Báo Đồng Nai điện tử
En

Hoa trầm hương lại nở dưới chân núi Chứa Chan

10:05, 30/05/2005

Tỳ Kheo Thích Giác Nhi - tác giả "Trầm Hương khảo luận" và tôi có một cuộc mạn đàm khá thú vị trong bữa trưa với cơm chay đạm bạc ngay tại trang trại của ông nằm dưới chân núi Chứa Chan thuộc khu 1, ấp Thọ Phước, xã Xuân Thọ (huyện Xuân Lộc).

Một cây dó bầu 8 tuổi vừa được cấy trầm.

Tỳ Kheo Thích Giác Nhi - tác giả "Trầm Hương khảo luận" và tôi có một cuộc mạn đàm khá thú vị trong bữa trưa với cơm chay đạm bạc ngay tại trang trại của ông nằm dưới chân núi Chứa Chan thuộc khu 1, ấp Thọ Phước, xã Xuân Thọ (huyện Xuân Lộc). Đã từng nghiền ngẫm "Xứ trầm hương" của Quách Tấn và đọc nhiều bài viết về cây trầm hương (thường được gọi là cây dó bầu, dó trầm...), cũng như đã từng vào tận những vùng trồng nhiều dó bầu trong nước như Hương Sơn, Hương Khê (Hà Tĩnh)..., tôi cho rằng quyển sách của vị tu sĩ này rất có giá trị thực tiễn về kỹ thuật trồng trọt, phương pháp tạo trầm, chi phí đầu tư, khả năng tiêu thụ..., do tác giả đúc rút từ kinh nghiệm bản thân qua 23 năm trực tiếp gieo trồng, chăm sóc loại cây đặc sản quý hiếm và ẩn chứa như nhiều huyền thoại này.

Điều hết sức thú vị là khi nghe vị Tỳ Kheo 62 tuổi này cho biết cây trầm hương còn có tên là cây gió bão. Theo ông từ cách gọi này của thương nhân người Hoa lùng mua trầm hương, Kỳ Nam mà người ta gọi trại ra thành cây gió bầu, rồi dó bầu. Và tác giả "trầm hương khảo luận" tỏ ra thích thú lắm với cái tên tiên khởi này của nó.

* Hành trình đi tìm trầm

"Duyên hạnh ngộ" với trầm hương của Tỳ Kheo Thích Giác Nhi cũng lạ. 23 năm trước, đang ẩn tu trong bãi suối Đá Bàn ở đảo Phú Quốc, tu sĩ Thích Giác Nhi tình cờ được một du khách ghé vào thăm chơi. Qua đàm đạo, biết tu sĩ trẻ đang nuôi tâm nguyện lập một bệnh viện từ thiện Phật giáo, vị khách tự giới thiệu là tiến sĩ sinh học, bèn giới thiệu cho nhà tu một loại cây trồng mà nếu kiên trì, vững chí sẽ tạo ra một giá trị kinh tế vô cùng to lớn. Đó là cây dó bầu - cây nguyên liệu để tạo ra trầm hương và kỳ nam. Hiện còn sót lại một cây rất lâu đời ở ngay trên đảo. Nhà khoa học này (không chịu tiết lộ danh tánh) cho biết loại cây rất quý hiếm này chỉ sinh sống trong chốn thâm u đại ngàn và chỉ có ở 3 nước Đông Dương với tên khoa học là Aquilaria (Rasna Pierre thuộc họ Thymeleaceae, bộ Thyméales, lớp song tử diệp; còn mọi thông tin khác như cách gieo trồng, khai thác trầm... đều chưa biết được. Nhưng từ nhỏ đã được nghe những câu chuyện ly kỳ về việc ngậm ngãi tìm trầm, chuyện có người tìm được kỳ nam mừng quá hóa dại bị lạc trong rừng thẩm lâu ngày trở thành xà niên... nên vị sư trẻ rất mê. Ông lần dò tìm đến nơi có cây dó bầu cổ thụ rồi hái trái đem về mày mò thử nghiệm việc ươm trồng. Thất bại nhiều lần và lao đao cũng không ít bận, phải nhiều  năm sau đó ông mới rút ra được kinh nghiệm là: Cây dó bầu có thể trồng được ở nhiều loại đất, nhưng đất phải cao, không bị ngập úng. Còn việc gieo hạt, dó bầu lại rất khó tính. Trái dó bầu hái xong là phải gieo ươm liền. Gieo trễ chỉ một ngày đã giảm tỷ lệ nảy mầm hẳn đi. Cuối cùng Tỳ Kheo Thích Giác Nhi đã xác định được đến 3 cách ươm cây dó bầu có hiệu quả, đồng thời cũng lập được quy trình tạo cây giống, trồng cây theo quy mô lớn.

Sau mười năm "tu luyện" đến thuần thục đối với loại cây trồng quý hiếm này, năm 1992 Tỳ Kheo Thích Giác Nhi quyết định đưa cây dó bầu... rời đảo, để đến một nơi mà theo ông tìm "mảnh đất tốt hơn cho tâm tính của cây dó bầu". Nhưng không ngờ, chuyện dó bầu giống có mặt ở đảo Phú Quốc không biết tự lúc nào đã đến tai những thương nhân trầm hương Đài Loan. Họ đã cử người sang Phú Quốc hợp đồng mua toàn bộ cây con giống dó bầu trên đảo. Do vậy, sau khi đã tìm được mảnh đất hoang ở chân núi Chứa Chan, tu sĩ Thích Giác Nhi còn cẩn thận xin cả giấy giới thiệu của ông Thái Văn Cầu (Hạt trưởng kiểm lâm huyện Xuân Lộc lúc bấy giờ) để vận chuyển cây con dó bầu được thuận lợi. Vậy mà ra đảo, ông đã bị cơ quan kiểm lâm huyện đảo Phú Quốc từ chối việc cho phép khai thác cây giống dó bầu.

Tỳ Kheo Thích Giác Nhi vui vẻ kể lại: "Tôi không thể nào trở về núi Chứa Chan này với hai bàn tay không được. Công phu nghiên cứu cả chục năm trời của tôi mà buông luôn thì uổng lắm! Tôi liền kêu một anh thợ rừng đang thu hái cây giống dó bầu để bán theo hợp đồng cho Đài Loan với giá 300 đồng/ cây để cho anh biết là tôi cần mua gấp 2000 cây con với giá 1000 đồng/ cây. Nghe được món lời quá hời, anh thợ rừng hôm sau đã bí mật đem cây giống đến cung ứng cho tôi ngay. Ém tất cả số cây dó bầu con này vào chiếc bình bát bằng sành, tôi ung dung ôm trên tay ra sân bay Dương Đông rời khỏi đảo Phú Quốc gọn hơ!".

* Mùa thứ tư hoa trầm hương nở!

Trong trang trại rộng đến 20 hécta, nằm cạnh chân núi Chứa Chan với phần lớn diện tích được trồng xoài cát Hòa Lộc, điều cao sản, tiêu Vĩnh Linh..., Tỳ Kheo Thích Giác Nhi đã trồng 5000 cây dó bầu theo phương thức xen canh. Số dó bầu đem về từ Phú Quốc được trồng thuần canh để làm giống. 2000 cây dó bầu đầu tiên được trồng ở vùng đất khô cằn này, nay chỉ còn 700 cây đã cao đến 8- 9 mét và có đường kính thân cây đến 30 cm. Đặc biệt là từ năm 2002, tức đúng sau 10 năm trồng ở đây, số cây dó bầu chọn làm giống này đã cho trái. Qua tổ chức thu hái và gieo ươm, hàng năm trang trại này cho ra đời khoảng 1 triệu cây con dó bầu. Hai năm qua, cây giống dó bầu ở đây không những đã được tung ra nhiều nơi trong tỉnh Đồng Nai mà còn vươn xa ra tận Hà Nội, Cam Ranh, Đắc Lắc, Đắc Nông, Phan Thiết...

Tháng 5 này, rừng dó bầu ở chân núi Chứa Chan lại ra hoa. Nhìn dó bầu nở rộ vào mùa hoa thứ tư này, Tỳ Kheo Thích Giác Nhi cho biết: "Tôi ước lượng năm nay, chúng tôi có khả năng thu quả, gieo ươm đến 2 triệu cây dó bầu giống cung cấp cho phong trào trồng dó bầu đang "nóng" lên ở nhiều nơi trong nước".

Ở Xuân Lộc, dân trong vùng hay gọi Tỳ Kheo Thích Giác Nhi là... "ông sư kinh tế" vì với vùng đất hoang cằn cỗi này, ông đã cùng với các đệ tử của mình ra sức khai phá, trồng cây gây rừng tạo được thu nhập mỗi năm lên đến hàng trăm triệu đồng. Trong đó có 12 tăng nhi vừa trực tiếp lao động vừa tu tập tại chỗ. Theo quan niệm của Tỳ Kheo Thích Giác Nhi thì: "Trồng rừng là pháp môn tu hành tạo ra công đức nhân sinh xã hội". Và ông cho rằng: "Tu không giúp đỡ thôn dân, chữ tu ấy có ai cần làm chi!".

Vì vậy vào thời vụ cao điểm, trang trại trầm hương Tỳ Kheo còn thu hút từ 50 đến 60 lao động là dân nghèo ở địa phương tham gia vào việc vô bầu, tạo cây giống... với tiền công đến 60.000 đồng/ người/ ngày.

Hiện nay niềm đam mê lớn nhất của vị tu sĩ ở tuổi lục tuần này là vườn dó bầu ở lứa 8 đến 10 năm tuổi đang được ông cấy trầm thử nghiệm.  Tỳ Kheo Thích Giác Nhi gần như lân la suốt ngày bên những cây dó bầu do chính tay ông "đục lỗ, gây thương tích"... Nhà sư vui mừng nhận ra mùi trầm hương dịu dàng tỏa ra từ những hốc cây: "Nó đã kết trầm rồi! nhưng chỉ mới là trầm tóc".

Trường đại học mở bán công TP. Hồ Chí Minh cũng vừa cử về đây một đoàn gồm 2 thạc sĩ và 3 sinh viên sinh hóa để nghiên cứu, thực tập cấy hóa chất đối với cây dó bầu, sau khi quyển sách "Trầm hương khảo luận" của tu sĩ Thích Giác Nhi do nhà xuất bản văn nghệ TP. HCM cho ra mắt bạn đọc.

Chuyện tìm trầm của Tỳ Kheo Thích Giác Nhi là vậy. Nó đã biến ông trở thành người đầu tiên đưa cây dó bầu về trồng trên đất Đồng Nai và cũng là người Việt Nam đầu tiên có công trình thực khảo công phu về trầm hương. Thế nhưng, qua chuyện trò mới biết tác giả "Trầm hương khảo luận" lại rất tâm đắc với việc gọi tên cây này là... gió bão. Không hiểu có phải do cái tên nghe nặng mùi tục lụy này nó dính líu với cuộc đời cũng khá là bão gió của người khoác áo tu hành? Tỳ Kheo Thích Giác Nhi có thế danh là Huỳnh Quang Cường, sinh quán ở tận miệt sông ông Đốc (tỉnh Cà Mau). Năm 17 tuổi, chàng trai Cà Mau này tìm đến núi Thất Sơn (tỉnh An Giang) để xuất gia nương nhờ cửa Phật. Vào những năm 1970 khi chiến sự ở miền Nam trở nên khốc liệt, vị khất sĩ này đã rủ rê thanh niên trốn lính. Bị địch phát hiện, bắt đưa ra tòa và kết án 3 năm tù và bị đày ra đảo Phú Quốc. Ở tù mới 6 tháng, ông được tha. Bãi suối Đá Bàn hoang vắng ở đảo Phú Quốc trở thành nơi ông ẩn cư. 13 năm nay, vùng "cùng cốc" ở chân núi Chứa Chan, vị Tỳ Kheo này lại chọn nơi tu tập và cây trầm hương đã bén rễ, kết hương trên mảnh đất bạc màu này.

Những ngày đầu mùa mưa năm nay, từ nhiều nơi dân làm vườn đổ xô tìm đến mua cây giống dó bầu của "ông sư kinh tế" với ước mong rạo rực là... tìm trầm mà không cần phải ngậm ngãi!

 

Bùi Thuận

Tin xem nhiều