Báo Đồng Nai điện tử
En

Đừng để trẻ sa ngã, vi phạm pháp luật vì thiếu sự quan tâm

08:06, 24/06/2022

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, tội phạm xâm hại trẻ em và những vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi đã, đang và sẽ là vấn đề cần được quan tâm từ gia đình đến xã hội.

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, tội phạm xâm hại trẻ em và những vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi đã, đang và sẽ là vấn đề cần được quan tâm từ gia đình đến xã hội.

Nhóm đối tượng ở lứa tuổi vị thành niên tham gia hỗn chiến bằng “bom xăng” trên đường Phạm Văn Thuận (P.Tân Mai, TP.Biên Hòa) vào tối 15-5, bị Công an TP.Biên Hòa tạm giữ. Ảnh: Trần Danh
Nhóm đối tượng ở lứa tuổi vị thành niên tham gia hỗn chiến bằng “bom xăng” trên đường Phạm Văn Thuận (P.Tân Mai, TP.Biên Hòa) vào tối 15-5, bị Công an TP.Biên Hòa tạm giữ. Ảnh: Trần Danh

* Chỉ vì thiếu sự quan tâm

Thông tin từ Công an tỉnh, từ giữa tháng 12-2020 đến tháng 6-2022, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 134 vụ, 145 đối tượng xâm hại trẻ em với các hành vi chủ yếu như: xâm hại tình dục, bạo lực, bạo hành. Trong đó, nạn nhân bị xâm hại là 142 em (trẻ em nữ chiếm 82%).

Một số nguyên nhân chính là hiện nay trẻ em có xu hướng dậy thì sớm so với tuổi. Nhiều em chưa có kiến thức pháp luật, thiếu cảnh giác, dễ bị lôi kéo, dụ dỗ bởi những hình ảnh khiêu dâm, đồi trụy trên các trang mạng xã hội nên dễ dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật.

Điều đáng quan tâm, đối tượng xâm hại trẻ em phần lớn đều có mối quan hệ gần gũi, quen biết từ trước với nạn nhân và lợi dụng mối quan hệ này để thực hiện hành vi xâm hại.

Cụ thể, vào tháng 2-2022, Công an H.Long Thành ra quyết định tạm giữ hình sự đối với Trần Văn Nguyên (31 tuổi, ngụ xã An Phước, H.Long Thành) để điều tra về hành vi hiếp dâm người dưới 16 tuổi. Theo điều tra ban đầu của cơ quan công an, từ tháng 7-2021 đến tháng 1-2022, Nguyên đã nhiều lần xâm hại cháu L.T. (sinh năm 2010), con riêng của vợ Nguyên tại xã An Phước

Ngoài tình trạng trẻ bị xâm hại, một trong những vấn đề khác đó là trẻ em phạm pháp hình sự cũng khiến dư luận quan tâm. Theo thống kê của Công an tỉnh, từ cuối năm 2020 đến nay, trên địa bàn Đồng Nai đã xảy ra 123 vụ, 277 đối tượng dưới 18 tuổi vi phạm pháp luật như: cướp, cướp giật, trộm cắp, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ, mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy. Đây là những con số khiến nhiều người phải “giật mình”.

Gần nhất là vụ hỗn chiến bằng “bom xăng” và có sử dụng cả súng công cụ hỗ trợ xảy ra trên đường Phạm Văn Thuận (P.Tân Mai, TP.Biên Hòa) vào tối 15-5 với hơn 30 đối tượng tham gia, đa phần có độ tuổi từ 16-19. Quá trình điều tra, cơ quan công an xác định nguyên nhân là do ghen tuông. Sau nhiều lần chửi nhau trên mạng xã hội, các đối tượng đã hẹn gặp nhau ở P.Tân Mai để “nói chuyện”.

Theo Công an tỉnh, tình trạng xâm hại trẻ em xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu khiến trẻ em bị xâm hại là do tác động của phim ảnh, văn hóa phẩm đồi trụy, thiếu sự quan tâm của gia đình, nhất là gia đình có các em gái.

Bên cạnh đó, một số gia đình tập trung cho việc làm ăn, làm giàu nên đã bỏ mặc con, nhất là những em còn ở độ tuổi chưa trưởng thành. Thực tế này đã tạo cơ hội để các đối tượng xấu nảy sinh hành vi xâm hại. Mặt khác, sự suy thoái đạo đức, lối sống của một số thành viên trong gia đình, giá trị văn hóa gia đình truyền thống không được coi trọng ở đâu đó cũng ảnh hưởng rất lớn đến trẻ em. Nhiều gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn; cha mẹ ly hôn, ly thân; cha mẹ mắc các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật khiến trẻ em phải bỏ học, lang thang kiếm sống và bị bạo hành, xâm hại tình dục.

* Phối hợp chặt chẽ để giúp trẻ tránh bị xâm hại, sa ngã

Mới đây, Đoàn kiểm tra liên ngành số 3 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi tỉnh (sau đây gọi tắt Ban chỉ đạo) do bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục trẻ em (Bộ LĐ-TBXH), làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với cơ quan chức năng của Đồng Nai về thực trạng nêu trên.

Tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Nga đánh giá, thời gian qua, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em của Đồng Nai đã nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo. Tuy nhiên, trên thực tế, tại một số địa phương vẫn còn tình trạng trẻ em bị xâm hại, bị bạo hành... Do đó, thời gian tới, các cấp lãnh đạo, chính quyền các địa phương và các tổ chức đoàn thể cần tiếp tục quan tâm, xây dựng các chính sách để bảo vệ trẻ em trước những tác động xấu của xã hội như: tình trạng trẻ bị xâm hại sức khỏe, xâm hại tình dục; trẻ em thiếu quản lý dễ sa vào con đường phạm tội.

Bên cạnh đó, đoàn kiểm tra của Trung ương đề nghị chính quyền các cấp cần có giải pháp, chính sách phù hợp trong việc tiếp nhận tin báo, hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng. Đối với công tác điều tra, xử lý các vụ phạm pháp, cần phải xây dựng phòng điều tra thân thiện, khi xử lý đối tượng là người dưới 18 tuổi. Hằng năm, các ngành chức năng tổ chức sơ kết, đánh giá các mô hình hay để tuyên truyền, nhân rộng, đồng thời đánh giá ưu, khuyết điểm để khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm bảo vệ trẻ em ngày một tốt hơn.

Cùng trao đổi về vấn đề này, đại tá Nguyễn Ngọc Quang, Phó giám đốc Công an tỉnh cho biết, thời gian tới, Ban chỉ đạo tỉnh sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp tiếp tục kéo giảm số vụ xâm hại trẻ em, duy trì việc kéo giảm số vụ phạm tội về trật tự xã hội liên quan đến người dưới 18 tuổi. Kiên quyết điều tra, xử lý, giải quyết kịp thời các vụ án xâm hại tình dục trẻ em.

Công an tỉnh chỉ đạo công an các địa phương kiểm tra, rà soát, xác minh các trường hợp trẻ em bị chăn dắt, lạm dụng trong các hoạt động ăn xin, bán vé số..., nhằm kịp thời tham mưu cho chính quyền địa phương có giải pháp hỗ trợ, bảo vệ các em. Đối với công tác quản lý địa bàn, lực lượng công an các địa phương phải tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ như: nhà nghỉ, khách sạn, các cơ sở dịch vụ để xảy ra các trường hợp trẻ em bị xâm hại...

Trần Danh

Tin xem nhiều