Báo Đồng Nai điện tử
En

Luật sư có được làm chứng trong giao dịch đất đai?

10:12, 13/12/2021

Đó là chủ đề của buổi tọa đàm do Đoàn Luật sư tỉnh vừa tổ chức với sự tham dự của 30 luật sư và khách mời là chuyên gia pháp lý trong nhiều lĩnh vực như: tư pháp, công chứng, thừa phát lại, thẩm phán làm việc trên địa bàn Đồng Nai.

Đó là chủ đề của buổi tọa đàm do Đoàn Luật sư tỉnh vừa tổ chức với sự tham dự của 30 luật sư và khách mời là chuyên gia pháp lý trong nhiều lĩnh vực như: tư pháp, công chứng, thừa phát lại, thẩm phán làm việc trên địa bàn Đồng Nai.

Luật sư Lê Quang Y, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: Đ.Phú
Luật sư Lê Quang Y, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: Đ.Phú

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu cho rằng, hiện pháp luật chưa cho phép tổ chức hành nghề luật sư đứng ra làm chứng các giao dịch nhà đất, nhất là nhà đất không đủ điều kiện giao dịch.

* Không được làm chứng

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh có tình trạng một số văn phòng luật sư (VPLS) làm chứng cho các hợp đồng, giao dịch liên quan đến việc chuyển nhượng đất đai không đủ điều kiện để tách thửa theo quy định của Luật Đất đai và Quyết định số 22/2020/QĐ-UBND ngày 8-6-2020 của UBND tỉnh quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Theo đại diện Sở Tư pháp, Điều 22 Luật Luật sư năm 2015 quy định phạm vi hành nghề luật sư bao gồm các nội dung: tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa, thực hiện tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng để thực hiện các công việc có liên quan đến pháp luật, thực hiện dịch vụ pháp lý khác… Đồng thời, Điều 30 Luật Luật sư năm 2015 còn quy định hoạt động dịch vụ pháp lý khác của luật sư như sau: giúp đỡ khách hàng thực hiện công việc liên quan đến thủ tục hành chính; giúp đỡ về pháp luật trong trường hợp giải quyết khiếu nại; dịch thuật, xác nhận giấy tờ, các giao dịch và giúp đỡ khách hàng thực hiện công việc khác theo quy định của pháp luật. Khi thực hiện dịch vụ pháp lý khác, luật sư có quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật có liên quan.

Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh, luật sư LÊ QUANG Y bày tỏ, qua buổi tọa đàm, Đoàn Luật sư tỉnh sẽ tiếp thu, tổng hợp và đưa ra các đề xuất về giải pháp gửi đến các cơ quan liên quan, góp phần hoàn thiện hơn các quy định của pháp luật về luật sư cũng như hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động này trong bối cảnh hiện nay.

Do đó, phạm vi hành nghề của luật sư không có hoạt động làm chứng. Đồng thời, Khoản 1, Điều 40 Luật Luật sư năm 2015 cũng quy định, nghĩa vụ của tổ chức hành nghề luật sư phải hoạt động theo đúng lĩnh vực hành nghề ghi trong giấy đăng ký hoạt động.

Luật sư Nguyễn Đức (VPLS Nguyễn Đức) cho rằng, đối chiếu quy định trên thì chức năng làm chứng của VPLS không được ghi nhận trong nội dung giấy đăng ký hoạt động. Do vậy, tổ chức hành nghề luật sư không được phép làm chứng hay chứng thực hợp đồng mua bán nhà, chuyển nhượng quyền sử dụng đất vì Luật Luật sư năm 2015 không quy định cho tổ chức hành nghề luật sư có chức năng, quyền hạn đối với hoạt động này.

Đồng tình với các quan điểm trên, công chứng viên Nguyễn Văn Hiệp (Văn phòng Công chứng Vĩnh An, H.Vĩnh Cửu) phân tích thêm, người dân khi mua bán nhà đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất đều biết là hợp đồng mua bán phải được ký công chứng tại các văn phòng công chứng hoặc chứng thực tại UBND cấp xã. Đối với các trường hợp đất không đủ điều kiện để thực hiện công chứng mua bán ở tổ chức hành nghề công chứng hoặc chứng thực tại UBND cấp xã thì người dân mới tìm cách nhờ VPLS hoặc luật sư làm chứng.

* Tránh hiểu lầm về quyền làm chứng

Tại buổi tọa đàm, một số ý kiến cho rằng, pháp luật hiện hành cho phép cá nhân có quyền làm chứng trong các quan hệ, giao dịch dân sự khác. Tuy nhiên, trên thực tế, do tính chất đặc thù nên quyền làm chứng cũng bị hạn chế trong một số lĩnh vực nhất định. Hay nói cách khác, không phải các giao dịch dân sự nào có người làm chứng đều được xem là hợp pháp và có giá trị pháp lý.

TS - luật sư Đinh Trọng Liên (Đoàn Luật sư tỉnh) phân tích, dù ở trường hợp nào, việc làm chứng của luật sư với tư cách là luật sư hoặc tư cách là tổ chức hành nghề luật sư đều không làm cho hợp đồng mua bán nhà, chuyển nhượng quyền sử dụng đất có giá trị hợp pháp, không làm phát sinh hiệu lực của hợp đồng theo pháp luật hiện hành. Đặc biệt, việc xác nhận làm chứng của VPLS sẽ làm người dân hiểu lầm về giá trị pháp lý của hợp đồng. Thậm chí, người dân có thể nhầm tưởng và tin là việc chứng thực của VPLS có giá trị pháp lý tương đương như công chứng của văn phòng công chứng.

“Điều này có thể gây thiệt hại cho một trong các bên tham gia giao kết, người mua là người bị thiệt hại, rủi ro nhất. Đồng thời, việc làm chứng của luật sư của VPLS trong trường hợp này là hành vi góp sức cho các hành vi mua bán đất đai trái pháp luật như: lừa đảo, vi phạm quy định về quản lý đất đai hoặc làm rối loạn thị trường bất động sản” - TS - luật sư Đinh Trọng Liên nhấn mạnh.

Để tránh sự hiểu lầm, hiểu không đúng này, ông Trần Trung Nhân (Sở Tư pháp) cho hay, từ thời điểm năm 2018, Bộ Tư pháp đã có Văn bản số 270/BTTP-LSTVPL ngày 24-1-2017 hướng dẫn về lập vi bằng, yêu cầu Sở Tư pháp thực hiện kiểm tra, chấn chỉnh và yêu cầu các tổ chức hành nghề luật sư thực hiện đúng quy định pháp luật.

Theo ông Trần Trung Nhân, luật sư không có thẩm quyền chứng thực các giấy tờ, chữ ký cũng như các giao dịch dân sự. Việc các trường hợp luật sư tự thực hiện hoạt động chứng thực đã vi phạm quy định của luật về thẩm quyền chứng thực. Do vậy, các giấy tờ do luật sư chứng thực sẽ không có giá trị pháp lý. Theo đó, các giao dịch mua bán, chuyển nhượng đất không thực hiện thủ tục công chứng hoặc chứng thực vừa vi phạm pháp luật và không có giá trị pháp lý nên quyền và lợi ích của các bên tham gia đều không được pháp luật bảo vệ.

                              Đoàn Phú

Tin xem nhiều