Báo Đồng Nai điện tử
En

Loạn sách thời internet

08:02, 09/02/2012

Nhiều năm qua, những cụm từ “loạn sách tham khảo”, “loạn sách công cụ” đã được dùng để chỉ thực trạng xuất bản sách cẩu thả, chạy theo lợi nhuận, bất chấp giá trị sách... Khi mà nỗi lo về thực trạng này chưa kịp vơi bớt thì sách số - còn gọi là e-book và các thư viện online trên mạng ra đời - tạo ra một cái loạn mới…

Nhiều năm qua, những cụm từ “loạn sách tham khảo”, “loạn sách công cụ” đã được dùng để chỉ thực trạng xuất bản sách cẩu thả, chạy theo lợi nhuận, bất chấp giá trị sách... Khi mà nỗi lo về thực trạng này chưa kịp vơi bớt thì sách số - còn gọi là e-book và các thư viện online trên mạng ra đời - tạo ra một cái loạn mới…

* Đọc, đâu phảI cầm một cuốn sách…

Thảo, một nam thanh niên mới 28 tuổi vừa xuất ngũ, hiện đang cùng gia đình cai quản mấy hecta cao su ở Bình Phước. Hôm gặp tôi ở một lớp đại học tại chức, anh hỏi: “Thầy có thích đọc sách không, em mới có một kho 8.000 cuốn. Có gì em sẽ chép qua USB cho thầy”.

Tôi ngạc nhiên nhìn cậu thanh niên ở một tỉnh không hề trung tâm tý nào. Thảo nói, từ lâu em đã đọc sách điện tử, không mua sách giấy nữa. Đọc sách điện tử tiện hơn nhiều và cũng rẻ nữa.

Thiết bị số nhỏ gọn giờ đây có thể chứa hàng vạn cuốn sách.
Thiết bị số nhỏ gọn giờ đây có thể chứa hàng vạn cuốn sách.

Thư viện của Trường cao đẳng phát thanh - truyền hình 2 khá khiêm tốn. Nhiều năm qua, nhà trường đã cố gắng đầu tư để phòng đọc tiện nghi hơn, đầu sách nhiều hơn. Tuy nhiên, chưa bao giờ thư viện quá tải.

Trong khi đó, ngoài giờ học, hành lang của trường chật cứng sinh viên. Họ ngồi xuống sàn, máy tính đặt trên gối.

Tương tự như vậy, thư viện của Đại học khoa học xã hội và nhân văn (thuộc Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh) cũng không có đủ sức hút với sinh viên. Giới thiệu sách tham khảo, đa số sinh viên đòi photo sách chứ không chịu lên thư viện đọc. Còn nếu tài liệu nào có trên mạng thì “tốt nhất là online”, đó là ý kiến của đa số sinh viên năm 4 ngành văn hóa học. Sảnh của Trường đại học KHXH-NV luôn đông và thiếu ổ cắm.

Thư viện của Đại học công nghiệp TP.Hồ Chí Minh, bên cạnh phát triển hệ thống sách in còn tập trung đầu tư phòng máy tính kết nối internet để phục vụ “nhu cầu online” sinh viên.

“Với người làm khoa học, internet thật tuyệt, chỉ cần biết search đúng từ khóa và cú pháp, nhiều tài liệu rất mới liên quan đến vấn đề mà mình nghiên cứu dưới dạng sách điện tử xuất hiện, có “khuyến mãi” vài chương quan trọng của cuốn sách đó. Và đọc xong, nếu thấy cần thì mua hoặc nhờ mua, thủ tục cũng rất đơn giản. Sách đủ các ngôn ngữ. Nói chung, đọc trên internet nhanh, rẻ, đa dạng, phong phú… Và cần thì down về đọc qua Ipad khi đi xe buýt, khi nằm võng rất thích” - ThS. Thắng, giảng viên Trường đại học KHXH-NV nói thêm.

Và thế là, đọc sách với laptop, đọc sách với Ipad đang trở thành một hiện tượng “thường ngày ở huyện” ở các đô thị. Thế nhưng, không phải ai cũng biết chọn đúng sách mà đọc, vì cái chợ sách trên mạng và trôi nổi trong cuộc sống cực kỳ xô bồ, thượng vàng hạ cám, sách hay xen lẫn với sách đen, sách xấu, đó là chưa nói tình trạng vi phạm bản quyền… 

* Trong rừng sách tham khảo, sách công cụ

Đi vào các nhà sách, cửa hiệu sách bây giờ có cảm giác như đi lạc vào giữa một rừng sách tham khảo và sách công cụ của nhiều tác giả, nhiều nhà xuất bản. Sách tham khảo, sách công cụ vẫn tràn ngập cho dù đã có biết bao bài viết phân tích tình trạng thả nổi mảng sách này.

Một người học tiếng Anh sẽ thật sự hoang mang không biết chọn cho mình bộ sách nào để mua vì quá nhiều cái tựa, mà tựa sách dường như là cái người ta làm kỹ nhất vì mục tiêu… bán sách. Chị Hoàng Thị Lan, giáo viên dạy Vật lý nói: Sách bồi dưỡng, nâng cao năm nào cũng tăng thêm (dù sách tham khảo cũ vẫn còn bày bán). Mỗi một môn học có ít nhất từ 3, 4 đầu sách tham khảo. Các môn cơ bản và các môn có thể thi Tú tài như toán, văn, ngoại ngữ, vật lý, hóa học có số lượng sách tham khảo nhiều với hàng chục đầu sách. Nào những bài văn mẫu, các bài tập chọn lọc, luyện thi đại học (về toán, lý, hóa, tiếng Anh…), nào những sổ tay, bí quyết, hỗ trợ kiến thức v.v… nhan nhản. Tâm lý phụ huynh và học sinh là “đọc lầm hơn bỏ sót” vì muốn có càng nhiều sách phục vụ cho việc học để “bằng anh, bằng chị” nên dù xót xa số tiền bỏ ra cũng ít khi dũng cảm bỏ qua sách tham khảo… Học sinh nào may mắn có thầy cô hướng dẫn thì chuyện mua sách tham khảo đỡ bị lạc vào mê hồn trận, nhưng phần lớn đều bỏ ra số tiền gấp 3,4 lần tiền mua sách giáo khoa. Công bằng mà nói, trong số những sách tham khảo, cũng có những cuốn sách tốt, song số học sinh tiếp cận được sách tốt rất ít, đa số là những sách chất lượng kém, thậm chí có không ít sách rất có hại.

* Họ đã thành tác giả sách như thế nào?

Một tay kỹ sư tại chức thất nghiệp, tiếp cận một phần mềm thông thường từ một khóa học vi tính, do thời gian rảnh rỗi, anh ta viết lại bài học (có tính chất hướng dẫn thao tác) và chụp lại màn hình máy tính để thị phạm. “Tài liệu” này được bán cho một nhà xuất bản ngành. Cuốn sách được in ra. Sách rất dày nhưng do ảnh chụp từ màn hình máy tính quá nhiều, còn lại là phần hướng dẫn thao tác (thậm chí phần này chưa được 50% nội dung của phần hướng dẫn - help - được tích hợp với phần mềm ấy). Nhưng điều đáng nói là nội dung do anh ta “biên soạn” lại sai nhiều kiến thức và cách dùng từ, thuật ngữ.

Rất nhiều cuốn sách tham khảo cũng có “lịch sử hình thành” tương tự. Những người biên soạn không phải là người giỏi học thuật, chuyên môn mà… nhạy bén với thị trường sách. Không có gì khó khăn để chứng minh rằng nhiều cuốn sách tham khảo đều lấy đề, bài tập từ sách giáo khoa, sách bài tập để giải, hầu như không có bất cứ một hướng dẫn hay gợi ý nào để học sinh tự trả lời. Việc giải đáp các câu hỏi trong những loại sách này thì có không biết bao nhiêu chuyện cười ra nước mắt.

Loạn xuất bản sách tham khảo còn biểu hiện ở chuyện “xào” sách: lấy cuốn này một phần, cuốn kia một phần để “làm mới” với tên gọi thật kêu! Thậm chí, có trường hợp sử dụng nguyên xi nội dung một cuốn sách tham khảo đã in để tái bản với tên gọi câu khách mới tại một nhà xuất bản khác.

