Báo Đồng Nai điện tử
En

Đam mê trái bóng tròn

11:09, 20/09/2014

"Động tác của em như vậy chưa đúng, phải tiếp xúc bóng bằng mu bàn chân chứ không phải bằng má trong; đá lại cho thầy xem, nhớ dùng mu bàn chân đá trúng điểm thầy đã đánh dấu trên quả bóng nhé…" - giọng huấn luyện viên (HLV) đội bóng đá U.15 Đồng Nai Hoàng Ngọc Tuấn vang lên trong sân tập. Các học trò của ông Tuấn nhanh nhẹn làm theo hướng dẫn.

“Động tác của em như vậy chưa đúng, phải tiếp xúc bóng bằng mu bàn chân chứ không phải bằng má trong; đá lại cho thầy xem, nhớ dùng mu bàn chân đá trúng điểm thầy đã đánh dấu trên quả bóng nhé…” - giọng huấn luyện viên (HLV) đội bóng đá U.15 Đồng Nai Hoàng Ngọc Tuấn vang lên trong sân tập. Các học trò của ông Tuấn nhanh nhẹn làm theo hướng dẫn.

Với mỗi động tác sai của học trò, ông Tuấn đến gần nhắc nhở, điều chỉnh và những quả bóng lại được liên tục sút về phía khung thành sau mỗi tiếng còi của ông.

* Chật vật cùng sân bãi

Ở độ tuổi từ 13-15 nhưng các cầu thủ đội bóng U.15 Đồng Nai sở hữu vóc dáng cao hơn hẳn bạn bè đồng trang lứa; da ngăm, tóc khét nắng và đặc biệt tay chân luôn có vết trầy xước do tập luyện thể thao. Ông Tuấn cho biết, những cầu thủ đang có mặt ở đội hình U.15 Đồng Nai đều đã trải qua thời gian tập luyện, thi đấu trong đội tuyển U.13 của tỉnh; cuộc sống xa nhà, tự lập từ nhỏ nên các em “chững chạc” hơn những đứa trẻ cùng lứa tuổi là điều rất bình thường.

Huấn luyện viên Hoàng Ngọc Tuấn dặn dò các học trò trước khi vào trận.
Huấn luyện viên Hoàng Ngọc Tuấn dặn dò các học trò trước khi vào trận.

Đội bóng U.15 Đồng Nai hiện có hơn 20 cầu thủ, tất cả đều đến từ các địa phương trong tỉnh và sống tập trung tại khu ký túc xá dưới gầm khán đài C sân vận động tỉnh. Sau mỗi giờ luyện tập, các cầu thủ đều phải đảm bảo việc nghỉ ngơi, học tập, ăn uống theo kế hoạch để đảm bảo thể lực tốt nhất. Điều kiện sinh hoạt, luyện tập của các em tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn rất khó khăn, nhất là sân bãi tập hàng ngày.

“Nói ra không phải để than khổ, chứ đội bóng chỉ có 2 sân tập thường xuyên là sân cỏ nhân tạo gần sân vận động và sân Đồng Khởi với mặt cỏ tự nhiên. Nhưng ngặt một nỗi, sân cỏ nhân tạo thì xuống cấp, mặt sân lồi lõm, cỏ đã mòn hết nên cầu thủ rất dễ bị té ngã lúc tập luyện, thi đấu. Sân Đồng Khởi là sân bóng xã hội hóa nên chúng tôi chỉ có thể thỏa thuận vào tập được vài buổi sáng trong tuần, vì người ta còn kinh doanh. Gặp lúc trời mưa thì sân nhân tạo trơn trượt, trong khi quản lý sân Đồng Khởi không cho vào tập vì sợ hư mặt sân. Do các em ít được rèn luyện với mặt sân ẩm ướt nên khi thi đấu đụng sân sũng nước là lúng túng…” - chỉ vào những chỗ lồi lõm trên mặt sân nhân tạo, ông Tuấn nói.

15 nội dung kiểm tra khả năng chơi bóng của các cầu thủ U.15 Đồng Nai chia làm 5 phần lớn, gồm: ứng dụng kỹ thuật, khả năng tranh chấp bóng, khả năng quan sát, khả năng phối hợp và khả năng tư duy. Nếu không hoàn thành được 7 điểm/môn kiểm tra, các cầu thủ sẽ phải rời đội và trở về học tập tại địa phương. Nhiều cầu thủ U.15 Đồng Nai cho biết, đây là một thử thách khá nặng, nhưng chỉ như vậy mới có thể đảm bảo những người tập trung ở đội bóng là những cầu thủ giỏi nhất.

Nhiều cầu thủ U.15 Đồng Nai cho hay, chuyện té ngã sứt móng chân, trầy da khi tập luyện hay thi đấu là thường tình. Nhiều lúc các em cũng thấy mệt mỏi nhưng tuyệt nhiên không hề có chuyện nản và bỏ đội. Để chọn cầu thủ cho các đội bóng năng khiếu của tỉnh, các HLV phải đến từng trường THCS trên địa bàn tỉnh tuyển chọn các cầu thủ tiềm năng. Sau một thời gian tham gia luyện tập, số cầu thủ nhí này sẽ được loại bớt, chỉ giữ lại những em thật sự có triển vọng.

Mỗi học kỳ, các HLV sẽ tiến hành kiểm tra năng khiếu tất cả các cầu thủ trong đội bóng với 15 hạng mục; cầu thủ nào đạt được 7 điểm ở mỗi hạng mục mới được giữ lại. “Tiêu chuẩn ngặt nghèo như vậy nên những cầu thủ ở đội tuyển đã mấy năm mà bị loại vẫn là chuyện bình thường. Và đó cũng là điều kiện cho những tài năng bóng đá có chỗ phát huy” - ông Tuấn nhấn mạnh.

* Ước mơ cháy bỏng

Những cầu thủ năng khiếu khi đặt chân vào các đội tuyển chọn của tỉnh đều mang trong mình mơ ước cháy bỏng là được thi đấu ở các giải bóng đá chuyên nghiệp khi trưởng thành. Nhưng vì còn nhỏ, vẫn còn ở lứa tuổi thích thể hiện bản thân và suy nghĩ chưa được chín chắn, nên HLV của các em phải kiêm luôn nhiệm vụ của một người cha, người mẹ.

Em Vũ Quang Huy (15 tuổi, ngụ huyện Thống Nhất) cho biết, em tham gia đội bóng U.15 Đồng Nai được 2 năm nay. Những ngày đầu được tuyển chọn vào đội bóng, vì quá nhớ nhà nên em nhiều lần xin các huấn luyện viên rời khỏi đội. Lúc ấy, các HLV lại động viên, khuyên nhủ để củng cố lại niềm tin cho học trò.

Việc một số cầu thủ của Câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp Đồng Nai dính nghi án bán độ vừa qua là một bài học lớn để ban huấn luyện của đội U.15 rút kinh nghiệm, tăng cường nhắc nhở cầu thủ của mình về đạo đức, lối sống. Ông Tuấn khẳng định, chỉ vài năm nữa thôi, những em được tham gia thi đấu chuyên nghiệp đều có khả năng trở thành người của công chúng; các mối quan hệ, cách ứng xử, phát ngôn đều được mọi người chú ý, nhất là khi các em sơ suất đưa những hình ảnh không hay về bản thân, bạn bè lên mạng xã hội sẽ dẫn đến nhiều chuyện rắc rối.

Một buổi tập sút cầu môn bằng chân nghịch của đội bóng U.15 Đồng Nai.                                                                                           Ảnh: ĐĂNG TÙNG
Một buổi tập sút cầu môn bằng chân nghịch của đội bóng U.15 Đồng Nai. Ảnh: ĐĂNG TÙNG

“Trước khi các em chính thức gia nhập đội bóng, chúng tôi đã trao đổi với phụ huynh các em về cách chúng tôi quản lý, đào tạo học trò của mình. Nếu phụ huynh đồng ý, chúng tôi mới nhận con em họ vào đội, vì vào đây tuy vấn đề thành tích thi đấu luôn đặt lên cao nhất, nhưng cũng không thể quên vấn đề đạo đức. Trong nhóm cầu thủ đội bóng chuyên nghiệp Đồng Nai “dính chàm” vừa rồi có một em ngày xưa ở trong lò đào tạo U.15 của chúng tôi. Đó là một điều đáng buồn, nhưng cũng là bài học để chúng tôi dạy dỗ những lứa học trò sau…” - ông Tuấn trầm giọng kể.

Để tiến lại gần hơn với mục tiêu mà bản thân đề ra, mỗi cầu thủ khi vào đội tuyển đều trải qua những khoảng thời gian cực kỳ khó khăn, nhất là trong lúc luyện tập. Em Nguyễn Thanh Hùng (14 tuổi, ngụ phường Tam Hiệp, TP.Biên Hòa) tâm sự, dù nhà ở gần nhưng em vẫn phải sinh hoạt tập thể với đội bóng, điều này không chỉ rèn tính kỷ luật mà còn tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa các thành viên trong đội.

“Khổ nhất là những lần bị thương, vừa phải tập nhẹ để duy trì kỹ năng vừa cố gắng nghỉ ngơi để mau chóng hồi phục. Khi tham gia đội tuyển, chúng em đều phải nỗ lực tập luyện để cân bằng sự linh hoạt giữa 2 chân, các thầy cũng hướng dẫn để từ từ tăng cường khả năng hoạt động của chân nghịch và sửa lỗi ở chân thuận. Nói thì nghe dễ vậy, chứ tập luyện thực tế khó lắm, tụi em phải mất một thời gian dài mới có thể sử dụng chân nghịch được như chân thuận” - Hùng giải thích.

Vừa qua, đội bóng U.15 Đồng Nai đã tham gia thi đấu ở một số giải trong nước. Tuy chưa có thành tích nào thật sự nổi bật, nhưng những gì mà thầy trò HLV Hoàng Ngọc Tuấn đang làm đã tạo cho những người theo dõi đội bóng một niềm tin về sự thành công trong tương lai. Hàng ngày, đi trên con đường bao quanh sân vận động tỉnh, mọi người dân có thể thấy hơn 20 cầu thủ U.15 Đồng Nai luyện tập bất kể thời tiết để đạt được ước mơ thi đấu ở các giải bóng đá chuyên nghiệp.

Đăng Tùng

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều