Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 2: Lắm gập ghềnh trên đường hòa nhập

07:06, 21/06/2012

Trước tác động nhiều mặt của cuộc sống và sự thiếu quan tâm của gia đình, nhiều trẻ sớm vướng vào ma túy và nhanh chóng trở thành tội phạm… Ngăn ngừa trẻ nghiện ma túy, hỗ trợ cai nghiện và tái hòa nhập cộng đồng cho đối tượng này sẽ là vấn đề khó, nếu thiếu sự chung tay của cộng đồng và những người có trách nhiệm.

Tạo điều kiện cho các em được học nghề tại cơ sở sửa xe Huỳnh Hữu Hải (TP. Biên Hòa).
Tạo điều kiện cho các em được học nghề tại cơ sở sửa xe Huỳnh Hữu Hải (TP. Biên Hòa).

Trước tác động nhiều mặt của cuộc sống và sự thiếu quan tâm của gia đình, nhiều trẻ sớm vướng vào ma túy và nhanh chóng trở thành tội phạm… Ngăn ngừa trẻ nghiện ma túy, hỗ trợ cai nghiện và tái hòa nhập cộng đồng cho đối tượng này sẽ là vấn đề khó, nếu thiếu sự chung tay của cộng đồng và những người có trách nhiệm.

* Hòa nhập cộng đồng: Khó trăm bề

Theo Nghị định số 94/NĐ-CP, người sau cai nghiện (trong đó có trẻ em) sẽ được các đoàn thể địa phương tiếp cận, tư vấn tâm lý, tạo điều kiện hướng nghiệp, học nghề và tạo việc làm... để họ nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng, vươn lên trong cuộc sống. Thế nhưng, trong quá trình triển khai, hoạt động này đã và đang gặp nhiều bất cập, khiến hiệu quả không cao.

Bất cập được những người làm công tác phòng, chống ma túy nhắc đến là công tác quản lý sau cai nghiện vẫn còn bị bỏ ngỏ. Một thực tế là hầu hết các xã, phường đều thiếu cán bộ chuyên trách, kinh phí cho các hoạt động này cũng rất hạn hẹp, nhiều cán bộ làm công tác trẻ em còn ngại tiếp xúc với những trẻ nghiện ma túy (vì đối tượng phức tạp, hay nhiều em nhiễm HIV/AIDS...), nên sau khi tiếp nhận đối tượng từ các trung tâm cai nghiện, trường giáo dưỡng, cán bộ làm công tác trẻ em thường bàn giao cho công an và tổ chức quản lý một cách hành chính, cứng nhắc. Ngành công an cũng chỉ nắm “quân số” và nhắc nhở đối tượng không được gây mất trật tự an ninh xã hội, chứ chưa có sự phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng; hình thức hỗ trợ tâm lý cai nghiện và sau cai nghiện cũng chưa thật cụ thể, hiệu quả.

Theo quy định, công tác quản lý sau cai nghiện chủ yếu tập trung vào khâu tư vấn, tác động tâm lý, sau đó là định hướng học nghề và tạo việc làm cho người nghiện. Việc này không chỉ được thực hiện trực tiếp với bản thân và gia đình người nghiện, mà còn cả cộng đồng dân cư nơi đối tượng sinh sống, đặc biệt là cộng đồng xã hội có cách nhìn nhận đúng đắn, thông cảm, không kỳ thị... nhằm giúp trẻ sau cai nghiện có động lực vươn lên. Tuy nhiên, một thực tế đau lòng hiện nay là tỷ lệ tái nghiện ở trẻ sau cai đang rất cao. Trên địa bàn Đồng Nai, tỷ lệ trẻ tái nghiện lên đến 70-80% sau một năm cai nghiện.[links(right)]

Khó khăn nữa là sự thiếu hợp tác từ chính các trẻ sau cai nghiện và gia đình các em. Bà Phạm Thị Lệ Thủy, Chi cục phó Chi cục Bảo trợ xã hội - bảo vệ và chăm sóc trẻ em tỉnh chia sẻ: “Có nhiều trẻ, sau khi hoàn thành quy trình cai nghiện, được đưa về gia đình thì bị chính gia đình các em từ chối đón nhận, thậm chí ruồng rẫy. Hoặc có gia đình tiếp nhận nhưng thiếu sự quan tâm, yêu thương và hướng dẫn..., khiến các em mặc cảm, tự ti nên cũng khó hòa nhập cộng đồng. Không ít em về nhưng không muốn tiếp cận với chính quyền địa phương để được tư vấn học nghề, vì tâm lý ngại tiếp xúc với các cơ quan chức năng. Dù khi đón các em ra khỏi trung tâm cai nghiện hoặc trường giáo dưỡng, chúng tôi đã tư vấn, hướng dẫn cho các em biết rằng: Với chính sách quản lý người nghiện sau cai, bản thân các em ít nhiều sẽ được hỗ trợ cả về tinh thần và vật chất, được tạo diều kiện hòa nhập cộng đồng..., nhưng nhiều em, nhiều gia đình không mấy thiết tha”.

* Cần lắm sự hỗ trợ tâm lý, học nghề và việc làm

Trung tá Hoàng Duy Thiện, Phó hiệu trưởng Trường giáo dưỡng số 4 (thuộc Cục V26 - Bộ Công an) nhấn mạnh: “Hiện nay, trường quản lý khoảng 1.200 trẻ phạm pháp, trong đó có hơn 200 em của Đồng Nai. Đáng buồn là nhiều em trong số này vi phạm pháp luật do bức bách tiền mua ma túy. Điều đó cho thấy, cần phải có những kế hoạch hành động sớm, toàn diện để ngăn ngừa trẻ phạm pháp nói chung và trẻ nghiện ma túy nói riêng. Bởi, không ít đối tượng hình sự tham gia vào những vụ án lớn, nghiêm trọng từng là trẻ phạm pháp, nhưng sau quá trình học tập tại trường (sau cai nghiện) không được tạo điều kiện tốt để tái hòa nhập cộng đồng, khiến các em tái nghiện, tái phạm pháp”.

Hỗ trợ tâm lý, dạy nghề và tạo việc làm cho trẻ sau cai nghiện hòa nhập cộng đồng nhằm phòng tránh, ngăn ngừa trẻ tái nghiện và vi phạm pháp luật đang rất cần sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, đặc biệt là của gia đình có trẻ nghiện ma túy. Qua gặp gỡ một số gia đình có con sau cai nghiện ma túy đang được địa phương quản lý, chúng tôi được ông V.T. (phụ huynh ở xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu) cho biết: “Nhiều đoàn thể của xã, như: Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn Thanh niên, và cả công an..., cũng đến nhà gặp gỡ, nhưng chủ yếu là để nắm tình hình, quản lý về “quân số” và nhắc nhở cháu không gây rối trật tự công cộng mà thôi. Còn việc tư vấn tâm lý và hỗ trợ học nghề rất hạn chế”.

Sự yêu thương của cha mẹ sẽ giúp các em đứng vững sau những va vấp cuộc đời.
Sự yêu thương của cha mẹ sẽ giúp các em đứng vững sau những va vấp cuộc đời.

Những năm vừa qua, Đồng Nai đã tiếp nhận nhiều dự án hỗ trợ ngăn ngừa trẻ vi phạm pháp luật, trong đó có trẻ sau cai nghiện ma túy. Hầu hết các dự án đều tập trung cho công tác dạy nghề và tạo việc làm cho những đối tượng này. Tuy nhiên, theo đánh giá của bà Lê Thị Mỹ Phượng, Giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội, hoạt động hỗ trợ việc làm đối với đối tượng trẻ em vi phạm pháp luật, trẻ nghiện ma túy rất khó khăn. Đối với những trẻ sau cai, nếu thuộc diện bảo trợ xã hội (như: mồ côi, khuyết tật...), các em được hưởng trợ cấp thường xuyên. Trường hợp gia đình các em thuộc diện nghèo, cũng được hỗ trợ vốn để phát triển kinh tế gia đình, giúp các em ổn định cuộc sống. Song, vẫn còn quá nhiều khó khăn mà nếu chỉ ngành lao động tích cực thôi thì chưa đủ. Chẳng hạn, với nhiều trẻ nghiện ma túy, trong thời gian cai nghiện tập trung tại Trung tâm giáo dục - lao động và xã hội được học nghề, nhưng khi ra trường lại không thể sống bằng nghề đó tại địa phương. Không có việc làm, thiếu sự quan tâm của gia đình, giao tiếp với bạn bè xấu..., nhiều trẻ chẳng mấy chốc quay lại đường cũ.

Bằng sự quan tâm thiết thực đến đối tượng trẻ có hoàn cảnh đặc biệt này, Công ty cổ phần Thanh Bình đã xây dựng một khu nhà ở khang trang, đủ tiện nghi dành để tiếp nhận, tạo việc làm cho trẻ mồ côi, trẻ sau cai nghiện, trẻ sau khi rời trường giáo dưỡng… Nhưng rồi, tâm huyết của công ty cũng không được toại nguyện. Ông Phạm Đức Bình, Tổng giám đốc công ty cho biết: “Trung tâm hỗ trợ trẻ vào đời sớm đã xây dựng hơn 2 năm, nhưng chưa bao giờ “quân số” lên đến 30 em, dù tôi đã tạo điều kiện để các em có chỗ ăn, ở, học nghề và đi làm có thu nhập. Bởi, để các em có thể yên tâm sống trong trung tâm, cần phải có sự hỗ trợ của gia đình, của các ngành chức năng và chính bản thân các em quyết tâm đoạn tuyệt với cái xấu”. 

Vĩnh Linh

 

 

 

Tin xem nhiều