Báo Đồng Nai điện tử
En

Ứng xử có văn hóa khi xảy ra va chạm giao thông

10:11, 24/11/2020

Sau khi xảy ra va chạm giao thông, nhiều người dù chưa phân tích rõ nguyên nhân đúng, sai đã lao vào xô xát, ẩu đả nhau dẫn đến thương tích. Một số sự việc không chỉ dừng lại ở vi phạm hành chính mà còn dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật hình sự như: cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản…

Sau khi xảy ra va chạm giao thông, nhiều người dù chưa phân tích rõ nguyên nhân đúng, sai đã lao vào xô xát, ẩu đả nhau dẫn đến thương tích. Một số sự việc không chỉ dừng lại ở vi phạm hành chính mà còn dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật hình sự như: cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản…

Sau va chạm giao thông, lái xe 16 chỗ đánh nhau với người điều khiển xe máy (ảnh cắt từ clip)
Sau va chạm giao thông, lái xe 16 chỗ đánh nhau với người điều khiển xe máy (ảnh cắt từ clip)

Thời gian qua, hình ảnh về những vụ ẩu đả, đánh người sau khi xảy ra va chạm giao thông lan truyền trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khiến dư luận rất bức xúc.

* Trả giá cho phút nóng giận

Vào ngày 5-7, trên trang mạng xã hội về xe ô tô đăng clip ghi lại hình ảnh xe ô tô 16 chỗ biển số 60V-9013 khi lưu thông trên quốc lộ 1, đoạn qua địa bàn H.Trảng Bom thì va chạm với xe máy biển số 60B8-966.81. Sau khi không giữ được bình tĩnh, tài xế ô tô 16 chỗ đã lao xuống đấm liên tục vào người đàn ông đi xe máy.

Theo camera hành trình ghi lại, 2 chiếc xe này được cho là xảy ra va chạm trước đó. Cả 2 người này ai cũng cho rằng mình không có lỗi nên xảy ra mâu thuẫn. Dù nhiều người dân ở gần đó đứng ra can ngăn, nhưng hai bên vẫn tiếp tục lao vào xô xát, ẩu đả ngay giữa đường. Sự việc xảy ra đúng thời điểm khu vực trên có nhiều phương tiện qua lại gây ách tắc, cản trở xe cộ lưu thông.

Theo thống kê của cơ quan chức năng của Đồng Nai, có đến 95% vụ tai nạn giao thông xảy ra xuất phát từ ý thức chủ quan của người điều khiển phương tiện như: không đi đúng phần đường, làn đường, vi phạm quy tắc tránh vượt, chuyển hướng; lấn trái đường; thiếu chú ý quan sát, không đảm bảo khoảng cách an toàn... Đây là những nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn, người tham gia giao thông cần nhường nhịn khi lưu thông trên đường.

Hiện nay, chưa có thống kê chính thức về số vụ ẩu đả, gây thương tích lẫn nhau chỉ vì va chạm giao thông nhưng việc sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn là không hiếm gặp. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chủ yếu do ý thức của một số người dân về văn hóa tham gia giao thông còn hạn chế. Có những trường hợp từ mâu thuẫn, xô xát dẫn đến đánh nhau bằng hung khí gây hậu quả nghiêm trọng, thậm chí bị xử lý hình sự.

Mới đây, vào ngày 24-9, TAND tỉnh tuyên phạt bị cáo Trịnh Văn Bẩy (46 tuổi, xã Bắc Sơn, H.Trảng Bom) 12 năm tù về tội giết người. Trước đó, vào ngày 11-1, Bẩy trong lúc lái xe trên đường tại ấp Phú Sơn (xã Bắc Sơn) thì xảy ra va chạm với xe do chị N.T.X.T. (ngụ xã Bắc Sơn) điều khiển dẫn đến xô xát.

Sau đó, chị T. gọi điện cho cha là ông Nguyễn Văn Thái kể lại chuyện bị đánh nên ông Thái đến nhà gặp Bẩy, dẫn đến hai bên đánh nhau. Trong lúc xô xát, Bẩy lấy cây sắt càng cua đánh vào đầu ông Thái khiến nạn nhân bị thương tật tỷ lệ 88%. Chỉ vì mâu thuẫn nhỏ trong tham gia giao thông nhưng với bản chất hung hãn, bất chấp pháp luật, coi thường sức khỏe của người khác mà Bẩy phải trả giá đắt khi vướng vào vòng lao lý.

* Cần loại bỏ thói xấu hung hăng

Theo một cán bộ điều tra của Công an TP.Biên Hòa, tính chất của các vụ việc nói trên không quá phức tạp, nhưng một số người lại lựa chọn lối hành xử bạo lực để giải quyết mâu thuẫn ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Nhiều nạn nhân chịu cảnh thương tật vĩnh viễn chỉ vì những mâu thuẫn không đáng có.

Do đó, để hạn chế được các vụ việc này, điều quan trọng nhất là phải tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về hành vi cố ý gây thương tích là hành vi vi phạm pháp luật hành chính, hình sự và phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật dân sự (nếu gây ra những tổn thất cho nạn nhân), thậm chí ở một số trường hợp còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Luật sư Trần Trọng Hiếu (Công ty Luật VNLAW Group, Đoàn Luật sư TP.HCM) phân tích, theo quy định tại Điều 134, Bộ luật Hình sự năm 2015, đối với hành vi cố ý gây thương tích tùy từng tính chất, mức độ, hành vi vi phạm sẽ áp dụng các khung hình phạt khác nhau. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11-30%  bị phạt tù từ 2-5 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau, thì bị phạt tù từ 12-20 năm hoặc tù chung thân: làm chết 2 người trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho 2 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên; gây thương tích vào vùng mặt của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.

Theo luật sư Hiếu, hậu quả sự việc tuy đơn giản nhưng rất nặng nề. Những hành vi thiếu ý thức chấp hành pháp luật, ẩu đả, xung đột khi có va chạm giao thông cần phải được ngăn chặn, loại bỏ để không còn những hình ảnh xấu xí khi tham gia giao thông trên đường. Khi xảy ra va chạm cần bình tĩnh phân tích nguyên nhân vụ việc; nếu một trong hai bên là người sai, hãy nói lời xin lỗi và bỏ qua cho nhau.

“Người dân không may có va chạm giao thông, hãy chọn cho mình cách giải quyết văn minh nhất trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Theo đó, cần bình tĩnh xử lý khi gặp xung đột, mâu thuẫn trong cuộc sống, tránh những vụ ẩu đả khiến cho tình hình giao thông phức tạp và gây mất an ninh trật tự tại địa phương” - luật sự Hiếu nhấn mạnh.

Võ Nguyên

Tin xem nhiều