Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần xử lý quyết liệt (Bài cuối)

09:01, 09/01/2013

Đằng sau hoạt động khai thác đất, đá “chui” là việc môi trường sống của hàng trăm hộ dân xung quanh đang bị tàn phá từng ngày. Không chỉ bám trên mặt đường, tường nhà, những lớp bụi phát sinh từ hoạt động khai thác, vận chuyển đất, đá còn lẫn vào những bữa ăn, giấc ngủ của người dân…

Đằng sau hoạt động khai thác đất, đá “chui” là việc môi trường sống của hàng trăm hộ dân xung quanh đang bị tàn phá từng ngày. Không chỉ bám trên mặt đường, tường nhà, những lớp bụi phát sinh từ hoạt động khai thác, vận chuyển đất, đá còn lẫn vào những bữa ăn, giấc ngủ của người dân…[links(left)]

* Sống chung với không khí ô nhiễm

Trên tuyến đường vào khu mỏ khai thác đất, đá tại ấp Thiên Bình (xã Tam Phước, TP.Biên Hòa), điều chúng tôi dễ cảm nhận nhất vẫn là cảnh tượng trái ngược giữa hoạt động khai thác ồn ào ở khu mỏ, những chuyến xe tải chở đất, đá nhấn ga chạy ầm ầm ngoài đường, với cảnh nhiều nhà dân hai bên đường đóng cửa im ỉm để tránh bụi.

Ao, hồ đã hình thành bởi hoạt động khai thác đất, đá tràn lan.
Ao, hồ đã hình thành bởi hoạt động khai thác đất, đá tràn lan.

Thấy chúng tôi ghé thăm, anh Nguyễn Đình Chiến (ngụ ấp Thiên Bình, xã Tam Phước) mở cửa đón khách rồi lại nhanh tay chốt cửa vào nhà. Gần cả năm nay, nhà anh Chiến ít khi mở cửa vì sợ bụi đường bám đầy các vật dụng trong nhà. Anh Chiến cho biết, từ khi khu mỏ hoạt động, cuộc sống gia đình anh bị đảo lộn. Từ những sinh hoạt hàng ngày, đến việc đi lại trên đường đều gặp nhiều khó khăn. Chị Lê (ngụ cùng ấp) cho biết, xe chở đất, đá gây bụi quá nhiều, nhưng phía đơn vị khai thác không chịu tưới nước để giảm bụi. Bức xúc, một số người dân đã nhiều lần kéo ra đường chặn xe, buộc đơn vị khai thác phải tưới nước mới cho xe đi. Theo chị Lê, việc làm trên chỉ là hành động tự phát, nhưng cho thấy sự bức xúc do quá sức chịu đựng.

- Khoản 3, điều 18 Luật Khoáng sản quy định: “UBND cấp xã trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép; phối hợp với các cơ quan chức năng bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn…”.

Theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều hộ dân sống ở ấp Long Khánh 2 (xã Tam Phước) cũng đang phải chịu cảnh tương tự. Hàng ngày, những chuyến xe tải ben ra - vào khu khai thác đất, đá vẫn ầm ầm chạy, làm bụi bốc lên mù mịt. Bên cạnh đó, tình trạng mất an toàn giao thông vẫn là mối hiểm họa luôn rình rập cuộc sống của người dân. Đáng chú ý, cách khu mỏ không xa (chỉ vài chục mét) là phân hiệu 2 Trường tiểu học Tam Phước. Hàng ngày, hàng trăm học sinh vẫn phải đi chung tuyến đường với những chuyến xe tải chở đất, đá, rất nguy hiểm. Theo một số giáo viên ở đây, việc mỏ khai thác nằm gần khu vực trường học đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc dạy và học của thầy trò trong trường.

Đặc biệt, không chỉ gây ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống của người dân, việc khai thác đất, đá “chui” của các điểm tự phát còn vi phạm các quy định của pháp luật về khai thác tài nguyên, khoáng sản (TNKS).

* Chính quyền đã thực sự mạnh tay?

Trao đổi với chúng tôi, một số cơ quan chức năng và chính quyền địa phương bày tỏ sự “bất lực” trước hoạt động khai thác đất, đá “chui” của các đơn vị này. “Mỗi lần cơ quan chức năng có kế hoạch đi kiểm tra, các đối tượng khai thác trái phép đều biết trước và thực hiện đối phó bằng cách “án binh bất động”, khiến việc bắt quả tang rất khó khăn. Ngăn chặn, xử lý dứt điểm những đối tượng khai thác TNKS “chui” là cả một quá trình gian nan, vất vả” - một cán bộ Phòng Tài nguyên - môi trường (TNMT) TP.Biên Hòa cho biết.

Đối với chính quyền địa phương, trước những bức xúc của người dân về hoạt động của các mỏ khai thác TNKS, chính quyền xã đã nhiều lần kiến nghị lên cấp có thẩm quyền để sớm có những giải pháp phù hợp trong việc ngăn chặn tình trạng khai thác đất, đá trái phép. Ông Nguyễn Văn Phú, Chủ tịch UBND xã Tam Phước cho biết, do không có thẩm quyền giải quyết nên khi nhận được phản ảnh của người dân, chính quyền xã cũng chỉ biết kiến nghị lên cấp trên và… chờ giải quyết.

Tuy nhiên, khi chúng tôi đặt vấn đề chính quyền địa phương cũng phải có trách nhiệm giám sát hoạt động của các doanh nghiệp khi tham gia hoạt động trên địa bàn thì vị cán bộ này cho biết: “Do cán bộ địa phương quá mỏng nên không thể quán xuyến hết các hoạt động của các đơn vị khai thác đất, đá”.

- Vào lúc 9 giờ 10 ngày 20-4-2012, tại cổng ấp văn hóa Thiên Bình, xã Tam Phước đã xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng làm 1 người chết tại chỗ. Theo những người chứng kiến, xe tải ben mang biển số 60S-009... lưu thông với tốc độ khá nhanh hướng từ Khu công nghiệp Tam Phước vào mỏ đá Tân Cang. Sau đó, chiếc xe tải này chuyển hướng rất nhanh vào khu vực ấp Thiên Bình, nhưng không hề giảm tốc độ. Khi bất ngờ phát hiện phía trước có một xe máy, tài xế đã không thắng kịp và đâm thẳng vào xe máy, làm người phụ nữ đi xe máy chết tại chỗ.

Trước những băn khoăn của chính quyền cơ sở, chúng tôi đã liên hệ với Sở TNMT và được ông Võ Văn Vinh, Phó phòng Khoáng sản Sở TNMT cho biết: “Theo Quyết định số 30/2010/QĐ-UBND ngày 21-5-2010 của UBND tỉnh về việc quản lý và bảo vệ TNKS trên địa bàn tỉnh, UBND các xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm chính trong việc theo dõi thực hiện quy hoạch và bảo vệ TNKS chưa khai thác tại địa phương; kiểm tra, ngăn chặn kịp thời các hoạt động khai thác TNKS bất hợp pháp; đồng thời phải thông báo kịp thời cho Phòng TNMT, UBND cấp huyện và Sở TNMT để phối hợp xử lý… Nếu địa phương nào còn để hoạt động khai thác TNKS bất hợp pháp thì Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn đó phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh”.

Về việc hoạt động khai thác TNKS trái phép sẽ gây ra tình trạng môi trường suy thoái, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, ông Vinh cho biết, hiện tham gia khai thác tại các mỏ đá ở ấp Thiên Bình có một số công ty, như: A.P., B.C., H.A.,... Mặc dù, các công ty được giới thiệu địa điểm để khai thác đá, nhưng phải khai thác qua nhiều lớp đất mới tiến hành khai thác đá được. Bên cạnh đó, để phục vụ cho dự án này, ban quản lý cũng đã quy hoạch một con đường chuyên dùng, nhưng đến nay vẫn chưa hình thành. Trước mắt, Sở TNMT sẽ rà soát các quy hoạch để kịp thời điều chỉnh, căn cứ vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất và khoáng sản đã được thông qua, đảm bảo điều chỉnh quy hoạch theo hướng sử dụng đất có hiệu quả kinh tế - xã hội cao nhất, đồng thời sử dụng có hiệu quả nguồn TNKS và đảm bảo sự thống nhất giữa các quy hoạch.

Tuy nhiên, nguyên nhân khiến cho tình trạng khai thác TNKS “chui” vẫn tiếp diễn là do hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm với các đối tượng còn hạn chế; các biện pháp chế tài, xử lý chưa đủ mạnh, thiếu kiên quyết, nhất là chưa làm rõ trách nhiệm của chính quyền cơ sở, người có trách nhiệm trong công tác bảo vệ TNKS ở địa phương.

T.Danh - T.Hải

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều