Báo Đồng Nai điện tử
En

Vắt kiệt sức người…(Bài cuối)

09:09, 27/09/2012

Lay lắt ăn xin từ 4 giờ đến tận nửa đêm trong điều kiện thời tiết nắng, mưa thất thường là chuyện thường ngày của những người bị chăn dắt. Những hôm không kiếm đủ tiền “cống nạp” hay ốm đau, bệnh tật…, những người già, trẻ em đáng thương ấy lại bị kẻ chăn dắt đánh đập, giam lỏng… Bị vắt kiệt sức, nhiều người muốn chạy trốn nhưng… chẳng được.

 

Lay lắt ăn xin từ 4 giờ đến tận nửa đêm trong điều kiện thời tiết nắng, mưa thất thường là chuyện thường ngày của những người bị chăn dắt. Những hôm không kiếm đủ tiền “cống nạp” hay ốm đau, bệnh tật…, những người già, trẻ em đáng thương ấy lại bị kẻ chăn dắt đánh đập, giam lỏng… Bị vắt kiệt sức, nhiều người muốn chạy trốn nhưng… chẳng được.

Hiện nay, tình trạng người già, người khuyết tật và trẻ em ăn xin xuất hiện nhiều nơi ở TP.Biên Hòa. Hầu hết trong số họ đều là người ngoại tỉnh.

* “Dụ” bán vé số rồi bắt đi ăn xin

Những người già bị chăn dắt ăn xin mà chúng tôi phát hiện, đa số có tuổi từ 60-80. Lợi dụng gia cảnh họ khó khăn, tâm lý muốn có đồng ra đồng vào để khỏi dựa dẫm vào con cháu, bọn chăn dắt đã dụ dỗ họ đi bán vé số, sau đó ép họ đi xin. Không cần phải qua đào tạo nhiều, chỉ cần bề ngoài ốm yếu, đi đứng loạng choạng, chịu đựng được mưa, nắng là họ có thể đi xin ăn hàng ngày tại các ngã tư, cây xăng, chợ…

Ông Khang ở trong căn nhà tồi tàn do vợ chồng Chung thuê ở riêng để tránh sự để ý của người dân xung quanh.
Ông Khang ở trong căn nhà tồi tàn do vợ chồng Chung thuê ở riêng để tránh sự để ý của người dân xung quanh.

Hơn 22 giờ, tại công viên Chiến Thắng (phường Long Bình), dù đôi mắt thâm quầng, bước chân mỏi rã rời, nhưng bà Mai Thị Lốc (60 tuổi) vẫn phải lọ mọ đến từng băng ghế đá có người ngồi chìa tay xin tiền. Chưa kiếm đủ số tiền kẻ chăn dắt ra chỉ tiêu thì bà khó lòng được về sớm. Tuổi già và sức khỏe của bà bị mài mòn qua từng ngày, đổi lại bằng lời hứa tết này bà được về quê với khoản tiền dành dụm kha khá từ những kẻ chăn dắt. Theo lời kể của bà Lốc, bà quê ở huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Bà sống với vợ chồng cậu con trai tên Trần Văn Đại (38 tuổi). Đầu năm 2012, vợ chồng Chung - Phương đến nhà rủ bà vào miền Nam bán vé số. Mỗi tháng, họ sẽ trả cho bà 2 triệu đồng, đến tết sẽ tạo điều kiện cho bà về quê, nhưng người con trai không đồng ý. Chừng mấy ngày sau, Chung quay lại, tăng số tiền lương lên 3 triệu đồng/tháng thì bà chấp nhận. Sau khi thỏa thuận xong, bà Lốc trốn con lên xe máy của Chung để về nhà hắn và ở lại 10 hôm nữa mới khởi hành vào Nam.

Khi vào đến TP.Biên Hòa, bà ở cùng với gia đình Chung và nhiều người ăn xin khác trong căn nhà trọ ọp ẹp tại KP3, phường Long Bình. Hai ngày đầu, Chung vẫn đưa vé số cho bà đi bán dọc các công viên, quán nhậu. Nhưng đến ngày thứ 3, Chung yêu cầu bà đi ăn xin, vì đi xin kiếm được tiền gấp nhiều lần so với bán vé số. Hàng ngày, Chung lấy xe máy chở bà đến các khu vực khác nhau để xin ăn, như các chợ: Tam Hiệp, Tân Phong, Trảng Dài... Đến cuối mỗi buổi xin ăn (thường là 22 giờ), Chung đến đón bà về.[links(right)]

Như nhiều người già và trẻ em trong các đường dây xin ăn khác, ông Khang (quê ở huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) mỗi ngày vẫn phải thực hiện điệp khúc lết, quỳ gối, ngửa tay xin ăn từ sáng đến trưa, từ trưa đến khuya để kiếm đủ 500 ngàn đến 1 triệu đồng theo quy định để đem về cho kẻ chăn dắt. Ông Khang cũng được vợ chồng Chung dụ dỗ vào miền Nam bán vé số, bông gòn để kiếm thêm thu nhập. Thực tế, khi vào đến TP.Biên Hòa, ông bị bắt đi ăn xin. Dù cùng bị vợ chồng Chung chăn dắt, nhưng ông phải ở “nhà” riêng với cô bé tên Phương, cách xa nhà Chung để tránh bị người dân xung quanh để ý. Cứ cách vài hôm, ông lại được Chung chở đến một chỗ hành nghề mới, xa hơn. Nhóm ăn xin của ông Khang, ngoài ông và bà Lốc, còn có bé Phương và 2 người già khác. Cách đây hai tháng, vợ chồng Chung còn về Thanh Hóa “tuyển” thêm một cụ ông, nhưng cho ở nơi khác.

* “Xin chưa đủ, bị đánh thừa sống thiếu chết…”

Đó là câu nói xót xa của bà Lốc với chúng tôi về “nhiệm vụ” đi ăn xin của mình. Ngày nào xin không đủ tiền, những người già như bà và các trẻ em khác đều bị vợ chồng Chung dùng cây sào phơi đồ đánh những trận đòn thừa sống thiếu chết.

Những ngày đầu, chưa quen đường, không quen việc, bà Lốc chỉ xin được vài trăm ngàn đồng. Vậy nên, bà buộc phải về nhà sau 23 giờ. Những lúc ấy, bữa ăn của bà ngoài cơm nguội chỉ có rau muống và nước tương. Sáng nhịn đói đi ăn xin; ngày nào nghỉ vì bị  bệnh thì hôm sau phải kiếm tiền gấp đôi, nếu không thì vợ chồng Chung bỏ đói. “Khi tôi xin về quê thì con Phương giỗ ngon ngọt, bảo cố gắng ở lại thêm vài tháng nữa. Rồi vợ chồng nó lấy giấy tờ ra tính toán chi phí ăn ở, xăng xe từ bấy lâu nay” - bà Lốc cho biết.

Trong lần đi xin ở công viên Chiến Thắng, tình cờ bà gặp một người cùng làng và kể lại sự việc bị lừa bắt làm ăn xin. Nhưng không ngờ, ngày hôm đó, khi thấy thái độ khác lạ của bà, Chung theo dõi biết được sự việc. Sợ bị phát hiện, cả hai vợ chồng Chung ra sức đánh đập, dọa nạt, dằn mặt bà: “Nếu để ai khác biết thêm, tôi sẽ đưa bà vào trại tâm thần hoặc giết chết”. Nhưng, cũng nhờ thông tin từ người cùng làng cung cấp mà gia đình cậu con trai bà Lốc biết việc mẹ bị bắt làm ăn xin và đã trình báo cơ quan công an. Sợ họ làm lớn chuyện, vợ chồng Chung van lạy bà Lốc tha thứ và hắn đồng ý trả lại 6 triệu đồng tiền bà xin được từ trước đến nay. Bà Lốc thều thào nói: “Mỗi ngày tôi chỉ được vợ chồng Chung cho ăn hai bữa, 12 giờ trưa và nửa đêm, tôi đói lắm. Xin về cả tháng nay mà hắn không cho. Hôm nào chưa kiếm đủ tiền hắn quy định, tôi lại phải đội nón đi xin tiếp, bất kể mưa gió…”.

Trường hợp của bà Lốc còn may mắn khi được gia đình giải cứu kịp thời. Trong tay của vợ chồng Chung, vẫn còn nhiều người đang bị họ chăn dắt. Mỗi người phải kiếm được số tiền từ vài trăm ngàn đến hàng triệu đồng mới thỏa lòng tham của họ. Bà Lốc cho biết thêm, ông Khang, bé Phương… bị đánh đập, chửi mắng, thậm chí đạp té xuống cầu thang vì xin không đủ tiền: “Vợ chồng Chung thường đánh con nít, đánh luôn các ông bà lớn tuổi và thường kiểm tra thân thể mọi người để xem có giấu tiền hay không”.

Cách đây vài ngày, từ tin báo của người dân, Cảnh sát 113 Công an tỉnh đã đến kiểm tra và đưa 2 người ăn xin ở ngã tư Tân Phong về trụ sở Công an phường Tân Tiến (TP.Biên Hòa) để làm việc. Qua kiểm tra, công an phát hiện trong túi 2 người này có nhiều tiền lẻ của khách đi đường cho, đồng thời có kèm theo nhiều tờ tiền mệnh giá 100 ngàn đồng. Trong lúc Cảnh sát 113 đang làm việc, mọi người phát hiện một đối tượng, nghi là kẻ đã chăn dắt 2 người ăn xin này, chạy xe máy ngang qua. Ngay lập tức, Cảnh sát 113 đã đuổi theo và đưa người tình nghi này về Công an phường Tân Tiến. Sự việc sau đó công an địa phương cũng được báo, nhưng những kẻ chăn dắt ăn xin như vợ chồng Chung đến nay vẫn tiếp tục hoạt động.

Không bỏ sức lao động, nhưng những kẻ chăn dắt người ăn xin như vợ chồng Chung - Phương lại thu được số tiền lớn vào mỗi ngày, dựa trên mồ hôi và nước mắt của những người yếu thế. Những cảnh này cứ diễn ra mỗi ngày khiến dư luận hết sức bất bình, xót xa. Đáng nói, vấn nạn này đang có xu hướng lan rộng, khiến bộ mặt đô thị Biên Hòa bị ảnh hưởng. Hơn nữa, tương lai của những cụ già và những trẻ nhỏ này sẽ về đâu khi ngày ngày phải đối diện với sự nhếch nhác nơi đầu đường, xó chợ và sự chì chiết, hành hạ của những kẻ chăn dắt?…

Võ Nguyên - Tùng Minh

 

Tin xem nhiều