Báo Đồng Nai điện tử
En

Trả lại bình yên cho dòng sông

10:04, 12/04/2006

Bài 1 : Vẫn còn những đợt "sóng ngầm"
Từ ngày 1-1-2005 Luật Giao thông đường thủy nội địa có hiệu lực thi hành. Đến nay, sau hơn một năm đi vào cuộc sống, luật này đã có tác động như thế nào? Phóng viên báo Đồng Nai đã có chuyến thực tế ghi nhận tình hình trật tự an toàn giao thông đường thủy trên địa bàn tỉnh.

Cát được các ghe tải chuyển chở từ đồng bằng sông Cửu Long cập bến khu vực xã Hóa An (TP. Biên Hòa).

Từ ngày 1-1-2005 Luật Giao thông đường thủy nội địa có hiệu lực thi hành. Đến nay, sau hơn một năm đi vào cuộc sống, luật này đã có tác động như thế nào? Phóng viên báo Đồng Nai đã có chuyến thực tế ghi nhận tình hình trật tự an toàn giao thông đường thủy trên địa bàn tỉnh.

 

* Khai thác cát lậu rút vào "bí mật"

 

Hiện giờ dọc tuyến sông Đồng Nai và trên toàn bộ hệ thống sông, suối trên địa bàn tỉnh hầu như không còn thấy một chiếc cần cẩu cạp cát nào. Cuối năm 2004, khi Thủ tướng Chính phủ có lệnh cấm khai thác cát trên hệ thống sông Đồng Nai thì các cơ quan chức năng như: Đoạn quản lý đường sông số 10, Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy, Đội Thanh tra giao thông đường thủy tỉnh đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm tất cả các trường hợp vi phạm. Vì thế, hiện nay nhìn bề ngoài dòng sông trở nên yên bình, phẳng lặng hơn. Và tình trạng sạt lở do khai thác cát làm thay đổi dòng chảy hoặc nạo vét quá sâu vào đất liền dọc theo sông Đồng Nai cũng đã giảm nhiều. Trên lưu vực sông cái Đồng Nai, đoạn thuộc địa bàn TP.Biên Hòa và huyện Vĩnh Cửu có 18 điểm sạt lở cũ. Các điểm sạt lở này hiện nay thỉnh thoảng có vài nơi vẫn còn tiếp tục sạt lở nhưng nhẹ và không đáng kể. Nhưng điều đó không có nghĩa là tình trạng khai thác cát đã hết.

Theo nguyên tắc, hiện nay trên toàn hệ thống sông, hồ của tỉnh Đồng Nai chỉ còn duy nhất Công ty Đồng Tân được cấp phép khai thác cát trên hồ Trị An. Tuy vậy, theo ghi nhận của chúng tôi thì trên hệ thống sông La Ngà (thuộc hai huyện Tân Phú và Định Quán) vẫn tồn tại một số điểm thu mua cát do người dân đi hút lậu về bán lại. Tại cầu La Ngà, nếu như trước đây là một điểm bơm hút cát hoạt động khá quy mô thì hiện nay, những chiếc ghe đã "dời" vào khu vực xã Thanh Sơn (huyện Định Quán). Tại khu vực xã Phú Bình, Tà Lài (huyện Tân Phú) cũng không còn những điểm bơm hút cát tập trung và công khai như trước mà lại được phân chia rải rác trong các vườn rẫy cách biệt khu dân cư, rất khó cho cơ quan chức năng kiểm soát, phát hiện. Nói tóm lại, tình trạng khai thác cát lậu không phải đã hết mà chuyển từ công khai vào "bí mật". Tương tự, ghi nhận của chúng tôi tại khu vực phường Long Bình Tân (TP.Biên Hòa) và giáp ranh là xã Long Hưng (huyện Long Thành) nạn khai thác cát lậu vẫn diễn ra. Nếu như trước đây, những người khai thác cát lậu lợi dụng lúc không có các lực lượng chức năng để bơm hút cát trên sông Đồng Nai thì hiện nay chuyển sang khai thác vào đêm khuya và chui vào rạch nhỏ. Còn tại xã Bình Lợi (huyện Vĩnh Cửu), không biết nguồn cát được khai thác từ đâu mà tại một vựa cát không phép vẫn ngày ngày công khai mua bán cát. Hay như bãi cát T.N ở phường Bửu Long (TP.Biên Hòa) cũng thường xuyên có nhiều ghe hút cát vào ra đổ cát dù nhiều lần bãi bị cơ quan chức năng lập biên bản, buộc ngưng hoạt động. Từ đó cho thấy, "phép nước" đối với lĩnh vực này đã có cả một năm nay, vấn đề còn lại là trách nhiệm của cơ quan chức năng trong việc đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát cũng như xử lý nghiêm minh những trường hợp cố tình vi phạm.

Được biết, Đội Thanh tra giao thông đường thủy trong năm 2005 chỉ xử lý 3 trường hợp khai thác cát lậu. Ông Dương Mạnh Hưng, Đội trưởng đội này cho biết, do lực lượng mỏng, địa bàn rộng nên khó có thể kiểm soát hết các sông, suối, kênh, rạch mọi lúc mọi nơi... Qua đây cũng cho thấy, ngoài trách nhiệm của lực lượng cảnh sát và thanh tra giao thông đường thủy thì vai trò của chính quyền địa phương, đặc biệt là UBND các phường, xã và Phòng Kinh tế cấp huyện chưa được phát huy.

 

* Ghe, tàu vận chuyển quá tải

 

Mặc dù vẫn còn tình trạng khai thác cát lậu, nhưng nhìn chung lượng cát lấy từ hệ thống sông Đồng Nai đã giảm đáng kể. Để có đủ lượng cát cung cấp cho xây dựng, giới kinh doanh đã vận chuyển cát từ một số tỉnh miền Tây lên cung cấp cho các vựa tại Đồng Nai. Chính vì có tình trạng "ngược dòng" này nên giá cát tại TP.Biên Hòa hiện nay tăng gần gấp đôi so với hơn một năm về trước. Điều này đã thu hút nhiều chủ xà lan, ghe tải, ghe bầu chuyển từ kinh doanh hàng hóa khác chuyển sang vận tải cát, vật liệu xây dựng. Do vậy, mặc dù không còn tình trạng khai thác cát bừa bãi nhưng xà lan vẫn neo đậu khắp nơi; ghe tải, ghe bầu chở vật liệu xây dựng vẫn ngược xuôi tấp nập...

Hiện nay có 275 xà lan chở dầu, xà lan xáng cạp và ghe chở hàng các loại đăng ký phương tiện tại Đồng Nai. Cùng với đó là xà lan và ghe tải đến từ các tỉnh miền Tây cao hơn gấp nhiều lần. Do đó, lượng xà lan và ghe tải đi lại mỗi ngày trên sông Đồng Nai cũng khá là tấp nập; trong khi đó, hệ thống luồng lạch sông Đồng Nai không phải quá rộng và đủ sâu để đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, tình trạng chở quá tải vẫn đang diễn ra phổ biến. Thống kê của Đội Thanh tra giao thông đường thủy cho biết, trong năm 2005, qua kiểm tra 2.740 lượt phương tiện vận tải, đã lập biên bản 223 trường hợp vi phạm các quy định về an toàn giao thông đường thủy, trong đó hơn một nửa là chở quá tải. Vi phạm về quá tải nhiều nhất chính là các ghe bầu chở vật liệu xây dựng, loại có tải trọng từ 5-6 tấn nhưng lại chở đến 7-8 tấn. Như trường hợp ghe tải của ông Trần Bá Nhung, ở thị xã Sa Đéc có tải trọng 4 tấn, nhưng khi kiểm tra, phát hiện chở đến trên 6 tấn cát. Ông Nhung lý giải: "Đường xá xa xôi, giá dầu nhớt lên liên tục nếu chở đúng tải không có lời". Đây cũng là cách lý giải của không ít trường hợp khác chở quá tải trên hệ thống sông Đồng Nai. Tuy vậy, việc kiểm tra, phát hiện và xử lý không phải lúc nào cũng thuận lợi, dễ dàng. Tình trạng một số chủ ghe, thuyền viên tìm đủ mọi cách chống đối, bất hợp tác, thậm chí còn tấn công cả các thanh tra viên, cảnh sát đang thi hành nhiệm vụ. Trước tình hình này, Công an Đồng Nai đã cho thành lập tổ cảnh sát 113 phụ trách đường thủy và chiếc ca nô tuần tra đầu tiên của đơn vị cảnh sát phản ứng nhanh vừa mới "hạ thủy" vào đầu tháng 3 vừa rồi.

Bên cạnh việc chở quá tải, tình trạng người điều khiển phương tiện, thuyền viên không có chứng chỉ chuyên môn, máy trưởng không có bằng cấp, phương tiện thiếu trang thiết bị an toàn như phao, áo phao, đèn pha, vạch sơn an toàn, sắp xếp hàng hóa che khuất tầm nhìn... Tuy rằng một năm qua trên hệ thống sông Đồng Nai không xảy ra vụ tai nạn giao thông nào nghiêm trọng làm thiệt hại về tài sản và người, nhưng những khiếm khuyết của các phương tiện giao thông đường sông luôn là mối đe dọa trước "họng" thủy thần.

Phong Vũ

 

Tin xem nhiều