Báo Đồng Nai điện tử
En

Bữa ăn gia đình thời "fast food"

10:06, 27/06/2005

... "Mỗi ngày nó đặt người mang đến cho tôi hai hộp cơm. Chỉ có ngày chủ nhật được ăn cơm nóng. Bữa cơm ê hề thịt cá nhưng chỉ là những món ăn nấu sẵn, tôi ăn không quen. Chắc phải về quê thôi, dù cơm rau mắm nhưng có con có cháu cảm thấy ngon hơn cơm gà cá gỏi ở thành phố!"

Thi nấu ăn cũng là một cách trang bị kiến thức nội trợ cho phụ nữ.

... "Mỗi ngày nó đặt người mang đến cho tôi hai hộp cơm. Chỉ có ngày chủ nhật được ăn cơm nóng. Bữa cơm ê hề thịt cá nhưng chỉ là những món ăn nấu sẵn, tôi ăn không quen. Chắc phải về quê thôi, dù cơm rau mắm nhưng có con có cháu cảm thấy ngon hơn cơm gà cá gỏi ở thành phố!"

Đó là tâm sự của bà Nguyễn Thị Năng, 62 tuổi, đang ở với vợ chồng người con trai tại phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa. Bà bức xúc: "Vợ chồng nó đưa tôi lên để phụng dưỡng, nhưng chúng nó đi cả ngày, các cháu nội cũng đi học đến chiều tối mới về. Cả nhà chẳng mấy khi ăn cơm chung vì vợ nó tối đến phải đi học tiếng Tây. Tôi nói: Mẹ còn khỏe mạnh có thể nấu nướng được để mẹ đi chợ, làm cơm. Nhưng rồi có nấu cũng chẳng ai ăn. Vả lại bếp nhà hiện đại quá,  tôi cũng chẳng biết dùng thế nào!". Đem tâm sự của bà cụ trò chuyện với chị  Nam Anh, con dâu bà cụ. Chị Nam Anh cho biết: "Để cụ ăn cơm hộp cũng tội, nhưng làm thế nào bây giờ khi phải làm việc cả ngày trong công ty. Chiều về đến nhà đã hơn 17 giờ 30, chỉ kịp tắm rửa, rồi đi học ngoại ngữ. Thời gian đâu mà đi chợ, nấu nướng những món ăn lỉnh kỉnh nên thường trong tủ lạnh có gì thì ăn nấy. Nếu không, gọi điện thoại đến tiệm đặt cơm. Chiều thứ bảy tan ca, tranh thủ đi siêu thị mua thức ăn chế biến sẵn cho cả tuần. Có thế mới dành thời gian cho việc học tập nâng cao trình độ, nghiệp vụ chuyên môn theo yêu cầu công việc, vì "đám trẻ" bây giờ tụi nó giỏi lắm, mình ấm ớ là bị "thay" ngay!".

Cũng như chị Nam Anh, chị Phan Thu An, hiện là thư ký giám đốc của một công ty Hàn Quốc tại KCN Biên Hòa 2 cũng than phiền: "Mẹ chồng mình cũng tỏ ý không bằng lòng khi ngày nào cũng chỉ ăn các món chế biến sẵn mua từ siêu thị hay vợ chồng thường xuyên vắng mặt trong bữa cơm gia đình. Nhưng tính chất công việc bây giờ "làm hết việc chứ không hết giờ". Nghỉ trưa chỉ khoảng 1 giờ đồng hồ làm sao chạy về nhà để nấu nướng. Rồi phải đi học thêm tiếng Hàn vào các ngày chẵn, học khóa thư ký vào các ngày lẻ. Chạy đua với công việc còn "bở hơi tai", nấu được bữa ăn tối cho cả nhà, dù là chế biến thức ăn nhanh là may lắm rồi".

Đem đề tài này trao đổi với một số gia đình khác, nhiều người cho rằng: Thời buổi công nghiệp, thì giờ là vàng bạc, những người đi làm công sở thường không có nhiều thời gian nấu nướng thì việc dùng thực phẩm chế biến sẵn, các thức ăn nhanh mua ở siêu thị hoặc ở tiệm kinh doanh thực phẩm cũng phần nào giúp các bà nội trợ giảm bớt thời gian chế biến bữa ăn... Nhưng chuyện này không đáng "ủng hộ", vì người ta ai cũng thích ăn cơm nhà: ngon, rẻ, vệ sinh, đủ dinh dưỡng và nhất là ấm cúng hơn. Rõ ràng ở thời công nghiệp, nhịp sống hối hả và cả những đòi hỏi ngày một cao hơn của công việc đã lấy bớt thời gian dành cho gia đình của nhiều người thì bữa ăn kiểu "fast food" là rất khó tránh. Nhiều gia đình trẻ phải chấp nhận hoặc "cơm bụi" hoặc bà xã nghỉ làm để ở nhà nội trợ. Tình trạng này đã hình thành ở nhiều người thói quen: ăn sáng tự túc, ăn trưa tại chỗ, tối "tùy nghi di tản", ai về trước ăn trước, về sau ăn sau hoặc bận rộn thì tiện đâu ghé đó mà ăn... Hình ảnh một bữa ăn gia đình với  đầy đủ ông bà, cha mẹ, con cái với nồi cơm, tô canh nóng bốc khói có phần bị mờ nhạt, trong khi nhiều người Việt Nam vẫn coi trọng bữa ăn gia đình. Hiện nay, nhiều người cũng tất bật với công việc nhưng vẫn cố gắng duy trì bữa ăn gia đình, ít nhất là được ăn cơm cùng nhau vào bữa tối, vì nó là khoảng riêng để cha mẹ, con cái sum vầy bên nhau cùng ăn uống, trò chuyện giữa các thành viên trong gia đình.

Thật ra, trong điều kiện thời gian dành cho việc nội trợ, nấu nướng không nhiều ở một số gia đình như hiện nay thì việc sử dụng một vài loại thực phẩm đông lạnh hay thức ăn chế biến sẵn cũng là bình thường. Nhưng lạm dụng là hoàn toàn không nên. Mặc dù dùng thực phẩm "fast food" có nhanh, gọn, nhẹ, thậm chí ăn xong không phải dọn rửa gì cả mà chỉ "ốp" hết ra thùng rác là xong, nhưng nếu lạm dụng cách ăn, cách nấu nướng này lâu dài chúng ta sẽ vướng phải những phức tạp nảy sinh. Đó là thức ăn thường không đảm bảo an toàn và vệ sinh cũng như độ dinh dưỡng, tươi ngon vì được chế biến sẵn, giá cả bao giờ cũng đắt hơn và nhất là khẩu vị không thể theo ý thích của người ăn. Điều đáng nói hơn của việc lạm dụng các thực phẩm chế biến sẵn hay đi ăn quán, ăn tiệm sẽ làm mất sự sáng tạo của người nội trợ. Tình trạng nhiều gia đình mải chạy theo công việc bận rộn, cho con cái ăn cơm hộp, cơm tiệm đã tạo cho những đứa con lối sống ỷ lại, đói thì ra tiệm ăn chứ không thể tự nấu một bữa ăn cho mình và gia đình khi cần thiết. Con gái cũng theo đó mà sau này không biết nấu nướng hay tề gia nội trợ. Chưa kể, có những người vợ vì không thích nấu nướng ở nhà nên đã đẩy ông chồng tìm đến bữa cơm nhà  "bà hàng xóm" như một số trường hợp mà chúng tôi đã gặp và nghe họ tâm sự.

Theo Tiến sĩ tâm lý xã hội học Tô Thị Ánh (TP.HCM), bữa ăn gia đình là một sợi dây xâu kết tình cảm của những thành viên trong gia đình. Nó không đơn giản là chuyện ăn món gì, ăn nhiều hay ít. Những cử chỉ con cái gắp thức ăn cho cha mẹ, ông bà dỗ dành cháu nhỏ ăn uống hay người này bới cho người kia một chén cơm, mọi người chấm chung nhau một chén nước mắm... sẽ thắt chặt hơn tính cộng đồng trong gia đình, mọi người yêu thương nhau hơn, sống có trách nhiệm với nhau hơn. Đôi khi bữa ăn gia đình còn giúp hàn gắn những vết nứt tình cảm. Thời nay, công việc nhiều, người ta không có thời gian ăn cơm với nhau đủ ngày hai-ba bữa, nhưng cũng nên cố gắng duy trì bữa ăn tối hoặc những ngày cuối tuần. Quả thật, bữa ăn gia đình với nhiều người còn là một nhu cầu tình cảm, văn hóa. Trong ký ức của không ít người, bữa ăn gia đình đã trở thành một nét đẹp, một kỷ niệm khó quên theo họ suốt cuộc đời.

 Phương Liễu

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích