Báo Đồng Nai điện tử
En

Những người lính "chăm" rừng

11:12, 20/12/2013

Tiết trời cuối năm dịu mát, chúng tôi cùng những người lính của Xí nghiệp chế biến nông sản thực phẩm (Công ty Đông Hải, Bộ Quốc phòng) men theo con đường mòn nằm giữa những tán cây tràm xanh ngắt.

Tiết trời cuối năm dịu mát, chúng tôi cùng những người lính của Xí nghiệp chế biến nông sản thực phẩm (Công ty Đông Hải, Bộ Quốc phòng) men theo con đường mòn nằm giữa những tán cây tràm xanh ngắt. Và câu chuyện về cuộc đời, công việc của những người lính trồng rừng dần được mở ra theo từng bước chân chúng tôi đi…

Tuần tra kiểm soát phía trong rừng tràm.
Tuần tra kiểm soát phía trong rừng tràm.

Phát cho chúng tôi đôi ủng cao su, chiếc mũ cối và đôi găng tay dày cộm, Trung tá - Giám đốc xí nghiệp Hoàng Thăng Long buộc chúng tôi phải sử dụng tất cả trang bị này khi đi tuần, vì với những người chưa bao giờ đi rừng như chúng tôi sẽ dễ bị thương.

* “Những cảnh vệ” của rừng

Ra đời từ năm 1993, với nhiệm vụ chính là trồng rừng, chế biến thực phẩm cho quân đội, Xí nghiệp chế biến nông sản thực phẩm đã trồng và quản lý hơn 230 hécta rừng tràm quanh khu vực xã An Phước (huyện Long Thành). Đến năm 2010, xí nghiệp bàn giao cho đơn vị bạn 100 hécta, chỉ còn quản lý hơn 130 hécta rừng tràm phục vụ cho công nghiệp.

Trước khi bắt đầu chuyến tuần rừng, Thượng úy Nguyễn Văn Quý, Phó giám đốc xí nghiệp, đưa chúng tôi lên chòi canh cao gần 15m ở bìa rừng để hình dung được diện tích rừng mà xí nghiệp đã trồng. Do mang theo lỉnh kỉnh ba lô, máy ảnh, ủng cao su và hơi sợ độ cao, nên chúng tôi phải mất khá lâu mới trèo lên được chiếc thang nhỏ để bước vào chòi canh.

“Anh nhìn xem, từ đây chúng ta có thể thấy được hơn 130 hécta rừng mà anh em tụi tôi quản lý nhiều năm qua. Phía quốc lộ 51 ngoài kia đường bụi mù mịt, nhưng khi đến xí nghiệp của chúng tôi chỉ còn một màu xanh của cây rừng. Rừng tràm vừa cung cấp cho công nghiệp sản xuất, vừa là nơi cư ngụ của rất nhiều loài chim, sóc, chồn…, vừa là lá phổi xanh của khu vực này” - anh Quý đưa ống nhòm cho chúng tôi rồi chỉ những cột mốc tự nhiên mà các anh tự quy ước trong mỗi chuyến tuần rừng.

Sau gần 30 phút tiến vào rừng, chúng tôi đã không còn nhìn thấy con đường đất đỏ chạy song song ngoài bìa rừng nữa, mà xung quanh là cây cối, bụi cỏ và những loài côn trùng bay quanh người. “Anh phóng viên đi cẩn thận nhé, đường mòn hơi nhỏ nên bước cho khéo, nếu giẫm phải cỏ có thể bị trượt chân ngã đấy. Xung quanh đây có nhiều rắn và bọ cạp, đang mùa khô nên chúng bò ra nhiều lắm” - vừa lấy dao chặt những cành khô làm vướng lối đi, Trung tá Long vừa nói với chúng tôi.

Để chứng minh lời nói của mình, Trung tá Long chỉ cho chúng tôi một con rắn màu sậm khá to đang nằm gọn trong một bụi cây cách lối đi không xa. “Chắc nó mới nuốt một con chuột hay sóc gì đó nên đang nằm tiêu hóa, anh em ở đây lâu lâu cũng thấy rắn đang bắt chuột, sóc, chim… Anh phải cẩn thận đấy, tốt nhất là phải tránh xa những bụi rậm” - chìa cho chúng tôi xem vết thương bị rắn cắn trên tay cách đây mấy tháng, Thượng úy Quý nói.

* Ngược phố về rừng

Hơn một giờ đi vào rừng, các anh dừng lại để phát quang một bụi cây khô. Trong lúc mọi người phát quang, Trung tá Long đưa chúng tôi đến một lán trại gần đó để nghỉ ngơi. Anh cho biết, phần đông cán bộ ở xí nghiệp đều từ TP.Hồ Chí Minh chuyển về đây. Do công việc bận rộn nên mỗi tuần anh chỉ có thể cho một người về thăm gia đình. Riêng Trung tá Long đã có hơn 5 năm gắn bó với rừng. Suốt thời gian đó, anh chỉ về nhà vào những lúc thưa việc, còn những ngày lễ, tết anh đều phải ở lại trực.

Thượng úy Nguyễn Văn Quý trèo lên chòi canh rừng.
Thượng úy Nguyễn Văn Quý trèo lên chòi canh rừng.

“Giờ còn đỡ, chứ cách đây mấy năm khu vực này chưa có điện, anh em đi tuần đêm rất khó khăn, nhất là vào mùa mưa đường lầy lội. Vừa phải canh rừng, vừa phải đề phòng rắn rết, nhiều khi ngủ ở lán trong rừng bị rắn bò vào nhưng anh em không dám nhúc nhích, sơ sẩy chút là mất mạng ngay. Giờ thì chúng tôi đã có thể mắc những bóng đèn để chiếu sáng vào ban đêm, việc tuần tra rừng đã thuận tiện hơn. Trang thiết bị chữa cháy cũng được nâng cấp nên chúng tôi yên tâm có thể ứng phó tốt khi xảy ra cháy rừng” - Trung tá Long chỉ cho chúng tôi xem những hồ chứa nước, hào thoát nước trên bản đồ và nói.

Giống như Trung tá Long, Đại úy Nguyễn Văn An có hơn 6 năm sống và làm việc ở rừng. Mỗi năm, anh chỉ về thăm nhà vào dịp thu hoạch tràm, hoặc vào mùa mưa khi công việc không quá bận rộn. “Nhà ở TP.Hồ Chí Minh, vì công việc nên tôi phải sống ở đây cùng anh em. Nhiều khi thấy buồn và nhớ vợ con, nhưng biết sao được, công việc mà. Anh em tụi tôi từ lâu đã coi rừng là nhà, từng gốc cây như con cái của mình, mọi người đều dành hết tình cảm của mình vào việc chăm sóc cây rừng để quên nỗi nhớ nhà” - anh An nhấp ngụm nước rồi kể cho chúng tôi nghe chuyện của mình.

“Chúng tôi vừa là đơn vị sản xuất kinh doanh, vừa làm công tác bảo vệ môi trường. Mùa khô thì chúng tôi tuần tra chống cháy rừng, mùa mưa thì kiểm tra ngập úng, đều đặn 365 ngày trong năm. Với anh em chúng tôi, được sống trong môi trường xanh mát, trong lành như vậy thật sự đã là điều đáng quý lắm rồi…” - Trung tá Hoàng Thăng Long tâm sự.

Sau khi phát quang bụi cây khô, chúng tôi tiếp tục lên đường để kiểm tra những hào nước và thiết bị chiếu sáng ban đêm ở trong rừng. Từng gốc cây ở đây đều nằm trong lòng bàn tay của các anh, không cần đánh số, không cần làm dấu, nhưng các anh cũng biết được cây nào do ai trồng, mức độ phát triển ra sao.

Trung tá Long cho biết thêm, với diện tích 130 hécta, nguy cơ cháy rừng vào mùa khô rất cao, nên nhân viên của xí nghiệp luôn trong tình trạng trực chiến 24/24. “Bình thường thì chúng tôi tuần tra 3 lần một ngày, riêng mùa khô thì một ngày đi tuần 8 lần, cứ tổ này đi tuần về là cử ngay một tổ khác lên đường. Ngoài việc đi tuần tra, chúng tôi còn phải nhắc nhở người dân sống quanh rừng không đốt rác, hay nhóm củi để tránh lửa lan sang rừng. Đơn vị còn phối hợp với những đơn vị bạn đóng quân xung quanh, mỗi khi có cháy sẽ đánh kẻng để những đơn vị xung quanh đến ứng cứu” - Trung tá Long chỉ cho chúng tôi những đường ống dẫn nước chữa cháy nằm bên lối mòn và nói.

Lúc này, chúng tôi đã đi được gần hai giờ và bắt đầu quay ra bìa rừng để kiểm tra hào thoát nước, rồi đi ngược về trụ sở xí nghiệp. Cỏ mọc quanh hào lúc nào cũng phải được dọn sạch để không cản trở việc thoát nước và lấy nước khi cần thiết. Mỗi người một tay, người cuốc, người xẻng bắt đầu xúc những chỗ đất bị sạt lở, phát quang những bụi cỏ ven đường che lấp hào. “Đã vào rừng là muốn sống mãi với rừng, cả năm về thăm nhà mấy lần có bị vợ rầy rà cũng chỉ biết cười cho qua chuyện. Tuy 130 hécta không phải là lớn, nhưng với chúng tôi, đây chính là gia tài của đất nước, là nơi gìn giữ màu xanh cho Tổ quốc, màu xanh của người lính…” - Trung tá Hoàng Thăng Long ngưng tay cuốc, lau vội mồ hôi rồi quay sang nói với chúng tôi.

Đăng Tùng

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều