạt tài sản của các bị can liên quan... để giúp các cơ quan tố tụng xác định rõ vai trò, trách nhiệm cụ thể của từng bị can trong vụ án, tránh bỏ lọt tội phạm.

Bên cạnh đó, VKSND hai cấp đã không phê chuẩn nhiều quyết định tố tụng của cơ quan điều tra do không đủ căn cứ. Từ đầu năm 2019 đến nay, VKSND hai cấp đã không phê chuẩn: 27 quyết định gia hạn tạm giữ, 3 lệnh bắt bị can để tạm giam, 2 quyết định khởi tố bị can, 12 trường hợp gia hạn tạm giam, 2 quyết định khởi tố bị can, 4 trường hợp hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án.

* Nâng cao hiệu quả hoạt động

Để nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm sát điều tra các vụ án hình sự, theo kiểm sát viên Võ Ngọc Thạch, cán bộ kiểm sát Phòng 2 VKSND tỉnh, hoạt động kiểm sát phải được thực hiện ngay từ khi tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm.

“Khi tiếp nhận tin báo, vấn đề quan trọng nhất là phải xác minh vụ việc có dấu hiệu hình sự hay không. Để thực hiện các nội dung đó, ngay từ khi được phân công kiểm sát viên phải bám sát hồ sơ, căn cứ pháp luật để kiểm sát. Nếu xác định có dấu hiệu tội phạm thì kiểm sát viên ra yêu cầu khởi tố vụ án để điều tra theo thủ tục tố tụng. Công việc này không chỉ quyết định số phận của một vụ án mà còn là tiền đề để giải quyết vụ án sau đó” -  kiểm sát viên Võ Ngọc Thạch phân tích.

Theo một số kiểm sát viên, trong quá trình điều tra, ngoài việc bám sát hoạt động điều tra, kiểm sát viên còn tham gia đọc, nghiên cứu hồ sơ vụ án, kiểm sát viên phối hợp với điều tra viên lấy lời khai người bị tạm giữ để làm sáng tỏ bản chất của vụ việc.

Phó viện trưởng VKSND huyện Long Thành Đoàn Văn Hùng cho rằng, việc kiểm sát chặt chẽ ngay từ khâu tiếp nhận tin báo, kiểm sát điều tra là để đảm bảo việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can có căn cứ và đúng pháp luật. Qua đó giúp kiểm sát viên nắm bắt được diễn biến tâm lý của đối tượng phạm tội, xác định đối tượng phạm tội có khai báo thành khẩn, trung thực hay có sự gian dối. Đây cũng là tiền đề để giúp cho việc thực hành quyền công tố trong kiểm sát xét xử tại tòa được thuận lợi; đồng thời cũng giúp kiểm sát viên chủ động trong xét hỏi, tranh luận tại tòa.

Trần Danh

Tin xem nhiều