Báo Đồng Nai điện tử
En

Tăng cường đấu tranh với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản

09:07, 05/07/2020

Trước diễn biến ngày càng phức tạp của các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 21/CT-TTg (gọi tắt là Chỉ thị số 21), ngày 25-5-2020 về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trước diễn biến ngày càng phức tạp của các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 21/CT-TTg (gọi tắt là Chỉ thị số 21), ngày 25-5-2020 về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Lực lượng chức năng H.Long Thành cưỡng chế các công trình xây dựng trái phép trên dự án “ảo” của Công ty CP địa ốc Alibaba tại xã Long Phước (H.Long Thành) năm 2019. Ảnh: CTV
Lực lượng chức năng H.Long Thành cưỡng chế các công trình xây dựng trái phép trên dự án “ảo” của Công ty CP địa ốc Alibaba tại xã Long Phước (H.Long Thành) năm 2019. Ảnh: CTV

Việc Thủ tướng ban hành một chỉ thị riêng về việc phòng ngừa và xử lý hoạt động của tội phạm lừa đảo cho thấy tính chất của loại tội phạm này đã và đang diễn biến rất phức tạp, tác động không nhỏ đến đời sống xã hội, các cơ quan chức năng cần phải có giải pháp để ngăn chặn, xử lý.

* Tội phạm lừa đảo diễn biến phức tạp

Chỉ thị số 21 xác định, thời gian vừa qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã xảy ra tại nhiều địa phương, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự (ANTT) và các hoạt động sản xuất, kinh doanh khác của người dân.

Một trong những vấn đề mà Chỉ thị 21 đặc biệt lưu ý đó là xuất hiện các hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên một số lĩnh vực đời sống xã hội như: tài chính, ngân hàng, bất động sản, dự án đầu tư, môi giới việc làm, đưa người đi xuất khẩu lao động, học tập, hoạt động kinh doanh đa cấp… để chiếm đoạt tiền của các bị hại.

Theo thống kê từ các cơ quan chức năng cho thấy, các đối tượng tội phạm đã lợi dụng vào sự phát triển của công nghệ viễn thông, sự bùng nổ của các trang mạng xã hội như: Zalo, Facebook, Viber… để kết nối, lôi kéo và dẫn dụ người dân “sập bẫy”. Theo đó, các đối tượng sử dụng công nghệ giả danh cán bộ của các cơ quan thực thi pháp luật như: công an, tòa án, viện kiểm sát, hải quan, bưu chính viễn thông… để dàn cảnh lừa đảo.

Với loại tội phạm này, thời gian vừa qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra rất nhiều vụ việc khiến nhiều người dân mất hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng. Đặc biệt, tại TP.Biên Hòa, thời gian vừa qua, lực lượng công an đã tiếp nhận rất nhiều đơn tố giác về các hành vi lừa đảo tượng tự.

Đại úy Lê Hoàng Long, Phó đội trưởng, phụ trách Đội Cảnh sát hình sự Công an TP.Biên Hòa cho biết, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Công an TP.Biên Hòa, các đội nghiệp vụ và công an các địa phương đã tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm từ người dân. Đồng thời, qua đó lực lượng công an tổ chức tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức tránh “sập bẫy”. Tuy nhiên, thực tế vẫn có rất nhiều người dân dính “bẫy” của kẻ gian.

Đại úy Lê Hoàng Long cho biết, một số phương thức thủ đoạn chủ yếu mà người dân thường bị kẻ xấu lợi dụng để lừa đảo như: giả danh cán bộ nhà nước để “hù dọa”; lừa tặng quà từ người nước ngoài; lừa đảo thông qua việc trao đổi mua bán hàng online trên các trang mạng xã hội. Bên cạnh đó có tình trạng đánh cắp thông tin cá nhân từ các giao dịch ngân hàng, hack tài khoản mạng xã hội để lừa đảo, thông báo trúng thưởng…

“Qua thực tế điều tra cho thấy, các đối tượng lợi dụng công nghệ lừa đảo có trình độ, am hiểu về công nghệ thông tin. Từ đó, các đối tượng tìm cách đánh cắp, thâm nhập vào tài khoản cá nhân để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” - đại úy Long cho biết.

* Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao cảnh giác

Trong Chỉ thị số 21 có nêu nguyên nhân dẫn đến tình trạng tội phạm lừa đảo diễn biến phức tạp như hiện nay, một phần là do công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật chưa được thực hiện một cách sâu rộng trong đời sống người dân. Không ít người dân chưa được tiếp cận kịp thời, đầy đủ, chính xác các thông tin, nhất là thông tin về công tác quy hoạch, chế độ, chính sách an sinh xã hội, đầu tư, sản xuất, kinh doanh… Các quy định của pháp luật về một số lĩnh vực chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với thực tiễn… Trong khi đó, một bộ phận người dân có trình độ, nhận thức pháp luật còn hạn chế, mất cảnh giác để tội phạm lợi dụng hoạt động.

Lực lượng chức năng H.Long Thành cưỡng chế các công trình xây dựng trái phép trên dự án “ảo” của Công ty CP địa ốc Alibaba tại xã Long Phước (H.Long Thành) năm 2019. Ảnh: CTV
Lực lượng chức năng H.Long Thành cưỡng chế các công trình xây dựng trái phép trên dự án “ảo” của Công ty CP địa ốc Alibaba tại xã Long Phước (H.Long Thành) năm 2019. Ảnh: CTV

Theo Công an tỉnh, trước diễn biến phức tạp của tội phạm lừa đảo, nhất là lừa đảo thông qua mạng công nghệ, lực lượng công an đã bố trí tiếp nhận để kịp thời giải quyết tin báo. Tuy nhiên, công tác điều tra, xử lý gặp nhiều khó khăn, nhất là việc chứng minh hành vi phạm tội của đối tượng trên không gian mạng. Bên cạnh đó, công tác cung cấp, trao đổi thông tin giữa cơ quan công an và các đơn vị, sở, ngành liên quan chưa thực sự được chú trọng. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác điều tra, xử lý các vụ việc liên quan.

Để có giải pháp tốt nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các vụ án lừa đảo, trong Chỉ thị số 21, Thủ tướng Chỉnh phủ yêu cầu các bộ, ngành, chính quyền các địa phương thực hiện các giải pháp đấu tranh, phòng ngừa để ngăn chặn tội phạm này. Trong đó ngoài sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các địa phương phải tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, thông tin rộng khắp cho mọi người dân.

Để làm tốt các yêu cầu này, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cũng đã xác định nhiệm vụ trong công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm thời gian tới là phải tập trung cụ thể hóa và triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 21 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bên cạnh đó, lực lượng Công an tỉnh phải triển khai các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động của tội phạm, trong đó có tội phạm lừa đảo, tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Theo thống kê của Công an tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2020, án xâm phạm sở hữu tài sản xảy ra 442 vụ, chiếm trên 67% số vụ án hình sự trên toàn tỉnh. Trong số đó, án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra 28 vụ (tăng 2 vụ so với cùng kỳ năm 2019). Riêng về hành vi sử dụng mạng công nghệ để lừa đảo, trong năm 2019, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh đã tiếp nhận, thụ lý hơn 20 vụ (số tiền từ 500 triệu đồng trở lên/vụ).

Trần Danh

Lực lượng chức năng H.Long Thành cưỡng chế các công trình xây dựng trái phép trên dự án “ảo” của Công ty CP địa ốc Alibaba tại xã Long Phước (H.Long Thành) năm 2019. Ảnh: CTV

Tin xem nhiều