Báo Đồng Nai điện tử
En

Chim rừng xuống phố

08:07, 09/07/2012

Những năm trở lại đây, thú chơi chim cảnh nổi lên ngày càng nhiều. Nắm bắt nhu cầu này, các “lái” chim rừng lùng sục tìm kiếm những loài chim quý từ các "tay" thợ săn để đưa về thành phố trao đổi, mua bán. Chơi chim cảnh là thú chơi tao nhã có từ lâu đời, nhưng khi nuôi chim trở thành phong trào rộng khắp thì kéo theo đó là nhiều biến tướng xấu, như: nạn bẫy chim rừng một cách vô tội vạ và các trò tiêu khiển đỏ đen từ việc chọi chim.

Những năm trở lại đây, thú chơi chim cảnh nổi lên ngày càng nhiều. Nắm bắt nhu cầu này, các “lái” chim rừng lùng sục tìm kiếm những loài chim quý từ các "tay" thợ săn để đưa về thành phố trao đổi, mua bán. Chơi chim cảnh là thú chơi tao nhã có từ lâu đời, nhưng khi nuôi chim trở thành phong trào rộng khắp thì kéo theo đó là nhiều biến tướng xấu, như: nạn bẫy chim rừng một cách vô tội vạ và các trò tiêu khiển đỏ đen từ việc chọi chim.

Hàng ngày, tại nhiều tuyến đường ở TP.Biên Hòa và các huyện lân cận, hàng chục loài chim được bày bán công khai. Những con chim tội nghiệp bị “cầm tù” trong chiếc lồng kín, không buồn đập cánh.

* Buôn bán tràn lan

Tại các địa điểm, như: gần khu vực Công ty TNHH một thành viên Điện lực Đồng Nai, lối dẫn vào ngã ba sân vận động tỉnh, đường Nguyễn Ái Quốc (TP.Biên Hòa)…, xuất hiện gần chục người đi xe máy, xe đạp chở những chiếc lồng chim đi bán. Có nhiều loài chim, như: chào mào, vẹt, nhồng, sáo, cu… được bày bán tràn lan. Họ phân nhau bán rải rác khắp các ngả đường từ sáng đến chiều tối. Trên xe thường chất kín những lồng chim to nhỏ khác nhau. Có lồng chỉ 1-2 con chim quý, nhưng cũng có chiếc xe chứa đến 20-35 con, như: khướu, nhồng, chào mào, chích chòe lửa…

Một điểm bán chim cảnh trên đường Phan Đình Phùng  (TP.Biên Hòa).                                                                                        Ảnh: T. HẢI
Một điểm bán chim cảnh trên đường Phan Đình Phùng (TP.Biên Hòa). Ảnh: T. HẢI

Vào vai vị khách mới tập chơi chim, tôi tiếp cận với một người bán chim trên đường Nguyễn Ái Quốc. Một số người tìm đến người bán chim này cho biết, chị H. (tên người bán chim) là “lái” chim chính ở đoạn đường này. Lúc nào cũng có người đến gặp chị H. hỏi mua chim, vì chim ở đây đa dạng, lại được người bán trấn an “chim nuôi đảm bảo sống tốt”. Như để chứng minh, chị H. thò tay vào lồng bắt ra 2 con nhồng và nói: “Con nào cũng ăn khỏe, chỉ sợ không có tiền mua thôi. 1,5 triệu đồng cho con tự ăn, còn với con mình phải mớm cho ăn thì rẻ hơn một phần ba”. Theo chị H., mỗi tuần chị bán khoảng vài chục con chim; nhiều nhất vẫn là các loại chim rẻ tiền, như: chào mào, cu gáy... Chúng tôi băn khoăn “hàng đâu mà nhiều thế” thì chị cho hay, nguồn hàng chủ yếu được các "tay" săn chim chuyên nghiệp bẫy ở 2 vùng rừng rộng lớn là Vườn quốc gia Cát Tiên và Khu bảo tồn thiên nhiên và văn hóa Đồng Nai. Ngoài ra, để kiếm nguồn hàng mới, chị H. không ngại lấy mối từ những người săn bắt ở Lâm Đồng về, miền Trung đem vào. Giải thích về chuyện này, chị H. hồn nhiên cho biết: “Ở đó, rừng lắm, cây nhiều nên thiếu gì chim. Những loài quý thường ngụ ở đấy cả!”.

Tìm đến một “lái” chim khác trên đường Võ Thị Sáu, chúng tôi có dịp chứng kiến cảnh ngã giá xì xào: “Con này giá 100 ngàn đồng, tôi mua”, “Một trăm rưỡi 2 con có bán không?”… Sau một lúc ngã giá, cuối cùng thì người bán cũng đồng ý bán cặp chim chào mào với giá 170 ngàn đồng cho khách. Bán xong, T. - chàng thanh niên làm nghề bán chim được 3 năm thổ lộ, mỗi con chim anh bán lời từ vài chục ngàn đến triệu đồng, tùy theo giá trị của mỗi con. T. còn bảo, mấy năm trước, số người bán chim dạo ít nên thu nhập khá cao. Gần đây, số người bán chim lòng vòng ở TP.Biên Hòa rồi về TP. Hồ Chí Minh tăng lên thấy rõ. Vì thế, chuyện làm ăn này cũng gặp không ít khó khăn.

“Có khi nào bị kiểm lâm "hốt" không?” - chúng tôi hỏi. “Chuyện đó có, nhưng vì lợi nhuận từ việc bán chim khá lớn nên chúng tôi không nỡ bỏ nghề”.

Để tránh sự truy đuổi của kiểm lâm, từ chỗ “đóng quân” ở gần Công ty TNHH một thành viên Điện lực Đồng Nai, T. quyết định gom nhiều lồng chim lên chiếc xe máy rồi đi bán di động. Địa điểm ưa thích của T. chính là các quán cà phê, chợ huyện ở Long Thành, Trảng Bom...

Thú chơi chim rừng lâu nay đã khá quen thuộc với người dân thị thành. Nhiều nơi còn tổ chức hẳn câu lạc bộ nghe chim hót, thi chim hót. “Mà chẳng những chơi chim đâu, nhiều "tay" chuyên đi săn chim đá, bỏ tiền triệu ra cơ đấy. Túi tiền rủng rỉnh nên họ mua cả mấy chục con rồi chỉ chọn có một à. Vì thế, dại gì mà bỏ nghề” - T. hào hứng nói.

* “Đường bay” của những cánh chim rừng

Những năm trở lại đây, việc chơi chim cảnh rộ lên tại nhiều nơi trong tỉnh, đặc biệt ở TP.Biên Hòa và các huyện lân cận. Chim cảnh được coi là thú chơi dân dã, vì đối tượng chơi khá rộng rãi, không giới hạn tuổi tác. Chủ nhân của nó chỉ bỏ ra vài chục ngàn đồng mua một cái lồng, rồi nhốt vào đó một chú chim. Hàng ngày, với một ít nước uống và chút thức ăn, người chơi có thể tha hồ ngắm và nghe chim hót. Tuy nhiên, khi nuôi chim trở thành phong trào rộng khắp thì kéo theo đó là nạn bẫy chim rừng một cách vô tội vạ, nhất là những loài quý hiếm.

Ngoài ra, các quán cà phê ở TP.Biên Hòa còn bắt kịp xu hướng mang thiên nhiên vào lòng phố thị, mà chim cảnh thì chẳng thể nào vắng mặt. Nhiều quán cà phê nhỏ vừa kinh doanh giải khát, vừa là nơi gặp gỡ của người yêu chim. Mặc dù, số lượng lồng chim ở những nơi đó không nhiều, nhưng lại được nhiều người đến để nghe chim hót. Buổi sáng, vừa ngồi nhâm nhi ly cà phê, vừa lắng nghe tiếng hót trong veo, trầm bổng của những chú chim, thật không gì có thể thoải mái hơn. Anh Đặng Hùng, người có sở thích nghe giọng hót của các loài chim cho biết: “Không cần nuôi chim hay chơi chim, cứ mỗi buổi sáng đến quán vừa uống cà phê, vừa nhìn ngắm và nghe chim hót thôi, lòng tôi cũng đã thấy thoải mái”.

Để tránh sự “dòm ngó” của kiểm lâm, các "tay" bán chim chọn giải pháp khôn ngoan: bán dạo và không bán quá lâu một chỗ nhất định.
Để tránh sự “dòm ngó” của kiểm lâm, các "tay" bán chim chọn giải pháp khôn ngoan: bán dạo và không bán quá lâu một chỗ nhất định.

Chủ một tiệm bán chim trên đường Phan Đình Phùng cho biết: “Gần đây, phong trào chơi chim rất phát triển, nên chim bán rất chạy. Chúng tôi lấy hàng từ nhiều nguồn, nhưng nhiều nhất vẫn là từ những người đi bẫy chim ở các vùng núi. Ở đây, chim giá bao nhiêu cũng có, từ trăm ngàn đến vài triệu đồng, muốn số lượng bao nhiêu đều có hết”.

Chơi chim cảnh là một thú chơi có từ lâu đời, thu hút rất đông người, bởi giọng hót hoặc cách chúng thi đấu. Song, biến tướng của nó lại là những “trận đấu” bạc triệu, thậm chí là hàng chục triệu đồng. Hiện nay, ngoài cách chơi chim truyền thống, nhiều người máu mê cờ bạc còn giải trí bằng trò “chọi” chim. Những quy định bất thành văn trong chọi chim được giới cá cược thực hiện khá nghiêm ngặt. Thường các vụ "chọi" chim có cá cược chỉ người trong cuộc mới biết, còn người ngoài khi xem thì chỉ thấy đó là cuộc thi đấu chim thông thường. Bởi, tiền cá cược do các bên thỏa thuận ngầm. Sau trận đấu, số tiền đó sẽ do hai bên tự thanh toán.

Nhiều người chơi chim thực thụ từng băn khoăn: Làm thế nào để vừa duy trì được thú chơi tao nhã, vừa bảo tồn được nòi giống các loài chim hoang dã, cũng như việc ngăn chặn nạn cờ bạc từ các cuộc "chọi" chim? Nhu cầu của người chơi tăng đã kéo theo tình trạng bẫy, bắt chim hoang dã diễn ra ngày càng nhiều. Đây cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng tới việc bảo tồn nòi giống, mở lối về rừng cho các loài chim hoang dã.

Thanh Hải

 

 

 

Tin xem nhiều