Báo Đồng Nai điện tử
En

Bấp bênh với nghề (Bài 2)

09:09, 29/09/2013

Với những “công nhân” vệ sinh đường phố, công việc tuy vất vả, nhưng đó lại là điều họ mong mỏi. Cuộc sống mưu sinh của không ít gia đình chỉ dựa vào đồng lương ít ỏi của những người đang hàng đêm vật lộn với rác. Nhưng công việc của họ rất bấp bênh, vì chỉ có hợp đồng “miệng” của người thuê họ.

Với những “công nhân” vệ sinh đường phố, công việc tuy vất vả, nhưng đó lại là điều họ mong mỏi. Cuộc sống mưu sinh của không ít gia đình chỉ dựa vào đồng lương ít ỏi của những người đang hàng đêm vật lộn với rác. Nhưng công việc của họ rất bấp bênh, vì chỉ có hợp đồng “miệng” của người thuê họ.

Liên tục bám theo chiếc xe tải chạy chầm chậm phía trước, anh K. (ngụ TP.Biên Hòa) vừa chạy, vừa gom các bao rác được người dân bỏ dọc lề đường vứt lên thùng xe để chở đến điểm tập kết. Đứng trên xe, một công nhân khác liền tay nhận lấy các bao rác từ anh K. rồi rải đều lên thùng xe để sắp chỗ. Mùi hôi, thối, chua của đủ loại rác thải bốc lên, xộc thẳng vào mặt mũi những người đang trực tiếp gom rác lên xe.

* Hiểm nguy từ nghề

Chiếc xe chạy đến gần cuối đường, chúng tôi mới trò chuyện với những “công nhân” này, khi họ dừng chân nghỉ ngơi. Anh K. cho biết, do hoàn cảnh gia đình khó khăn (cha làm phụ hồ, mẹ bán vé số), mà anh đã theo công việc này được 4 năm. Làm thuê cho ông S. nên cũng như nhiều người khác đang làm việc tại đây, hàng tháng anh K. chỉ nhận được khoản tiền lương ít ỏi để phụ giúp gia đình. Anh K. cho hay, vẫn biết việc tiếp xúc với rác có thể mắc nhiều loại bệnh, nhưng không có nghề nghiệp ổn định nên anh đành bám trụ với nghề này. “Phận làm thuê như tụi tui làm được ngày nào biết ngày đó, nếu đổ bệnh hay bị ông chủ cho nghỉ việc là chuyện bình thường” - anh K. bộc bạch.

Làm việc trong môi trường ô nhiễm, nhưng anh K. vẫn tay không bốc rác lên xe.
Làm việc trong môi trường ô nhiễm, nhưng anh K. vẫn tay không bốc rác lên xe.

Cũng như anh K., anh V. (ngụ TP.Biên Hòa) đã bám trụ với công việc gom rác thải nhiều năm nay. Mặc dù “nối gót” công việc của người thân trong gia đình, nhưng anh V. cũng chỉ làm thuê cho một số công nhân khác. Để kiếm tiền trang trải cuộc sống, hiện anh V. đang “chạy sô” cho 2 “đầu mối” là chị K. và bà H. Mỗi nơi như vậy, anh V. đảm nhận việc gom rác tại một đoạn đường cố định.

Với anh V., việc “chạy sô” cũng có thể kham được, nhưng điều khiến anh lo nhất là những lúc chẳng may bị đau ốm, bệnh tật. Làm nghề bốc rác, đôi tay của anh V. đang ngày một chai sần vì mắc những căn bệnh ngoài da. Anh V. cho biết, do tiếp xúc với rác thường xuyên nên anh không thể chữa trị dứt điểm căn bệnh. Biết sức khỏe mình đang bị ảnh hưởng do đặc thù công việc, nhưng anh không thể bỏ việc vì kế sinh nhai của cả gia đình đang trông chờ vào đây.

Công việc của các công nhân vệ sinh tưởng chừng đơn giản là vậy, nhưng khi trực tiếp chứng kiến mới thấy hết sự vất vả. Ngoài việc tiếp xúc với rác, phải ngửi mùi hôi, thối từ rác, đã không ít lần họ gặp phải chấn thương vì giẫm phải vật nhọn do người dân bỏ lẫn trong rác. Luôn ngập chìm trong rác rưởi và sự bẩn thỉu, nhưng việc bảo hộ cho họ lại rất sơ sài. Có những thanh niên chỉ mặc mỗi chiếc quần, mình trần, chân đất vật lộn với đủ loại rác thải, nên việc lây nhiễm mầm bệnh là chuyện khó tránh khỏi.