Những nhà giáo chân chính, cả đời làm sư phạm, có nhiều kỹ năng chuyên môn giỏi đã nhiều lần lên tiếng bất bình về những cuốn sách “tham khảo” kiểu đó. Họ cho rằng đó là những cuốn sách phá hỏng giáo dục: tạo tâm lý đối phó trong học tập thi cử, tạo ra hình thức học vẹt, văn mẫu, không chỉ sai kiến thức nặng mà còn đi ngược lại với sách giáo khoa… Đó là những ấn phẩm đi ngược lại chủ trương của cả nền giáo dục!

Sách tham khảo, sách công cụ thường do những nhóm làm sách “đại gia” chi phối các nhà xuất bản ngành, địa phương. Lợi nhuận là mục tiêu số một của họ. Những cuốn sách này có đặc điểm giống nhau: giá cao (người mua gánh) và chiết khấu cao (lợi thế phát hành để kích thích người bán). Sách đầu tư ít, in ấn ẩu, sử dụng cỡ chữ lớn, dàn trang thưa dòng, chừa nhiều khoảng trắng để sách có nhiều trang, dễ đưa giá lên...

Nhiều cuốn sách tham khảo đã nhanh nhạy trong việc nắm bắt chủ trương của ngành giáo dục vì mục đích làm sách. Sách được làm cực kỳ cẩu thả nhưng do nó phù hợp với “thời sự giáo dục” nên bán vẫn chạy.

* Và trên cái kho sách mạng

Anh Nguyễn Thanh Dũng, một cán bộ trong ngành xây dựng, tâm sự: “Khi mấy đứa con tôi giờ đây dán mắt vào laptop hay Ipad, tôi không thể yên tâm là nó đọc gì, học gì. Thà nhìn thấy chúng cầm cuốn sách trên tay vẫn hơn. Các bậc cha mẹ ngày nay thật khó tin vào cái câu “con đang học” khi thấy con mình chăm chú vào cái máy tính. Có thể học, có thể đọc sách và cũng có thể là xem phim, thậm chí là xem các loại phim rất không nên xem.

Công nghệ số và internet cũng làm người đọc mệt mỏi vì hoạt động sao chép được thực hiện quá dễ dàng dẫn đến sự trùng lặp không thể tránh khỏi. Các tài liệu được trích dẫn và “tam sao thất bản” là khá phổ biến.

Tiếp cận sách số ebook là xu hướng chung của thế giới.
Tiếp cận sách số ebook là xu hướng chung của thế giới.

“Kho sách” trên mạng cực kỳ xô bồ, thượng vàng hạ cám, ai cũng có quyền xuất bản trên mạng. Tính chất không biên giới, khó kiểm soát của thông tin internet đã tạo cơ hội cho nhiều đối tượng khác nhau có thể đưa lên những xuất bản phẩm không tốt, những xuất bản phẩm vi phạm thuần phong mỹ tục, vi phạm an ninh quốc gia....

Khi người đọc có quá nhiều sự tự do chọn lựa thì không ai biết những cuốn sách đen, sách bẩn, sách phản động có được họ tự giác lọc ra khỏi thực đơn sách online của mình không.

Mặt trái của tấm huy chương tiện lợi phong phú của sách online không chỉ có thế, đó là sự bầy đàn trên mạng xã hội. Tâm lý a dua, khen chê theo phong trào của cư dân mạng xã hội có khi dẫn đến những định hướng lệch lạc, sự chọn lựa sai trái.

Internet và mạng xã hội là sản phẩm của văn minh nhân loại, xuất bản phẩm được số hóa cũng là thành tựu tuyệt vời của trí tuệ loài người. Tuy nhiên, tất cả chỉ là những công cụ. Việc sử dụng công cụ cho mục đích nào mới là chuyện quan trọng. Theo các nghiên cứu về thói quen sử dụng internet đã  được công bố, thì tuổi thiếu niên và thanh niên là đối tượng khai thác thông tin trên internet nhiều nhất hiện nay. Đây là lứa tuổi cần được định hướng sự lựa chọn để các bạn trẻ ấy không bị “sa chước cám dỗ” vào mê hồn trận tài liệu đọc trên mạng.

Sao Khuê

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích