Báo Đồng Nai điện tử
En

Nghề “gác” vườn thuê

09:03, 01/03/2012

Với những người làm nghề giữ vườn thuê, điều họ lo sợ nhất chính là việc ông chủ sẽ bán vườn. Cứ mỗi lần thay chủ là mỗi lần cả gia đình họ phải đi hết nơi này đến nơi khác tìm việc, mọi thứ lại bắt đầu và cuộc mưu sinh cứ kéo dài bất tận. Giữ vườn thuê, đó là thứ công việc vất vả, long đong như tính cách của người dân miền Tây sông nước.

Với những người làm nghề giữ vườn thuê, điều họ lo sợ nhất chính là việc ông chủ sẽ bán vườn. Cứ mỗi lần thay chủ là mỗi lần cả gia đình họ phải đi hết nơi này đến nơi khác tìm việc, mọi thứ lại bắt đầu và cuộc mưu sinh cứ kéo dài bất tận. Giữ vườn thuê, đó là thứ công việc vất vả, long đong như tính cách của người dân miền Tây sông nước.

Trong khi đường phố nhộn nhịp với những ngọn đèn xanh đỏ nhấp nháy thì tại vùng đầm nước ngay cạnh con sông Ông Kèo (huyện Nhơn Trạch), nhiều gia đình nghèo làm nghề giữ vườn thuê chen chúc nhau trong căn chòi bé xíu bên ngọn đèn dầu leo lắt.

* Muôn nẻo giữ vườn

Nhiều năm trước, nơi đây chỉ là vùng đất hoang vu, cây cối rậm rạp, nhưng từ khi các dự án mọc lên, đất đai bỗng có giá. Đất được phân lô, chia chủ, nhiều “đại gia” ở TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương sở hữu cả mấy chục mẫu đã tìm người chăm sóc cây cối, quản lý vườn tược, từ đó mà có nghề giữ vườn thuê.

Anh Chung trầm ngâm, chưa biết sẽ đi đâu, về đâu nếu khu vườn này sang tên cho ông chủ khác.
Anh Chung trầm ngâm, chưa biết sẽ đi đâu, về đâu nếu khu vườn này sang tên cho ông chủ khác.

Ông Năm (quê ở tỉnh Kiên Giang) có thâm niên hơn 7 năm đi giữ vườn cho biết, chủ đất chỉ che cho cái lán tạm, tất cả chỉ có vậy. Gần 4 mẫu đất trồng mai vàng, cau cảnh và hàng ngàn gốc dừa... ông trọng coi, mỗi tháng được chủ đất trả lương 2 triệu đồng. Công việc của ông không đơn thuần là làm cỏ rồi trồng vài thứ cây mới, mà còn nhiều yêu cầu khác, như: đảm bảo không để mất mát vài thứ tài sản trong vườn và quan trọng hơn là nếu có người hỏi mua đất thì báo ngay cho ông chủ. Theo ông Năm, công việc này đòi hỏi sự cẩn thận và tính trung thực của người giữ. Khi khách hàng đến khảo sát đất đai, mọi thứ từ vật nuôi trong nhà, cây kiểng ngoài vườn, tiếp đón khách thay chủ phải tạo cho họ sự hài lòng. “Gặp người dễ tính không sao, chẳng may gặp người khó tính, nếu họ thấy không vừa lòng rồi phản ánh cho chủ biết thì mình bị la, đuổi việc không chừng” - ông Năm trầm ngâm.

“Chung vách” với gia đình ông Năm là gian nhà lá của Phúc “đò” (37 tuổi, quê ở tỉnh Đồng Tháp). Sau khi uống ngụm nước chè tươi xanh ngắt, Phúc “đò” mới bắt đầu câu chuyện “gác” vườn thâm niên của mình. Gần chục năm làm nghề này, khắp xứ miền Tây, chưa nơi nào Phúc chưa đặt chân đến. Từ nhỏ gia đình đói ăn lại đông anh em, Phúc phải đi ở mướn cho nhà giàu, lớn lên chút nữa lại đi chăn vịt thuê. Sau khi lập gia đình, Phúc sắm được chiếc đò nhỏ rồi cùng vợ con phiêu dạt theo con nước, kênh rạch sống đời trôi nổi, cũng vì thế mà nhận luôn biệt danh Phúc “đò”. “Bây giờ, chủ chỉ mướn người giữ vườn dài hạn, không còn mướn công theo từng năm một như trước. Do đó, người làm phải thật thà, siêng năng” - Phúc “đò” nói.

Vào sâu trong khu vườn rộng gần 5 mẫu mà gia đình ông Hai Qua chăm sóc, đâu đâu cũng thấy dừa, trái xanh treo lủng lẳng khắp cành, trái khô lăn lóc đầy dưới đất. Thấy vậy, ông Năm và Phúc “đò” không ngớt lời khen ngợi. Vì giữa lúc dừa bị bệnh, trái đậu ít, thì vườn ông Hai Qua trông giữ lại đạt năng suất cao như thế. Bắt chuyện với ông Hai Qua, chúng tôi được biết, ông là đồng hương với ông Năm. Nhờ có kinh nghiệm làm vườn nên nhiều chủ tin cậy và trả công cho ông rất hậu hĩnh. Hiện tại, ông đã cất được một căn nhà nhỏ tại ấp Thanh Minh, xã Vĩnh Thanh (huyện Nhơn Trạch). Ngày ngày, ông vẫn chèo xuồng đến thăm vườn, coi đó như nguồn sống chủ yếu của gia đình. Là dân quê chính hiệu nên chuyện làm cỏ, tưới nước, giúp chủ thu hoạch dừa với ông Hai Qua chẳng mấy khó khăn. So với mấy người bạn làm nghề này, ông là người có thu nhập khá, con cái đều khôn lớn, lập gia đình. Xem công việc này như thú vui khi về già, hàng ngày ông Hai Qua nhìn vườn cây xanh tươi, đầy ăm ắp trái mà lòng thấy phấn khởi, thoải mái.

* Chật vật kiếm cơm nuôi con

Ở cái xóm nghèo dọc con sông Ông Kèo, cuộc sống của những gia đình làm nghề giữ vườn thuê cũng bấp bênh, thiếu thốn. Cách xa trung tâm xã Phước Khánh (huyện Nhơn Trạch) cả mấy cây số nhưng lại chỉ có vài hộ dân sinh sống nên điện, nước trở thành thứ hàng xa xỉ đối với họ. Gia đình anh Lý Thành Chung (41 tuổi) sống chủ yếu bằng việc đi làm mướn kiếm cơm nuôi con. Mọi sinh hoạt, nấu nướng, ăn, ngủ và chuyện học hành của con cái đều dựa vào tiền công, nhưng dù có thiếu thốn cũng phải đảm bảo hoàn thành các công việc chăm sóc vườn tược cho chủ đất. Anh Chung thừa nhận, điều kiện ăn, ở rất tạm bợ, thu nhập không cao, nhưng anh đành chấp nhận làm để kiếm thêm tiền trang trải chi tiêu trong gia đình. Nhớ lại ngày mới lên, anh nói: “Ngày đầu, ở đây heo hút, cây cối rậm rịt lắm, lấy được tiền lương của chủ mà chảy nước mắt, đêm về đau khắp mình mẩy. Dù thế, do vườn rộng nên dọn cỏ xong đầu này quay lại thì đầu kia đã xanh trở lại”. Căn nhà lá gia đình anh Chung đang ở được ông chủ cất gần 5 năm, đến nay đã rệu rã nhưng chưa một lần lợp lại mái, thay cột kèo, đòn tay.

Những căn nhà lá tạm bợ của các gia đình làm nghề “gác” vườn thuê.
Những căn nhà lá tạm bợ của các gia đình làm nghề “gác” vườn thuê.

Trong căn nhà rộng chưa đầy 30m2, chật chội, ẩm thấp, xung quanh áo quần, xoong nồi vương vãi khắp nơi, đứa con trai Lý Công Nghĩa (19 tuổi) của anh Chung nằm quặt quẹo trên chiếc giường xếp. Chị Hải (vợ anh Chung) rầu lòng cho biết, Nghĩa mang bệnh áp-xe gan đã 6 năm, bây giờ đang trong thời kỳ mưng mủ, cơ thể gầy gò, tiều tụy. “Ngày trước, nhà tôi khá lắm chứ, nhưng khi cháu bị bệnh, chúng tôi bán hết ruộng vườn, nhà cửa để chữa trị. Nhưng bệnh chưa khỏi thì cả nhà phải kéo nhau lên đây nương thân. Giờ còn nợ người ta cả cây vàng, chẳng biết khi nào trả hết, con cái thất học” - chị Hải chua chát nói.

Trên chiếc xuồng cũ nát, ông Năm rướn người dùng chân khua mái chèo rẽ nước nặng nề; khuôn mặt ông  hốc hác sạm đen vì nắng. Ông ngồi bệt xuống vũng nước đang thấm vào trong mấy tấm gỗ rồi hăng hái gỡ mấy con cá lòng tong vừa dính lưới. Ngoài công việc giữ vườn, để có tiền nuôi đàn con, phải giấu ông chủ đất chuyện đặt “lò”. Vợ chồng ông có 5 người con, vài đứa đã có gia đình, còn lại theo nhau đi làm mướn. Đêm về, hơn 10 con người nằm trằn trọc trong căn chòi nhỏ bé. Với ông Năm, có một nơi nương thân khi mưa lớn gió lùa là may mắn lắm rồi. Ở quê, ruộng vườn chẳng có, con đông nên cái nghèo cứ mãi đeo bám. Năm 2005, cả nhà kéo nhau lên đây bươn chải mưu sinh. Màn đêm buông xuống, cũng là lúc ông chèo xuồng đi đặt lò. Phía bờ đối diện thuộc xã Vĩnh Thanh đã lung linh sắc màu ánh điện. Đối lập với dòng người tấp nập, thi nhau nâng ly, hạ chén của vài ba quán nhậu ven sông là hình ảnh vợ chồng ông Năm cùng mấy đứa con lầm lũi kiếm từng đồng tiền mua gạo.

“Giờ về quê cũng chẳng đặng, ruộng vườn không có, chỉ còn căn nhà lá. Mình già rồi, ở đâu không được, chỉ buồn là sau khi chủ bán hết đất thì không biết lấy gì mà làm. Dù không an cư nhưng ít ra khi đám trẻ lớn lên ở đây cũng có việc mà đi làm công nhân cho các nhà máy, xí nghiệp" - ông Năm nói.

Võ Nguyên

 

 

 

Tin xem nhiều