* “Phụ cấp” bằng… ve chai

Nhảy khỏi chiếc xe tải chất đầy rác thải sinh hoạt sau khi thu gom ở một đoạn phố dài, anh T.V.P. (ngụ TP.Biên Hòa) cho biết đã bám trụ với công việc này được 3 năm. Khi chúng tôi hỏi anh P. đang làm việc cho công ty nào, thì anh cho biết đang làm thuê cho một công nhân của Công ty TNHH MTV dịch vụ môi trường đô thị Đồng Nai.

Ngoài thu gom rác hàng ngày, anh M.H. còn làm thêm nghề thu lượm ve chai để kiếm sống.
Ngoài thu gom rác hàng ngày, anh M.H. còn làm thêm nghề thu lượm ve chai để kiếm sống.

Từ vùng quê nghèo khó của một tỉnh miền Tây đến TP.Biên Hòa mưu sinh, anh P. cùng vợ thuê phòng trọ rồi đi xin làm thuê cho ông T. Công việc hàng ngày của anh là đẩy xe gom rác tại một số khu phố ở TP.Biên Hòa. Sau khi gom xong phần đường của mình, nếu còn thời gian, anh có thể tham gia phụ giúp chất rác lên xe tải chở đến điểm tập kết. Mỗi ngày, anh P. bắt đầu công việc từ 4 giờ sáng, cho đến lúc thu gom hết rác ở tuyến đường mà mình nhận làm.

Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV dịch vụ môi trường đô thị Đồng Nai, công nhân làm việc chính thức của công ty, ngoài các khoản được công ty đóng, như: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định, họ còn có các chế độ khác, như: được hưởng bồi dưỡng độc hại với 3 mức bồi dưỡng 10-15-20 ngàn đồng/ngày tùy người... Ngoài ra, công nhân còn được trang bị đồng phục bảo hộ lao động, khám sức khỏe định kỳ 2 lần/năm; tham gia bảo hiểm tai nạn 24/24; được đào tạo để nâng cao tay nghề…

Tiếp xúc với đủ loại rác thải, anh P. cũng sợ ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhưng nếu không bám lấy công việc này, anh không có tiền nuôi vợ con. Mỗi tháng tiền lương anh P. nhận được từ ông T. là 3 triệu đồng. Khó khăn và thu nhập bấp bênh từ công việc là vậy, nhưng anh P. cũng mừng ra mặt: “Làm hơi cực, nhưng đi gom rác hàng ngày tôi lại kiếm thêm được chút ít từ việc thu lượm ve chai”. Anh P. cho biết, chịu khó bới móc từ rác, mỗi ngày anh có thể kiếm được 20-30 ngàn đồng tiền ve chai. Lẩm bẩm nhẩm tính, anh P. hài hước nói thêm: “Mỗi tháng, nếu làm đều, tôi đã có thêm một khoản “phụ cấp” kha khá rồi đó”.[links(right)]

Cùng cảnh ngộ làm “công nhân” của công nhân vệ sinh nên cuộc sống của anh M.H. (ngụ TP.Biên Hòa) cũng chỉ tạm gắng gượng qua ngày, với thu nhập từ công việc gom rác vỏn vẹn 1,8 triệu đồng/tháng. Thế nhưng, theo anh M.H., ngoài công việc gom rác tại một số tuyến phố, anh còn chăm chỉ thu lượm ve chai nên mỗi tháng cũng kiếm được cả triệu đồng. Đã gắn bó với công việc “phu rác” này 20 năm, anh M.H. chưa bao giờ nhận được một khoản phụ cấp hay tiền thưởng từ công ty. Bởi như anh trình bày, anh chỉ là người làm phụ công việc cho một người quen trong công ty môi trường để kiếm cơm hàng ngày mà thôi. Chính vì vậy, khoản “phụ cấp” thường xuyên từ công việc gom rác của anh chính là lượng ve chai gom được sau mỗi chuyến dọn rác.

Tâm sự về nghề, anh M.H. cho biết, nhiều người bám trụ với công việc này cũng làm thêm việc thu lượm ve chai để kiếm sống. “Những người làm thuê như chúng tôi mấy ai đủ sống mà không kiếm thêm “phụ cấp” từ ve chai này” - anh M.H. khẳng định.

Trần Danh

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều