Báo Đồng Nai điện tử
En

Trong 'cuộc chiến' chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

10:10, 20/10/2020

Hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái đang trở thành vấn nạn của xã hội. Thực tế này đã và đang làm sói mòn lòng tin, đe dọa sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng; làm giảm sút uy tín, thiệt hại về kinh tế cho những nhà sản xuất chân chính; gây bất an xã hội...

[links()]Hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái đang trở thành vấn nạn của xã hội. Thực tế này đã và đang làm xói mòn lòng tin, đe dọa sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng; làm giảm sút uy tín, thiệt hại về kinh tế cho những nhà sản xuất chân chính; gây bất an xã hội...

Rượu ngoại giả, rượu nhập lậu tại một cửa hàng bán rượu ngoại bị cơ quan chức năng phát hiện và xử lý
Rượu ngoại giả, rượu nhập lậu tại một cửa hàng bán rượu ngoại bị cơ quan chức năng phát hiện và xử lý

Một thực tế, các hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ (SHTT) hiện nay mới dừng lại ở biện pháp xử lý hành chính là chủ yếu. Công tác quản lý, ngăn chặn còn nhiều bất cập; chế tài chưa đủ sức răn đe... dẫn đến tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, vi phạm quyền SHTT ở nước ta vẫn diễn ra phổ biến và hết sức phức tạp.

Bài 1: Nhức nhối hàng gian, hàng giả

Theo quy định, các sản phẩm bắt buộc phải có nhãn mác ghi đầy đủ thông tin tên hàng hóa, cơ sở sản xuất, xuất xứ sản phẩm, định lượng, hạn sử dụng và các thông số kỹ thuật khác…Tuy nhiên, trên thị trường vẫn tràn lan sản phẩm với nhãn mác, xuất xứ lập lờ khiến người tiêu dùng không khỏi hoang mang khi lựa chọn sản phẩm.

* Hàng một nơi, mác một nẻo...

Muốn sắm thiết bị nhà bếp cho ngôi nhà mới xây của mình, chị Nguyễn Thị Lê (P.Phước Tân, TP. Biên Hòa) đã không ngại bỏ ra 20 triệu đồng để mua một chiếc bếp hồng ngoại nhãn hiệu Giovani, được quảng cáo là hàng Ý nhập “nguyên con” với mặt kính cường lực, có chức năng hẹn giờ, nướng thịt trực tiếp, cảnh báo khi mặt bếp nóng… tại một của hàng đồ gia dụng M.T trên đường Phạm Văn Thuận (TP.Biên Hòa).

Thế nhưng lần khác đến một trung tâm thương mại ở TP.Hồ Chí Minh, chị Lê thấy chiếc bếp cùng nhãn hiệu Giovani y chang nhà mình nhưng có giá tới 50 triệu đồng. Hỏi ra mới biết, đây mới là hàng Ý chính hãng. Kiểm tra lại chiếc bếp nhà mình, chị thấy mặt dưới của bếp có tem dán tên hiệu bếp là Faster. Tìm hiểu trên mạng thì biết đây là dòng bếp hồng ngoại được sản xuất từ Trung Quốc theo tiêu chuẩn Châu Âu, giá thực chỉ khoảng 8 triệu đồng, trong khi chị đã phải mua đắt gần gấp 3 lần cho một sản phẩm nhái.

Sản phẩm giày nhái thương hiệu nổi tiếng được lực lượng QLTT kiểm tra, phát hiện ở shop Cương (TP. Biên Hòa)
Sản phẩm giày nhái thương hiệu nổi tiếng được lực lượng QLTT kiểm tra, phát hiện ở shop Cương (TP. Biên Hòa)

Nắm bắt nhu cầu thực tế của người tiêu dùng sính ngoại nên các “đầu nậu” đã tung ra thị trường rất nhiều sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc hoặc hàng thường nhưng gắn nhãn mác những thương hiệu nổi tiếng và được bày bán tràn lan từ trung tâm thương mại đến chợ truyền thống, từ bán online trên mạng xã hội đến vỉa hè...

Anh Trần Thanh Tùng (P.Trảng Dài) chia sẻ, một lần đi làm về thấy mọi người xúm đông tại một shop quần áo đang xả hàng, giảm giá đến 80% áo gió nam thương hiệu Adidas chỉ với giá từ 350 ngàn đồng/chiếc, anh cũng chen vào mua một chiếc. Thế nhưng chỉ cần giặt một nước là vải sẽ rút lại, xuống màu, “phom” áo xộc xệch  ngay.

“Khi mua tôi cũng nghi đây là hàng nhái. Bởi tại các cửa hàng chính hãng, mỗi sản phẩm giày dép, áo quần, balo, mũ có thương hiệu Adidas mà anh yêu thích thường có giá dao động từ 600 ngàn đồng đến khoảng 2-3 triệu đồng..., chứ khó có loại rẻ đến bất ngờ thế này. Chiếc áo này thật ra là hàng nhái tinh vi” - anh Tùng cho hay.

Theo Thông tư số 47/2014/TT-BCT về quản lý website thương mại điện tử, người bán hàng trên MXH cá nhân không phải đăng ký với ngành công thương nhưng phải cung cấp đầy đủ và chính xác thông tin như tên, địa chỉ, số điện thoại của người bán; thông tin về hàng hóa và đảm bảo tính chính xác, trung thực về thông tin của hàng hóa... Song, người bán hàng có thực hiện quy định hay không lại không dễ kiểm soát cũng như không hề có biện pháp chế tài.

Mới đây, lực lượng chức năng cũng đã kiểm tra đột xuất tại cửa hàng M.E. trên đường Phạm Văn Thuận (P.Tam Hiệp) và  phát hiện ở đây bán nhiều mặt hàng giỏ xách, đồng hồ mang các nhãn hiệu nổi tiếng như: Furla, Michael Kors, Coach, Lyn, Charles Keith…với giá hàng hiệu từ vài triệu đến chục triệu đồng nhưng không xuất trình được hóa đơn nguồn gốc, xuất xứ.

Tình trạng hàng trôi nổi gắn nhãn mác ngoại đang rất phổ biến. Trước đây, lực lượng QLTT đã từng phát hiện và xử lý một nhà xưởng nhỏ ở phường Long Bình chuyên sản xuất  áo gió “hàng hiệu” mang tên The North Face – một thương hiệu áo khoác nam của Mỹ. Tại đây, một chiếc áo gió hàng hiệu The North Face đủ tiêu chuẩn xuất xưởng được trang bị đầy đủ các loại tem chính, tem phụ, thậm chí cả tem chống hàng giả có in logo chìm. Tuy nhiên, đại diện hãng The North Face tại Việt Nam nhận định, các nguyên liệu tạo nên chiếc áo tại xưởng sản xuất này đều là hàng giả.

Giày thể thao Nike giả được nhái một cách tinh vi, khó có thể phân biệt được với  hàng thật
Giày thể thao Nike giả được nhái một cách tinh vi, khó có thể phân biệt được với hàng thật

Trước đó, vụ sản xuất giày giả thương hiệu Nike và Adidas tại cơ sở gia công giày thể thao của ông Vũ Hồng Niên, xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom) cũng đã bị lực lượng QLTT cơ động phát hiện đang sản xuất gần 2.000 đôi giày gắn mác Nike và Adidas - 2 thương hiệu nổi tiếng đã được đăng ký bảo hộ độc quyền tại Việt Nam. Nếu lô hàng này tiêu thụ trót lọt, chủ cơ sở sẽ bỏ túi hàng trăm triệu đồng.

* Bát nháo hàng giả “chợ” online

Không chỉ trên thực địa, sự phát triển mạnh mẽ và buông lỏng quản lý của các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội... đã và đang tiếp tay cho hàng gian, hàng giả có đất sống khi  đi “chợ”  online đang là lựa chọn của nhiều người trong thời công nghệ số.

Mua hàng trên “chợ” online tiện dụng nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người tiêu dùng,   bởi thời gian qua, tình trạng buôn bán công khai hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc thông qua hệ thống trực tuyến ngày càng sôi động, thậm chí là bùng nổ với tất cả mọi mặt hàng từ điện máy, thời trang đến các loại đồ dùng sinh hoạt khác.

Trên một trang thương mại điện tử, robot lau nhà được quảng cáo là hàng nhập từ Nhật Bản, nhưng thực chất chỉ là hàng giả, nhập về từ Trung Quốc
Trên một trang thương mại điện tử, robot lau nhà được quảng cáo là hàng nhập từ Nhật Bản, nhưng thực chất chỉ là hàng giả, nhập về từ Trung Quốc

Anh Đặng Văn Thành (P. Trung Dũng) cũng từng bị “lừa” khi mua một con robot lau nhà tự động trên sàn thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam là Lazada. Hình ảnh được quảng cáo trên “chợ” online này, con robot đĩa lau nhà tự động chạy băng băng và được giới thiệu là hàng Nhật chính hãng, giá 1,2 triệu đồng. Thấy hay, anh Thành đặt hàng, nhưng khi nhận hàng lại được là con robot của Trung Quốc chạy chậm như rùa và chẳng hề lau được nhà mà như một thứ đồ chơi trẻ con. Liên hệ với bộ phận tiếp nhận phản ánh, anh Thành được hứa hẹn giải quyết, nhưng cả năm nay trang này vẫn im hơi lặng tiếng, sau nhiều lần gọi điện hối thúc, anh Thành đành bỏ cuộc, chịu mất tiền.

Ông Huỳnh Kim Hóa, Trưởng phòng nghiệp vụ tổng hợp (Cục QLTT Đồng Nai), bày tỏ lo ngại, thương mại điện tử đang phát triển theo xu hướng tích cực nhưng cũng tiềm ẩn nhiều vấn đề tiêu cực, nguy cơ gây bất ổn cho nền kinh tế khi vấn nạn hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền SHTT ... được công khai mua bán trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo hay các website, các sàn giao dịch thương mại điện tử. Đây cũng là các kênh phân phối nhiều mặt hàng không được nhập khẩu chính ngạch, không có hóa đơn chứng từ, hàng hóa giả mạo các thương hiệu nổi tiếng. Nhiều địa chỉ bán hàng online khai báo thông tin, đăng ký hoạt động kinh doanh không chính xác về nhân thân và địa chỉ, thường xuyên thay đổi địa điểm, không theo trình tự thời gian cụ thể nên gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng.

Theo ông Hóa, cũng qua theo dõi hoạt động kinh doanh hàng giả trên “chợ” online mà thời gian qua lực lượng QLTT đã “đột kích” khám xét nhiều kho chứa, lưu trữ hàng  hóa có dấu hiệu nhập lậu, giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng. Tuy nhiên, trong “cuộc chiến”chống xâm phạm quyền SHTT, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc trên nền tảng kinh doanh trực tuyến là do hệ thống pháp luật về thương mại điện tử vẫn chưa hoàn thiện, đây điều này khiến việc quản lý, kiểm soát hoạt động gặp nhiều khó khăn.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm mới đây của Ban Chỉ đạo 389 Bộ Công Thương, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 Bộ Công Thương nhấn mạnh, để “cuộc chiến” chống xâm phạm quyền SHTT, ngăn chặn hàng gian, hàng giả trên nền tảng trực tuyến, ngành chức năng cần phải đẩy mạnh các biện pháp chống hàng giả thông qua các biện pháp kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, sàn giao dịch  điện tử, mạng xã hội... Bên cạnh đó, chủ động nắm vững diễn biến tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo lĩnh vực, địa bàn phụ trách để kịp thời phát hiện, nhận diện các vấn đề nổi cộm, các lĩnh vực, mặt hàng vi phạm mới nổi để kịp thời đấu tranh ngăn chặn, xử lý.

Tuy nhiên, “cuộc chiến” chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc trên thực  địa vốn đã khó khăn, mà trên sàn thương mại điện tử còn khó khăn hơn nữa. Bởi rất khó để “nắm” được những chủ kinh doanh ảo hoạt động trên mạng  ảo.

Ông Phạm Gia Hải, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Đồng Nai cho biết: “Mỗi năm, Hội nhận được khá nhiều phản ánh, khiếu nại của người dân về gian lận chất lượng hàng hóa cả khi mua từ cửa hàng thực địa lẫn trên “chợ” online. Tuy nhiên, những trường hợp được giải quyết thỏa đáng rất ít, chỉ chiếm vài % và cũng chỉ đối với những hàng hóa mua tại cơ sở có cửa hàng thực tế  trên địa bàn. Còn trên online thì hầu như không có vụ khiếu nại nào được giải quyết bởi không thể liên hệ với chủ cửa hàng trên mạng online. Trong khi đó, pháp luật cũng chưa có một biện pháp chế tài nào đối với những doanh nghiệp không hợp tác tham gia giải quyết những tranh chấp thương mại của người mua đối với sản phẩm của mình.

Phương Liễu

Xem tiếp bài 2: Hàng giả, hậu quả thật

 

Tin xem nhiều