Báo Đồng Nai điện tử
En

Hậu quả của hành vi chia sẻ clip đánh ghen

09:09, 22/09/2020

Thời gian qua, mạng xã hội (MXH) lan truyền nhiều clip đánh ghen xôn xao cộng đồng mạng. Việc chia sẻ các clip này là chủ ý của những người trong cuộc nhằm bôi xấu người bị đánh ghen, người có liên quan hoặc của những người hiếu kỳ nhằm mục đích "câu like"...

Thời gian qua, mạng xã hội (MXH) lan truyền nhiều clip đánh ghen xôn xao cộng đồng mạng. Việc chia sẻ các clip này là chủ ý của những người trong cuộc nhằm bôi xấu người bị đánh ghen, người có liên quan hoặc của những người hiếu kỳ nhằm mục đích “câu like”...

Nhiều clip đánh ghen được phát tán, lan truyền trên mạng xã hội. Ảnh cắt từ clip
Nhiều clip đánh ghen được phát tán, lan truyền trên mạng xã hội. Ảnh cắt từ clip

Tuy nhiên, hậu quả của việc này rất khôn lường, không chỉ đối với người bị đánh ghen, người đánh ghen mà cả người chia sẻ clip chỉ vì mục đích “câu like”.

* Đánh ghen... thời công nghệ

Gần đây, MXH liên tiếp xuất hiện nhiều clip đánh ghen được nhiều người xem và “nhiệt tình” chia sẻ. Gần nhất là clip quay lại vụ đánh ghen tại một quán cà phê trên địa bàn xã Cẩm Lĩnh (H.Ba Vì, TP.Hà Nội) vào tối 16-9. Clip này quay cảnh một cô gái bị 4 phụ nữ tấn công bằng tay, dép, mũ bảo hiểm... Trong khi đánh cô gái, 4 người phụ nữ liên tục buông lời chửi bới, nhục mạ; thậm chí họ còn lột quần áo cô gái ngay tại quán cà phê.

Trước đó 1 ngày, trên MXH cũng xuất hiện clip đánh ghen trên đường Lý Nam Đế (P.Cửa Đông, Q.Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội). Clip quay lại cảnh một phụ nữ chặn xe Lexus LX 570, giật cửa xe, lôi một cô gái trẻ ngồi trên xe xuống đường, chửi bới, giật tóc. Sau đó, người đàn ông (chồng người phụ nữ này) đã ra tay đánh vợ để giải thoát cho cô gái trẻ.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh) cho hay, việc tung clip đánh ghen lên MXH với bất kỳ mục đích nào đều bị pháp luật nghiêm cấm. Mà đã bị nghiêm cấm thì sẽ bị chế tài xử lý hành chính hoặc hình sự tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm.

Luật sư Ngô Văn Định cho rằng, hành vi lan truyền các clip đánh ghen trên MXH là hành vi kích động bạo lực, đồi trụy (có hình ảnh sex), xúc phạm nhân phẩm, danh dự người khác, cố ý gây thương thích, làm nhục người khác, gây rối trật tự nơi công cộng...

* Khó tránh khỏi hậu quả pháp lý

Về vấn đề này, luật sư Cao Sơn Hà (Đoàn Luật sư tỉnh) cũng cho rằng, hành vi đánh ghen, lan truyền, phát tán các clip đánh ghen trên MXH là hành vi gây ảnh hưởng xấu đến công tác quản lý nhà nước về trật tự xã hội, đến các giá trị tốt đẹp của dân tộc, tới nhân phẩm của người khác, kích động bạo lực... Chính vì vậy, tùy mức độ vi phạm, pháp luật đã có các chế tài xử lý bằng việc xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nhiều clip đánh ghen được phát tán, lan truyền trên mạng xã hội. Ảnh cắt từ clip
Nhiều clip đánh ghen được phát tán, lan truyền trên mạng xã hội. Ảnh cắt từ clip

Cụ thể, Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và  chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình quy định, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100-300 ngàn đồng đối với một trong những hành vi: có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác; gây mất trật tự  ở khu dân cư, trên đường phố. Phạt tiền từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng đối với một trong những hành vi: đánh nhau hoặc xúi giục người khác đánh nhau; tụ tập nhiều người ở nơi công cộng gây mất trật tự công cộng.

Đặc biệt, tại Điều 101, Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3-2-2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin, giao dịch điện tử quy định, phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng MXH để thực hiện một trong các hành vi sau: cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc; cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc; cung cấp, chia sẻ đường dẫn đến thông tin trên mạng có nội dung bị cấm...

“Riêng Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) có khung hình phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 14 năm nếu hành vi đánh ghen, phát tán clip ghen tuông cấu thành tội: cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134); hành hạ người khác (Điều 140); làm nhục người khác (Điều 155); vu khống (Điều 156); bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật (Điều 157)” - luật sư Hà phân tích.

Tuy nhiên, hành vi phát tán clip đánh ghen không chỉ dẫn đến những hậu quả pháp lý như đã nêu trên mà còn gây ra hậu quả rất lớn đến uy tín, danh dự của người bị đánh ghen và cả người đánh ghen cùng gia đình, con của họ. Vì các hình ảnh lan truyền trên MXH sẽ khó có thể xóa bỏ trong ngày một ngày hai và những hình ảnh đó càng khiến nhiều người thêm tò mò, tìm hiểu sâu vào đời tư của các nhân vật liên quan, trong đó có con của họ.

Luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh) cho biết, cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh. Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định trên thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu tòa án ra quyết định buộc người vi phạm thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều