Báo Đồng Nai điện tử
En

Khai thác thủy sản tận diệt có thể bị xử lý hình sự

09:11, 21/11/2021

Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh đang phối hợp cùng các lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi khai thác thủy sản trái phép trên các tuyến sông, hồ khu vực lòng hồ Trị An, đoạn qua địa bàn các huyện: Vĩnh Cửu, Định Quán.

Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh đang phối hợp cùng các lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi khai thác thủy sản trái phép trên các tuyến sông, hồ khu vực lòng hồ Trị An, đoạn qua địa bàn các huyện: Vĩnh Cửu, Định Quán.

Một trường hợp đánh bắt thủy sản bằng lồng xếp (lợp xếp) trên hồ Trị An, mặc dù hình thức đánh bắt này bị cấm từ cuối năm 2018. Ảnh: Đoàn Phú
Một trường hợp đánh bắt thủy sản bằng lồng xếp (lợp xếp) trên hồ Trị An, mặc dù hình thức đánh bắt này bị cấm từ cuối năm 2018. Ảnh: Đoàn Phú

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện một số phương tiện khai thác thủy sản trái phép, trong đó có các phương tiện sử dụng xung điện đánh bắt thủy sản trên khu vực lòng hồ. Tại thời điểm kiểm tra, các chủ phương tiện không xuất trình được giấy phép khai thác thủy sản do cơ quan chức năng cấp.

* Chế tài hành chính  

Luật Thủy sản năm 2017 nghiêm cấm hành vi sử dụng chất, hóa chất cấm, chất độc, chất nổ, xung điện, dòng điện, phương pháp, phương tiện, ngư cụ khai thác có tính hủy diệt, tận diệt để khai thác nguồn lợi thủy sản. Do đó, theo quy định pháp luật, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, các hành vi trên có thể bị xử phạt hành chính hoặc hình sự.

Hệ thống sông Đồng Nai, hồ Trị An… là nơi trú ngụ của nhiều loại thủy sản. Theo Danh mục nghề, ngư cụ cấm sử dụng khai thác thủy sản ban hành kèm theo Thông tư số 19/2018/TT-BNNPTNT ngày 15-11-2018 của Bộ NN-PTNT hướng dẫn về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản thì nghề, ngư cụ cấm sử dụng khai thác thủy sản ở vùng ven bờ; vùng nội địa  gồm: đăng, đáy, te, xiệp, xịch, xăm, lồng xếp (lờ dây, bát quái, lừ, dớn...).

Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai Nguyễn Hữu Phước cho hay, theo Khoản 5, Điều 27 Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16-5-2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản thì phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với hành vi sử dụng ngư cụ cấm để khai thác thủy sản mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

 Tại Điều 28 Nghị định số 42/2019/NĐ-CP quy định, phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản trong trường hợp không sử dụng tàu cá; phạt tiền từ 15-40 triệu đồng đối với hành vi sử dụng công cụ kích điện hoặc sử dụng trực tiếp dòng điện từ máy phát điện trên tàu cá (có chiều dài lớn nhất dưới 12m đến từ 15m trở lên) để khai thác thủy sản. Phạt tiền từ 40-50 triệu đồng đối với hành vi sử dụng dòng điện (điện lưới) để khai thác thủy sản mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Riêng Điều 29 Nghị định số 42/2019/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi tàng trữ chất cấm, hóa chất cấm, chất độc trên tàu cá. Phạt tiền từ 50-70 triệu đồng đối với hành vi sử dụng chất cấm, hóa chất cấm, chất độc, hóa chất khác để khai thác thủy sản mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

* Có thể bị xử lý hình sự

Khoản 1, Điều 242 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định, người nào vi phạm quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản thuộc một trong các trường hợp sau đây, gây thiệt hại nguồn lợi thủy sản từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng hoặc thủy sản thu được trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều 242 hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ
50-300 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: sử dụng chất độc, chất nổ, hóa chất, dòng điện hoặc phương tiện, ngư cụ bị cấm để khai thác thủy sản hoặc làm hủy hoại nguồn lợi thủy sản; khai thác thủy sản trong khu vực cấm hoặc trong khu vực cấm có thời hạn; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; vi phạm quy định khác của pháp luật về bảo vệ nguồn lợi thủy sản…

Luật sư Nguyễn Đình Hải (Đoàn Luật sư tỉnh) cho biết, hủy hoại nguồn lợi thủy sản được hiểu là hành vi: sử dụng chất độc, chất nổ, các hóa chất khác, dùng điện hoặc các phương tiện, ngư cụ khác bị cấm để khai thác thủy sản hoặc làm hủy hoại nguồn lợi thủy sản; khai thác thủy sản tại khu vực bị cấm, trong mùa sinh sản của một số loài hoặc vào thời gian khác mà pháp luật cấm; khai thác các loài thủy sản quý hiếm bị cấm theo quy định của Chính phủ; phá hoại nơi cư ngụ của các loài thủy sản quý hiếm được bảo vệ theo quy định của Chính phủ; vi phạm các quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Cũng theo luật sư Nguyễn Đình Hải, các yếu tố cấu thành tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản theo Điều 242 Bộ luật Hình sự năm 2015 như sau: mặt khách quan của tội này có các dấu hiệu về hành vi như: sử dụng chất độc, chất nổ, các hóa chất khác, dùng điện hoặc các phương tiện, ngư cụ khác bị cấm để khai thác thủy sản hoặc làm hủy hoại nguồn lợi thủy sản…; về hậu quả thì hành vi nêu trên phải gây ra hậu quả nghiêm trọng; về khách thể, hành vi nêu trên xâm phạm đến chế độ quản lý, bảo vệ môi trường, ngoài ra còn xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác; về mặt chủ quan, người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý. Chủ thể của tội này là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự.

Theo Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, từ đầu năm 2021 đến nay, qua tuần tra, kiểm soát hoạt động đánh bắt thủy sản trên hồ Trị An, đơn vị đã phát hiện, thu giữ: 176 đú đớn, 73 máy xung điện, 30 lưới chài điện; lập hồ sơ chuyển Chi cục Thủy sản Đồng Nai (Sở NN-PTNT) xử phạt hành chính 4 trường hợp với tổng số tiền 15,5 triệu đồng.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều