Báo Đồng Nai điện tử
En

Hành vi xâm phạm mồ mả bị xử lý ra sao?

10:03, 23/03/2020

Vì nhu cầu đất ở và lối đi lại, một số người ngang nhiên lấn chiếm đất nghĩa trang hoặc khu vực mồ mả của người khác. Hành vi này là xâm phạm mồ mả trái pháp luật, bị nghiêm cấm và chế tài.

Vì nhu cầu đất ở và lối đi lại, một số người ngang nhiên lấn chiếm đất nghĩa trang hoặc khu vực mồ mả của người khác. Hành vi này là xâm phạm mồ mả trái pháp luật, bị nghiêm cấm và chế tài.

Người dân nhờ các luật sư, luật gia tư vấn các vấn đề liên quan đến hành vi xâm phạm mồ mả tại buổi tư vấn pháp luật lưu động do Hội Luật gia tỉnh tổ chức tại xã Phú Thạnh (H.Nhơn Trạch). Ảnh: Đ.Phú
Người dân nhờ các luật sư, luật gia tư vấn các vấn đề liên quan đến hành vi xâm phạm mồ mả tại buổi tư vấn pháp luật lưu động do Hội Luật gia tỉnh tổ chức tại xã Phú Thạnh (H.Nhơn Trạch). Ảnh: Đ.Phú

Luật sư Ngô Văn Định, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Hội Luật gia tỉnh cho hay, hành vi xâm phạm mồ mả là hành vi xâm phạm đến nơi an nghỉ cuối cùng của người chết. Tùy theo tính chất, mức độ mà người vi phạm bị xử lý hành chính hay hình sự và bồi thường thiệt hại.

* Xâm phạm mồ mả trái phép

Trong thời gian qua, tại P.Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa), thường xảy ra tình trạng lấn, chiếm đất nghĩa trang hoặc tận dụng không gian các ngôi mộ để xây dựng các công trình phụ như: sân, bếp, tường rào... Một số người dân ở KP.Nhị Hòa, P.Hiệp Hòa phản ảnh, trước đây khu vực đất nghĩa trang của đình T.G. (thuộc KP.Nhị Hòa) rất rộng. Hiện nay, khu vực đất ở nghĩa trang này đã bị thu hẹp do một số người đến chiếm dụng để làm nhà ở, lối đi.

Trớ trêu hơn, vì muốn bán mảnh đất hương hỏa ông bà để lại, có người tự ý di dời các ngôi mộ trên đất nhưng không hỏi ý kiến người thân trong gia đình dẫn đến mâu thuẫn. Cụ thể như trường hợp của bà N.T.H. (ngụ xã Phú Thạnh, H.Nhơn Trạch). Trước khi chết, cha mẹ bà chia cho bà và em trai mỗi người một phần đất ở với diện tích trên 400m2. Trên phần đất của em trai bà có 4 ngôi mộ của tổ tiên. Do muốn bán phần đất này, em trai của bà có ý định dời 4 ngôi mộ này đi nơi khác theo yêu cầu của người mua đất mà không có sự bàn bạc với bà nên bà ngăn cản không cho di dời mộ đi nơi khác.

Liên quan đến vấn đề nói trên, luật sư Ngô Văn Định cho hay, việc lấn đất của người chết, tự ý di dời mồ mả người khác mà không được thân nhân hoặc những người có liên quan của người chết đồng ý, cho phép như 2 vụ việc nêu trên là sai trái, vi phạm pháp luật. Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà người có hành vi xâm phạm mồ mả bị xử phạt hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự. Đồng thời, người vi phạm còn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi sai trái của mình gây ra.

* Có thể bị xử lý hình sự

Theo luật sư Định, pháp luật cũng quy định rõ hành vi xâm phạm mồ mả trái pháp luật. Cụ thể là hành vi di chuyển vị trí chôn cất xác, hài cốt, tro hài cốt của cá nhân trái với ý chí của những người thân thích của những người chết (trừ trường hợp phải di dời mồ mả theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền); thay đổi tấm bia ghi tên người chết có xác, hài cốt, tro hài cốt dưới mộ gây ra sự nhầm lẫn với người thân thích của người chết đó; san phẳng mồ mả của người chết, làm mất dấu tích của ngôi mộ, khiến không thể phát hiện được vị trí của ngôi mộ.

Luật sư Nguyễn Đức (Hội Luật gia tỉnh) cho biết: “Ngoài bồi thường về vật chất do hành vi xâm phạm mồ mả trái pháp luật, người vi phạm còn phải bồi thường về tổn thất tinh thần. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa đối với mỗi mồ mả bị xâm phạm không quá 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định”.

Điều 319, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, người có hành vi xâm phạm mồ mả của người khác sẽ bị xử lý như sau: đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 2-7 năm: gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội; chiếm đoạt hoặc hủy hoại vật có giá trị lịch sử, văn hóa; vì động cơ đê hèn; chiếm đoạt bộ phận thi thể, hài cốt.

Nói về trách nhiệm của người xâm phạm mồ mả trái pháp luật, luật sư Nguyễn Đức (Hội Luật gia tỉnh) cho biết, ngoài bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, người có hành vi xâm phạm mồ mả trái pháp luật phải có trách nhiệm bồi thường về vật chất gồm: chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại (Điều 607, Bộ luật Dân sự năm 2015). Những loại thiệt hại này có thể tính toán thành một số tiền nhất định. Thiệt hại do mồ mả bị xâm phạm gồm những khoản như: chi phí mua vật liệu xây dựng; chi phí thuê nhân công xây dựng, sửa chữa lại những hư hỏng, thiệt hại mà người gây thiệt hại đã gây ra…

Ngoài ra, theo luật sư Nguyễn Đức, người xâm phạm mồ mả trái pháp luật còn phải bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích của người có mồ mả bị xâm phạm. Vì hành vi xâm phạm mồ mả còn xâm phạm đến quyền nhân thân của chính người có mồ mả đó; đồng thời cũng gây ra những tổn thất về tinh thần cho những người thân thích của cá nhân có mồ mả bị xâm phạm.

          Đoàn Phú

Tin xem nhiều