Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 2: Khảo sát đại dương

10:09, 07/09/2011

22 năm qua, nhà giàn DK1 vẫn tồn tại như một bằng chứng lịch sử về sự cống hiến, hy sinh thầm lặng của các thế hệ chiến sĩ hải quân. Những câu chuyện về ngày đầu tiên gian khó ấy vẫn tươi mới, vẹn nguyên trong ký ức Trung tá Nguyễn Tiến Cường, nguyên thuyền trưởng trên con tàu vượt sóng ra thềm lục địa đánh dấu “cột mốc chủ quyền” Tổ quốc trên biển Đông.

 

 

Trung tá Nguyễn Tiến Cường, nguyên thuyền trưởng tàu HQ668 vượt biển năm 1988.
Trung tá Nguyễn Tiến Cường, nguyên thuyền trưởng tàu HQ668 vượt biển năm 1988.

22 năm qua, nhà giàn DK1 vẫn tồn tại như một bằng chứng lịch sử về sự cống hiến, hy sinh thầm lặng của các thế hệ chiến sĩ hải quân. Những câu chuyện về ngày đầu tiên gian khó ấy vẫn tươi mới, vẹn nguyên trong ký ức Trung tá Nguyễn Tiến Cường, nguyên thuyền trưởng trên con tàu vượt sóng ra thềm lục địa đánh dấu “cột mốc chủ quyền” Tổ quốc trên biển Đông.

 >>>Bài 1: Chủ quyền của Việt Nam từ minh chứng lịch sử

* Con tàu tiên phong

 Để đáp ứng yêu cầu bảo vệ chủ quyền biển đảo, thềm lục địa của Tổ quốc trong tình hình mới, tháng 10-1988, Đô đốc - Tư lệnh Hải quân Giáp Văn Cương giao nhiệm vụ cho Đảng ủy Đoàn M71 Hải quân đưa cán bộ, chiến sĩ (CBCS) ra thềm lục địa phía Đông Nam thuộc địa phận lãnh hải Đặc khu Vũng Tàu Côn Đảo khảo sát thăm dò các bãi cạn để xúc tiến xây dựng Cụm Kinh tế - khoa học - dịch vụ, làm chỗ dựa cho ngư dân ra khai thác đánh bắt thủy, hải sản; làm tiêu cho các tàu thuyền qua lại. Ngày 6-11-1988, biên đội tàu HQ713 và HQ668 do trung tá Phạm Xuân Hoa chỉ huy đã cùng đoàn khảo sát vượt sóng ra thềm lục địa.

Biên đội tàu HQ713 và HQ668 nhỏ bé và thô sơ, chỉ có chiếc la bàn từ nhưng phải hành trình trong sóng và ngược gió, có lúc chỉ tiến được 2-3 hải lý/giờ. Do không có định vị vệ tinh nên biên đội tàu sau 3 ngày hải trình đã vào vùng biển đảo Đá Lát. Đúng lúc đó thì tàu HQ713 bị vỡ lốc máy. Lệnh của Lữ đoàn trưởng, trung tá Phạm Xuân Hoa tàu HQ713 bằng mọi cách khắc phục sửa chữa lốc máy, tàu HQ668 hành trình về hướng Nam (khu vực biển bãi cạn Ba Kè). Vì không có phương tiện đo độ sâu nên các thủy thủ trên tàu HQ668 dưới sự chỉ huy của thuyền trưởng, đại úy Nguyễn Tiến Cường đã dùng máy đo độ sâu cầm tay, dây thừng thắt nút từng mét đánh dấu để đo độ sâu. Sau 3 ngày khảo sát, đoàn đã tìm được vị trí tọa độ trùng khớp với tọa độ đã ghi trên bản đồ, thả phao quả nhót đánh dấu. Sau đó, đoàn khảo sát tiếp tục hành trình đến các bãi cạn Huyền Trân, Quế Đường, Phúc Tần, Phúc Nguyên, Tư Chính, Cà Mau.

Tàu của Vùng 2 Hải quân hoạt động trên biển sóng to gió lớn
Tàu của Vùng 2 Hải quân hoạt động trên biển sóng to gió lớn

 Sau khi tìm được bãi cạn và tọa độ xây dựng nhà giàn, ngày 26-11-1988, hai biên đội tàu HQ713 và 668 của Lữ đoàn 171 dưới sự chỉ huy của  Lữ đoàn phó chính trị, trung tá Hoàng Kim Nông và biên đội tàu HQ727, HQ723 của Đoàn 129 do Trung tá Trần Xuân Vọng chỉ huy, hành trình ra các bãi cạn đã được đánh dấu tổ chức canh gác. Giữa biển mênh mông sóng dữ, đời sống của các chiến sĩ vô cùng gian khổ. Thức ăn lúc đó chủ yếu là rau muống phơi khô và đồ hộp. Do sóng lớn, toàn bộ khoang nước ngọt dưới hầm tàu bị nhiễm mặn hòa lẫn với gỉ sét. Các chiến sĩ đã dùng áo lót lọc nước ngọt bị gỉ sét, gạn nước trong để nấu cơm. Những điếu thuốc Đà Lạt chuyền tay nhau, chia nhau từng ca nước ngọt, nhường nhau từng cọng rau muống khô. Tuy khó khăn gian khổ nhưng tất cả đều nêu cao cảnh giác, quyết tâm bảo vệ tọa độ đã đánh dấu và sẵn sàng hy sinh.

Sau hơn 6 tháng khảo sát, xây dựng, canh gác bảo vệ, ngày 10-6-1989, nhà giàn Phúc Tần được hoàn thành. Đây là nhà giàn đầu tiên được xây dựng trên biển do Bộ Xây dựng thiết kế và thi công. Nhà giàn kết cấu thô sơ dạng boong-tong nổi lập lờ trên biển được định vị bởi các dây cáp nối với phao nên khi sóng to gió lớn, toàn bộ khối nhà giàn di chuyển lắc lư theo sóng. Cơn bão ngày 4-12-1990 với sức gió cấp 11 đã đánh sập nhà giàn Phúc Tần cuốn xuống biển 8 CBCS. Giữa sóng cuồng bão tố, CBCS cố bám vào mảnh phao bè chờ tàu đến cứu. Cơn bão này đã cướp đi sinh mạng của 3 chiến sĩ ưu tú là thượng úy, phó trạm trưởng chính trị Nguyễn Hữu Quảng, thượng úy quân y sĩ Lê Đức Là, trung sĩ cơ điện Hồ Văn Hiền.

* Linh hồn tổ quốc giữa ngàn khơi

Từ tháng 6-1989 đến đầu năm 1995, Việt Nam đã xây dựng những nhà giàn ở các cụm Phúc Tần, Ba Kè, Huyền Trân, Quế Đường, Tư Chính, Phúc Nguyên trên thềm lục địa Bà Rịa - Vũng Tàu và nhà giàn DK1/10 ở bãi cạn Cà Mau thuộc tỉnh Minh Hải (nay là tỉnh Cà Mau). Mỗi nhà giàn là một pháo đài vững chắc. Trên ấy là những chiến sĩ Hải quân với lòng yêu Tổ quốc vô hạn. Nắng cũng như mưa, ngày cũng như đêm, mùa biển lặng cũng như mùa bão tố, các chiến sĩ trẻ phải gồng mình trong nắng lửa, mưa rào huấn luyện, canh biển, chia nhau từng ca nước ngọt, nhường nhau từng cọng rau xanh, nhưng vượt lên trên khó khăn gian khổ ấy là tinh thần bám trụ kiên cường nơi đầu sóng ngọn gió và quyết tâm bảo vệ chủ quyền vùng biển.

22 năm xây dựng và phấn đấu trưởng thành, CBCS các nhà giàn DK1 luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Đảng và nhân dân giao phó. Hiện nay, 100% nhà giàn đã có điện thắp sáng từ nguồn pin năng lượng mặt trời, đời sống từng bước được cải thiện, nấu cơm bằng điện. Chiều thứ bảy các chiến sĩ gọi điện về đất liền thăm hỏi người thân, thông tin được cập nhật qua mạng Internet, CBCS đoàn kết thương yêu nhau như ruột thịt, trên dưới một lòng quyết tâm bảo vệ biển đảo quê hương, và khát vọng lớn nhất là quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, thềm lục địa của Tổ quốc yên bình.

Nhớ lại ký ức những biên đội tàu HQ713, 668 đi khảo sát tọa độ trên biển, trung tá Nguyễn Tiến Cường chia sẻ: “Ngày ấy đi biển háo hức lắm. Cứ nghĩ đi ra tuyến đầu Tổ quốc là tim rạo rực. Cuộc đời lính biển vinh quang nhất là được vẫy vùng trên biển, được canh giữ chủ quyền Tổ quốc mình. Mỗi sáng bình minh, đứng trên mạn tàu nhìn về nhà giàn DK1 tôi lại thấy nơi ấy có linh hồn Tổ quốc mình giữa ngàn khơi”.

Mai Thắng

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều