Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngắm hoa ở "vương quốc hoa lan"

09:06, 09/06/2006

Thành phố Chieng Mai nằm ở phía bắc Thái Lan và không xa lắm với Vân Nam (Trung Quốc), nơi hàng năm thường mở cuộc triển lãm hoa mang tầm cỡ quốc tế. Chieng Mai có khí hậu gần giống như Đà Lạt, SaPa của Việt Nam nên lễ hội hoa lần này hứa hẹn sẽ có nhiều loại kỳ hoa dị thảo trên thế giới.

Người trồng hoa thấy hoa nhiều và đẹp đến đỗi không thể không mua.

Thành phố Chieng Mai  nằm ở phía bắc Thái Lan và không xa lắm với Vân Nam (Trung Quốc), nơi hàng năm thường mở cuộc triển lãm hoa mang tầm cỡ quốc tế. Chieng Mai có khí hậu gần giống như Đà Lạt, SaPa của Việt Nam nên lễ hội hoa lần này hứa hẹn sẽ có nhiều loại kỳ hoa dị thảo trên thế giới.

 

* Khi sứ Thái được Việt lai

 

Tôi thì cứ nhớ hoài vẻ mặt hớn hở của ông Dũng bát tiên khi đến khách sạn Bangkok Place  đón chúng tôi vừa từ TP. Hồ Chí Minh qua. Ông nói với vẻ mừng rỡ: "Mấy "đại gia" hoa kiểng bên Thái này rất quan tâm đến lễ hội hoa sứ mà mình vừa tổ chức lần đầu tiên ở TP. Hồ Chí Minh. Ông nào cũng hỏi tui là những chậu sứ có 2 tầng cánh hoa này có thật sự ổn định chưa hay chỉ là hiện tượng "đột biến" trong thực vật?".

Cũng cần biết là lễ hội hoa sứ được tổ chức lần đầu tiên ở Hội quán Thượng Uyển, quận 12, TP. Hồ Chí Minh, đã thành công lớn. Lễ hội không những thu hút được sự tham gia của nhiều nghệ nhân, nhà vườn ở TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Sa Đéc, Cần Thơ... mà còn là dịp giới thiệu với người yêu hoa nhiều loại hoa sứ mới lạ, độc đáo như sứ có 2 tầng cánh hoa, hoa sứ có hương thơm... do các nghệ nhân Việt Nam tìm tòi, lai tạo ra được từ những màu sứ mới do ông Dũng bát tiên nhập từ Thái Lan về nước.

Sau khi hoan hỉ báo tin vui, ông Nguyễn Tiến Dũng nói thêm: "Sự thành công rực rỡ của việc lai tạo các loại hoa sứ mới cho thấy triển vọng đuổi kịp các nhà vườn Thái Lan không phải là xa vời. Họ cũng thừa nhận là mình mới chơi và phát triển hoa sứ trong thời gian ngắn mà đã có những thành tựu qua mặt được họ. Và con đường xuất ngược lại những cây sứ lai tạo mới của Việt Nam mình là có triển vọng lắm!".

 

* Hoa, cỏ quê nhà được... "Thái hóa"

 

Biết được những thông tin lạc quan này, thực lòng tôi rất tự hào. Thế nhưng khi bước chân vào chợ hoa đêm Pakklongtalad (hoạt động từ 23 giờ đêm đến 5 giờ sáng), tôi bỗng giật mình ngẩn ngơ. Trên con đường dài cả cây số, chưa kể nhiều ngõ ngách chen ngang, không biết cơ man nào là hoa. Tất cả mọi loại hoa có mặt trên đời này hình như đều có ở đây, kể cả các loài hoa xứ lạnh. Phong lan thì cành có, bông rời có. Hoa chất thành từng đống. Nhiều loại hoa ở Việt Nam bị coi là  quê mùa như cúc đất, bồn bồn..., vậy mà ở đây thì thúng thúng, thau thau và qua bàn tay của người Thái, nó trở thành những xâu hoa đeo tay, quàng cổ lộng lẫy, thơm phức. Bên cạnh hoa, những gian hàng bán các loại lá để cắm, chưng bông cũng rất đa dạng, phong phú và đủ màu sắc hình dáng.

Đi vào chợ hoa Thalad TonMaiMuangNon ở tỉnh Nonthaburi hoặc chợ hoa cuối tuần Sanamluang 2 Flower & Orchids của tỉnh Pathum Thani, đặc biệt là vào trung tâm cây kiểng MuangNon, tôi gần như choáng ngợp trước nhiều loại cây có màu sắc mới lạ, mà ngay cả ông Dũng bát tiên cũng lắc đầu chịu thua vì không thấy có ở Việt Nam, nên không biết tên gọi là gì. Riêng với "tập đoàn" Sứ đại (Lào gọi là hoa Chăm Pa), hiện giờ các nhà vườn Thái đã lai tạo ra trên 100 màu hoa khác nhau, nhìn màu nào cũng muốn mua. Nhưng điều làm cho nhiều người trong đoàn tham quan Việt Nam chúng tôi "kêu trời" nhiều nhất là có những cây, lá không ra gì, bị bỏ bê, rẻ rúng ở Việt Nam, vậy mà lại có mặt ở đây với một sắc diện mới lạ hoàn toàn. Cứ chốc chốc là tôi lại nghe: "Trời ơi! Cái cây quỉ này mà cũng đem bán. À! Mà sao ở bên Thái này nó ngộ quá!" Những cây đó là: ôrô, cóc kèn, giá thao, mù u... Nhưng cóc kèn thì lá vàng tươi, giá thao có cả chùm bông trắng muốt, còn mù u thì lá xanh dày nhìn cứ tưởng là bông cao su. Tôi thì nhiều lần cứ ngớ người ra trước một cây lựu có lá nhỏ xíu như chùm rụm nhưng bông thì to đùng, đơm đỏ cây chứ không "lập lòe" gì cả. Hoặc cái cây quen thuộc như dành dành, từ bắc chí nam nơi nào cũng chỉ một màu trắng, mà dành dành trên đất Thái này bông vàng bóng rực như được   làm bằng ny-lông! Hay như hoa trúc đào bên mình chỉ có những màu đỏ, hường  thì ở Thái có trúc đào hoa vàng, hoa tím. Còn bông huỳnh anh, vốn đã gọi là huỳnh là vàng rồi, vậy mà huỳnh anh ở đây lại có màu tím, mới lạ làm sao!

Trên đường đi đến những vùng nông nghiệp của Thái Lan, tôi còn "ngộ" ra được nhiều điều rất lạ. Tôi thấy những cánh đồng "chuyên canh" cây bồn bồn rất nhiều. Khi tôi bày tỏ sự ngạc nhiên về việc loại cây vô tích sự mọc hoang ở các vùng cát ven biển miền Trung Việt Nam thì ông Nguyễn Thiện Tịch cho biết: "Cây bồn bồn biển bên mình có khối nhụy màu tím, mùi hôi hôi chỉ dùng làm phân xanh. Còn cây bồn bồn trắng ở đây có bông trắng muốt và có hương thơm, được nông dân Thái trồng để lấy bông xỏ thành chùm đeo tay, đeo vòng cổ ... Du khách rất ưa chuộng!".

Vậy là tôi đã lầm, tưởng những vòng hoa nhỏ và phổ biến ở Thái kết từ hoa lài. Té ra là bồn bồn trắng. Còn nhìn những đám bồn bồn nước (còn có tên là thủy hương - được làm dưa muối) cao trên 2 mét gần gấp đôi đám bồn bồn đã từng nhìn thấy ở Bạc Liêu, tôi đành phải công nhận rằng "Hai lúa" của Thái Lan giỏi thật. Chỉ trong lĩnh vực trồng và lai tạo hoa, họ là dân có nghề thực sự!

 Bùi Thuận

 

Tin xem nhiều