Báo Đồng Nai điện tử
En

Bảo vệ trẻ em khỏi nạn xâm hại trên môi trường mạng

10:09, 17/09/2021

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra một số vụ việc trẻ em bị bắt nạt, xâm hại trên mạng xã hội (MXH). Đây là thực trạng cần được gia đình, nhà trường và các ngành chức năng quan tâm, nhất là trong thời điểm nhiều học sinh đang dùng máy tính, laptop, điện thoại thông minh để học tập trực tuyến.

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra một số vụ việc trẻ em bị bắt nạt, xâm hại trên mạng xã hội (MXH). Đây là thực trạng cần được gia đình, nhà trường và các ngành chức năng quan tâm, nhất là trong thời điểm nhiều học sinh đang dùng máy tính, laptop, điện thoại thông minh để học tập trực tuyến.

Phụ huynh cần quan tâm hướng dẫn con kỹ năng phòng tránh những thông tin xấu, độc trên mạng xã hội Trong ảnh: Một phụ huynh ở H.Trảng Bom hướng dẫn con tìm các trang web hữu ích để học tập, giải trí. Ảnh: T.Tâm
Phụ huynh cần quan tâm hướng dẫn con kỹ năng phòng tránh những thông tin xấu, độc trên mạng xã hội. Trong ảnh: Một phụ huynh ở H.Trảng Bom hướng dẫn con tìm các trang web hữu ích để học tập, giải trí. Ảnh: T.Tâm

* Nguy cơ trẻ bị bắt nạt, xâm hại qua MXH

Phổ biến hiện nay là tình trạng các học sinh lợi dụng MXH để công kích, gây sự, thách thức nhau, dùng bạo lực giải quyết mâu thuẫn. Thậm chí còn quay clip đánh nhau để đăng lên MXH nhằm làm nhục, bạo hành tinh thần, cô lập đối phương.

Điển hình như ngày 25-7, do mâu thuẫn trong cách xưng hô nên nữ sinh L.T.V. (15 tuổi, ngụ xã Phú Xuân, H.Tân Phú) cùng nhóm bạn hẹn em T.T.M. (13 tuổi, ngụ cùng địa phương) để giải quyết mâu thuẫn. Khi đến nơi, L.T.V. đã cùng nhóm bạn đánh em T.T.M. gây thương tích và cho quay lại clip rồi đăng lên Facebook. Ngay sau đó, Công an xã Phú Xuân vào cuộc xác minh và mời các nữ sinh trên về trụ sở làm việc để nhắc nhở, chấn chỉnh.

Công an tỉnh yêu cầu các đơn vị trực thuộc, công an các địa phương thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục, phòng ngừa tội phạm xâm hại trẻ em phải thường xuyên, đổi mới, phù hợp với địa bàn, đối tượng, nhất là nhóm trẻ em, người dưới 18 tuổi có nguy cơ cao; xây dựng các mô hình tuyên truyền phù hợp… Đồng thời, phải xây dựng, nghiên cứu chuyên đề phòng ngừa xâm hại trẻ em, người dưới 18 tuổi vi phạm pháp luật trên không gian mạng.

Theo Công an tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2021, tội phạm xâm hại nhân phẩm, danh dự con người tăng so với cùng kỳ năm 2020, nhất là hành vi xâm hại tình dục trẻ em. Đáng chú ý, tình trạng các bé gái qua MXH quen biết rồi bị một số đối tượng lợi dụng sự nhẹ dạ, ngộ nhận tình cảm để xâm hại tình dục vẫn còn xảy ra phức tạp. Toàn tỉnh xảy ra 18 vụ giao cấu với người đủ 13 đến dưới 16 tuổi (tăng hơn 63% so với cùng kỳ năm 2020), có 2 vụ hiếp dâm người dưới 16 tuổi.

Cuối tháng 4-2021, TAND tỉnh tuyên phạt bị cáo Nguyễn Hữu Khanh (24 tuổi, quê tỉnh Bình Thuận) 12 năm tù về tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi. Tại tòa, Khanh khai đã làm quen với cháu M.T. (sinh năm 2007) qua MXH Facebook. Sau một thời gian trò chuyện qua lại, Khanh dụ dỗ cháu M.T. cho xem hình khỏa thân. Nhân cơ hội đó, Khanh lén chụp ảnh và lưu vào điện thoại. Sau đó, Khanh đã dùng hình ảnh này để “tống tình” và đòi tiền của cháu M.T.

Đáng chú ý, trong tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp, nhiều đối tượng xấu thực hiện thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tiền của trẻ em thông qua các app “ảo”. Mới đây, Công an P.Trảng Dài (TP.Biên Hòa) nhận được trình báo của cháu L.V. (13 tuổi, ngụ P.Trảng Dài) bị đối tượng xấu lừa mất 2 triệu đồng.

Cụ thể, sau khi làm quen qua MXH, đối tượng này đã dụ cháu L.V. kiếm tiền bằng việc đầu tư vào app để nhận tiền lời mỗi ngày. Sau khi L.V. chuyển số tiền tiết kiệm cho đối tượng thì bị chiếm đoạt toàn bộ số tiền này.

* Chủ động phòng ngừa

Trước thực trạng trẻ em bị xâm hại tình dục, bạo hành, bị bắt nạt trên không gian mạng đòi hỏi cần có giải pháp để bảo vệ trẻ trước các rủi ro, nguy cơ bị xâm hại khi sử dụng MXH.

Trước thực trạng nêu trên, Công an tỉnh vừa ban hành chương trình phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và phòng, chống tội, phạm vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi trên địa bàn tỉnh năm 2021. Chương trình nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, làm giảm nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm xâm hại trẻ em, người dưới 18 tuổi vi phạm pháp luật hoặc phạm pháp hình sự. Đảm bảo các trường hợp bị xâm hại tình dục, bạo lực, bạo hành được phát hiện, can thiệp kịp thời.

Theo đó, Công an tỉnh đề nghị các đơn vị trực thuộc, công an các địa phương lấy công tác phòng ngừa là căn bản để kiềm chế, giảm bền vững và giảm sâu những vụ xâm hại trẻ em, tội phạm, vi phạm pháp luật và kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, tội phạm liên quan đến người dưới 18 tuổi; công tác phòng ngừa xã hội phải gắn với phòng ngừa nghiệp vụ trong phòng, chống xâm hại trẻ em; công tác tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác, kiến nghị khởi tố liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em phải được tiếp nhận, xử lý đúng quy trình…

ThS tâm lý Hà Văn Phúc, Giám đốc Công ty Ðầu tư và phát triển giáo dục V.LIFE (P.Trảng Dài), Chủ nhiệm CLB Kỹ năng sống Ðồng Nai cho biết, trẻ em có nguy cơ bị bắt nạt, xâm hại là do các em thiếu kiến thức, kỹ năng bảo vệ mình, nhất là trên không gian mạng. Vì vậy, việc tuyên truyền, giáo dục lồng ghép với các hoạt động hỗ trợ kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục, bạo hành trẻ em là điều rất cần thiết.

Bên cạnh đó, ThS tâm lý Hà Văn Phúc cho rằng, sự tò mò về mặt tính dục, giới tính ở tuổi dậy thì cũng như các hành vi khám phá, bắt chước do ảnh hưởng bởi các thông tin sai lệch, nhạy cảm, đồi trụy trên MXH cũng là nguyên nhân khiến trẻ có nguy cơ bị xâm hại, dễ trở thành thủ phạm hoặc nạn nhân trong các vụ xâm hại trẻ em.

“Cha mẹ nên đồng hành hoặc hỗ trợ các con lựa chọn các kênh học tập, giải trí phù hợp với lứa tuổi, tránh xa nội dung độc hại, đồi trụy trên không gian mạng. Cha mẹ nên tìm hiểu và chủ động cởi mở, chia sẻ, kết nối với các chuyên gia, bác sĩ tâm lý để giải đáp cho con các vấn đề về giới tính khi con ở tuổi dậy thì” - ThS tâm lý Hà Văn Phúc chia sẻ. 

Tố Tâm

Tin xem nhiều