Báo Đồng Nai điện tử
En

Lá dong vào vụ tết

11:01, 06/01/2014

Chỉ tập trung thu hoạch trong vòng nửa tháng, nhưng những ngày giáp tết, lá dong là mặt hàng được mua bán rộn ràng ở các xã Gia Kiệm, Quang Trung (huyện Thống Nhất).  Thời điểm giữa tháng Chạp, các nhà vườn bắt đầu tập trung nhân lực cắt lá, chẻ lạt và xếp thành từng bó lớn để chuẩn bị xuất hàng.

Chỉ tập trung thu hoạch trong vòng nửa tháng, nhưng những ngày giáp tết, lá dong là mặt hàng được mua bán rộn ràng ở các xã Gia Kiệm, Quang Trung (huyện Thống Nhất).  Thời điểm giữa tháng Chạp, các nhà vườn bắt đầu tập trung nhân lực cắt lá, chẻ lạt và xếp thành từng bó lớn để chuẩn bị xuất hàng.

Sau một năm chăm sóc, những vườn lá dong, xanh mướt đang chờ thu hoạch, để rồi theo chân thương lái đi khắp nơi.

* Làng lá dong

Gia đình ông Trần Quang Vinh (51 tuổi) là một trong những hộ trồng lá dong với diện tích lớn (gần 2 sào) ở xã Quang Trung. Cây ít sâu bệnh, trồng một lần, thu lá hàng chục năm mới phải bỏ đi trồng lại, nên gia đình ông Vinh hầu như có việc làm quanh năm, ngày nào cũng thu lá xuất bán đi các nơi. “Mỗi tháng tiến hành tỉa cây khô, lá già một lần và thường chăm sóc vào đầu và cuối mùa mưa. Đây là thời điểm quan trọng, cây cần nhiều dưỡng chất và độ ẩm để phát triển lá phục vụ cho mùa tết. Ngoài tết là vụ chính thì ngày 5-5 âm lịch (Tết Đoan ngọ) cũng thu hoạch lá nhiều. Cây dễ trồng, ưa bóng râm nên so với các loại cây trồng vụ tết, cây dong mang lại mức thu nhập cao gấp nhiều lần” - ông Vinh cho biết.

Ông Trần Quang Vinh (xã Quang Trung, huyện Thống Nhất) đang thu hoạch lá dong.
Ông Trần Quang Vinh (xã Quang Trung, huyện Thống Nhất) đang thu hoạch lá dong.

Cây dong dễ trồng, nhưng để có được chất lượng lá cao nhất vẫn đòi hỏi phải chăm sóc đúng cách. Năm nay thời tiết mát mẻ, nắng không gắt, mưa trái mùa xuất hiện nhiều nên lá dong không bị cháy, thẳng mượt, cho năng suất và chất lượng hơn năm trước.

Theo ông Vinh, dong trồng ở vườn được chăm sóc cẩn thận nên lá mỏng, to mà không rách; khi dùng gói bánh chưng làm bánh có màu xanh tự nhiên và mùi thơm đặc trưng rất hấp dẫn. Hiện đã vào mùa thu hoạch lá dong, ngay từ đầu tháng Chạp, mối lái khắp nơi đã tìm về tuyển chọn, đặt hàng. Đến giữa tháng Chạp, họ tiến hành thu mua lá rồi xuất đi khắp các tỉnh, thậm chí còn ký gửi cho bà con người Việt ở hải ngoại.

Đi sâu vào các ngọn đồi ở xã Gia Kiệm, mùa dong tết đã thực sự bắt đầu, khắp nơi phủ một màu xanh ngắt, căng đầy sức sống. Người dân nơi đây “bén duyên” với cây dong cách đây khoảng 15 năm. Mới đầu chỉ vài hộ trồng với diện tích nhỏ trong vườn nhà, về sau thấy hiệu quả kinh tế nên mở rộng dần diện tích. Giá lá dong ngày tết cao gấp 5-7 lần ngày thường, gia đình nào cũng dốc sức chăm bón cho vườn nhà mình tươi tốt, năng suất cao.

“Ngày thường, lá dong là nguyên liệu để gói bánh nếp, bánh ú… Tết đến, lá dong là nguyên liệu không thể thiếu khi gói bánh chưng. Lá dong được trồng ở đây từ lâu, nhưng thực sự phát triển mạnh trong mấy năm trở lại đây nhờ nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng. Trung bình mỗi ngày, nhà tôi bán gần 20 ngàn lá cho các mối ở TP.Hồ Chí Minh” - bà Nguyễn Thị Lĩnh (61 tuổi) nói.

Như bao hộ khác, gia đình bà Lĩnh vào những ngày này rất bận rộn trong việc chăm sóc, thu hoạch lá dong. Với nghề này, họ thường đón tết sớm nhất và cũng muộn nhất, bởi lá dong được cắt và xuất bán đến cận tết mới hết khách. Lúc đó, người trồng mới được nghỉ ngơi, sắm sửa đồ đạc để đón tết.

Tay thoăn thoắt bó lá dong, bà Lĩnh nói thêm: “Mối lớn cần số lượng nhiều nên họ đã lấy hàng từ trước, còn bán cho khách trong tỉnh thì vào 27-28 tháng Chạp là vừa, vì ai cũng muốn có lá tươi, nấu bánh mới ngon. Nhưng theo kinh nghiệm trồng dong hơn 20 năm của tôi, lá dong cắt về được xếp gọn gàng, sau đó bó lại thành ôm lớn, lấy bạt trùm lên và tưới nước hàng ngày thì có thể xanh tươi, không lo dong mất màu xanh vốn có”.

Sau tết, người trồng cắt dong sát gốc, đến thời điểm tháng 6 lá sẽ đẹp nhất. Trước mùa khô, họ chỉ cắt cầm chừng để dành những lá đẹp phục vụ nhu cầu thị trường ngày tết tiếp theo.

* Rộn ràng mua bán lá dong

Lá dong ở Gia Kiệm, Quang Trung nhiều năm qua được đông đảo người dân địa phương và các tỉnh lân cận lựa chọn. Vào vụ, mối lái từ khắp nơi đổ về đây tuyển chọn, mua bán khá rôm rả. Người dân thì kẻ cắt lá, người buộc lạt rộn ràng cả một vùng. Nhiều gia đình trồng dong với số lượng lớn sẵn sàng ăn ngủ tại rẫy để dễ bề thu hoạch.

Sau khi cắt, lá sẽ được phân loại và xếp thành bó ngay tại vườn.
Sau khi cắt, lá sẽ được phân loại và xếp thành bó ngay tại vườn.

Theo chị Đỗ Thị Lượng (46 tuổi, ngụ xã Quang Trung), lá dong chia thành 4 loại, bán với những mức giá khác nhau. Lá đại dành để xuất ngoại sẽ cắt từ tháng 10 nên được chọn lựa kỹ càng, bề ngang rộng 35cm, cuống cắt sát, bó tròn, buộc chặt… có giá 1 ngàn đồng/chiếc. Lá nhất có giá khoảng 30 ngàn đồng/50 chiếc; tiếp đến lá nhì giảm xuống còn 20 ngàn đồng/50 chiếc và cuối cùng là lá chân 10 ngàn đồng/50 chiếc, dùng để gói bánh nếp. Với mức giá này, mỗi sào trồng dong đem thu nhập cho gia đình chị 50-60 triệu đồng. Chị Lượng vui vẻ nói: “Trồng dong không cần thức khuya dậy sớm, chỉ ngày tết mới bận rộn. Chưa bao giờ lá dong ế cả, giá năm sau thường cao hơn năm trước. Muốn mua, mối phải đặt trước cả tháng”.

Anh Lê Ngọc Minh (38 tuổi, người chuyên thu mua lá dong ở xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất) cho biết: “Năm nay, lá dong sẽ cắt sớm do người dân nghỉ tết trước 4 ngày, giá cũng tăng 10-20 ngàn đồng/bó 50 lá. Nguyên nhân do chi phí vận chuyển và nhân công đắt hơn năm trước”.

Bà Nguyễn Thị Liên (51 tuổi), người chuyên kinh doanh lá dong, lá chuối ở chợ Ông Tạ (TP.Hồ Chí Minh), cho biết: “25 tháng Chạp người mua lá dong mới đông, nhưng năm nào cũng phải xuống tầm này lấy hàng để giữ mối. Trước đây, nguồn lá dong chủ yếu từ huyện Hóc Môn, bây giờ khu vực này không còn đất nông nghiệp nên phải lặn lội xuống Đồng Nai

lấy hàng”.

Bà Liên đã theo nghề này trên 20 năm. Theo bà, gần tết không khí mua bán sẽ sôi động hơn, vì năm nay các lò nấu bánh đặt hàng nhiều, giá cả vì thế sẽ tăng so với năm ngoái. Sau khi lấy hàng về TP.Hồ Chí Minh, bà Liên lau lá kỹ càng rồi đem hóng khô, buộc thành từng bó lớn với số lượng 100 chiếc. Từ ngày 25 tháng Chạp trở đi, bà bắt đầu phân phối lá cho các mối nhỏ hơn; một phần sẽ đem bán lẻ. “Lá chất lượng tốt thường có màu không quá thẫm, mỏng, sợi gân thưa. So với lá chuối, lá dong mềm hơn, khi bánh chín lá vẫn giữ được màu xanh tươi” - bà Liên chia sẻ.

Thanh Hải

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều