Báo Đồng Nai điện tử
En

Mọi hành vi xâm hại tình dục trẻ em đều bị cấm và lên án

09:11, 23/11/2020

Lợi dụng sự thiếu hiểu biết, hạn chế trong nhận thức, khả năng phòng vệ của trẻ em, một số đối tượng đã thực hiện các hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ em. Hành vi này không chỉ bị pháp luật xử lý nghiêm mà còn bị dư luận xã hội lên án gay gắt.

Lợi dụng sự thiếu hiểu biết, hạn chế trong nhận thức, khả năng phòng vệ của trẻ em, một số đối tượng đã thực hiện các hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ em. Hành vi này không chỉ bị pháp luật xử lý nghiêm mà còn bị dư luận xã hội lên án gay gắt.

Học sinh cần nắm rõ các thủ đoạn của tội phạm xâm hại tình dục cũng như các quy định pháp luật liên quan đến vấn đề này để biết tự bảo vệ mình. Trong ảnh: Học sinh một trường THPT ở H.Tân Phú tham dự cuộc thi trực tuyến Tìm hiểu pháp luật năm 2020. Ảnh minh họa: Đoàn Phú
Học sinh cần nắm rõ các thủ đoạn của tội phạm xâm hại tình dục cũng như các quy định pháp luật liên quan đến vấn đề này để biết tự bảo vệ mình. Trong ảnh: Học sinh một trường THPT ở H.Tân Phú tham dự cuộc thi trực tuyến Tìm hiểu pháp luật năm 2020. Ảnh minh họa: Đoàn Phú

* Nỗi đau không chỉ của riêng ai

Ngày 19-9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Biên Hòa bắt giữ T.V.U. (53 tuổi, quê tỉnh Sóc Trăng) để điều tra về hành vi dâm ô người dưới 16 tuổi. Được biết, U. sống chung như vợ chồng với bà T. ở nhà trọ tại P.An Bình (TP.Biên Hòa). Cháu K. (sinh năm 2004), con riêng của bà T., cùng ở chung với 2 người.

Từ cuối năm 2019 đến khi bị bắt, lợi dụng những lúc bà T. đi vắng, U. đã nhiều lần sờ vào những vùng nhạy cảm của cháu K. khi cháu đang ngủ khiến cháu sợ hãi nhưng không dám kể với mẹ. Tuy nhiên, thời gian gần đây, U. tiếp tục những hành vi xâm phạm cháu K. khiến cháu không thể chịu đựng và đã kể cho mẹ nghe. Bà T. trình báo sự việc lên Công an phường và hành vi của U. bị phát giác.

Trước đó, ngày 19-5, TAND tỉnh mở phiên tòa xét xử sơ thẩm hình sự và tuyên phạt bị cáo Trần Quốc Thảo (49 tuổi, ngụ xã Thạnh Phú, H.Vĩnh Cửu) 20 năm tù về tội hiếp dâm trẻ em. Theo cáo trạng, Thảo có quen biết với ông H.T. (ngụ xã Thạnh Phú). Vào ngày 20-12-2019, Thảo đến nhà ông T. chơi nhưng chỉ có cháu H. (sinh năm 2012, con ông T.) đang ở nhà. Lúc này, Thảo nảy sinh ý định giao cấu với cháu H., nên bế cháu xuống bếp và giở trò đồi bại. Khi đang thực hiện hành vi thì Thảo bị gia đình cháu H. phát hiện và trình báo công an xử lý.

Luật sư Nguyễn Đức, Hội Luật gia tỉnh cho hay, để có căn cứ xét xử các vụ án xâm hại tình dục như đã nêu ở trên, ngày 1-9-2019, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao ban hành Nghị quyết số 06/2020/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 của Bộ luật Hình sự năm 2015 và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi (gọi tắt là Nghị quyết 06). Theo đó, hành vi xâm hại tình dục đối với người dưới 16 tuổi là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ người dưới 16 tuổi tham gia vào các hành vi liên quan đến tình dục, bao gồm: hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô với người dưới 16 tuổi và sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích mại dâm, khiêu dâm dưới mọi hình thức (ví dụ: hoạt động xâm hại tình dục được thực hiện do đồng thuận với người dưới 13 tuổi); do cưỡng bức, do hứa hẹn các lợi ích vật chất (tiền, tài sản) hay các lợi ích phi vật chất (ví dụ: cho điểm cao, đánh giá tốt, tạo cơ hội tiến bộ...).

Bên cạnh đó, Nghị quyết 06 cũng hướng dẫn về một số tình tiết định tội như sau:  giao cấu là hành vi xâm nhập của bộ phận sinh dục nam vào bộ phận sinh dục nữ, với bất kỳ mức độ xâm nhập nào. Giao cấu với người dưới 10 tuổi được xác định là đã thực hiện không phụ thuộc vào việc đã xâm nhập hay chưa xâm nhập. Dâm ô là hành vi của những người cùng giới tính hoặc khác giới tính tiếp xúc về thể chất trực tiếp hoặc gián tiếp qua lớp quần áo vào bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác trên cơ thể của người dưới 16 tuổi có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục. Các hành vi khác có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục (ví dụ: hôn vào miệng, cổ, tai, gáy... của người dưới 16 tuổi).

* Xử lý nghiêm đối với hành vi xâm hại tình dục trẻ em

Luật sư Nguyễn Đức nhấn mạnh, Bộ luật Hình sự năm 2015 có khung hình phạt khá nghiêm khắc đối với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. Ví dụ: theo Điều 142, tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi bị phạt đến 20 năm, chung thân hoặc tử hình. Điều 144 quy định tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi bị phạt đến 20 năm hoặc tù chung thân. Điều 145, 146, 157 quy định tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi, tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm có khung hình phạt đến 12 năm tù.

Để có cơ sở pháp lý xử lý thuyết phục, đúng người, hành vi, Nghị quyết 06 quy định nguyên tắc xử lý đối với người phạm tội xâm hại tình dục như sau: tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của pháp luật hình sự và tố tụng hình sự. Áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm luân thường, đạo đức; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; lợi dụng nghề nghiệp, công việc; xâm hại người dưới 13 tuổi. Áp dụng các hình phạt bổ sung cao nhất theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 và các đạo luật khác có liên quan. Trong trường hợp cần thiết có thể cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề liên quan đến người dưới 16 tuổi.

Luật sư Nguyễn Đức lưu ý, Nghị quyết 06 hướng dẫn các hành vi khác có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục (ví dụ: hôn vào miệng, cổ, tai, gáy... của người dưới 16 tuổi) được xem là hành vi dâm ô đối với trẻ em và phải chịu chế tài của Bộ luật Hình sự năm 2015. Ngoài ra, Nghị quyết 06 cũng hướng dẫn rõ các trường hợp loại trừ xử lý hình sự để tránh oan sai. 

Cụ thể, không xử lý hình sự theo quy định tại Điều 146, Bộ luật Hình sự năm 2015 nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: người trực tiếp chăm sóc, giáo dục người dưới 10 tuổi, người bệnh, người tàn tật, có hành vi tiếp xúc với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của họ nhưng không có tính chất tình dục (ví dụ: cha, mẹ tắm rửa, vệ sinh cho con dưới 10 tuổi; giáo viên mầm non tắm rửa, vệ sinh cho trẻ mầm non...). Người làm công việc khám, chữa bệnh, chăm sóc y tế; người cấp cứu, sơ cứu người bị nạn có hành vi tiếp xúc với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác của người dưới 16 tuổi nhưng không có tính chất tình dục (ví dụ: bác sĩ khám, chữa bệnh cho bệnh nhân; sơ cứu, cấp cứu người bị tai nạn, người bị đuối nước)...

Tuy nhiên, theo luật sư Nguyễn Đức, điều các bậc phụ huynh, cơ quan bảo vệ chăm sóc trẻ em và xã hội đặt ra là làm sao để ngăn chặn tình trạng xâm hại tình dục trẻ em, hạn chế đến mức thấp nhất hoặc triệt tiêu tình trạng đau lòng này, đó mới là điều mà pháp luật bảo vệ trẻ em, đạo đức xã hội hướng tới.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều